Suốt 3 năm qua, anh Lê Thế Thắng, quê ở Thanh Hóa, đã phục chế miễn phí khoảng 500 bức ảnh chân dung liệt sỹ cho nhiều gia đình.
Tại một tiệm ảnh nhỏ ven Quốc lộ 47C, thuộc thôn 3, xã Thọ Lâm, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa, anh Lê Thế Thắng (SN 1988) đã lặng lẽ thực hiện một công việc đầy ý nghĩa suốt 3 năm qua đó là phục chế miễn phí ảnh chân dung các liệt sỹ.
Với 20 năm kinh nghiệm trong nghề ảnh, ban đầu là ảnh cưới, anh Thắng đã chuyển hướng sang phục chế ảnh cũ khi nhận thấy thị trường thay đổi và bản thân có năng khiếu đặc biệt với lĩnh vực này.
Bước ngoặt đến khi anh Thắng tình cờ nghe bố và các đồng đội kể về những ngày chiến đấu khốc liệt tại thành cổ Quảng Trị.
Những câu chuyện về sự mất mát, hy sinh đã chạm đến trái tim anh, thôi thúc anh quyết định phục chế ảnh liệt sỹ hoàn toàn miễn phí, xuất phát từ sự thấu hiểu và đồng cảm sâu sắc với thân nhân các anh hùng, liệt sỹ.
Khởi đầu từ vài trường hợp, công việc ý nghĩa này nhanh chóng lan tỏa. Nhờ sự giới thiệu của người em dâu làm cán bộ chính sách tại xã, ngày càng nhiều thân nhân liệt sỹ tìm đến anh Thắng. Dần dà, việc phục chế ảnh liệt sỹ đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của người thợ ảnh tận tâm này.
Trong 3 năm qua, anh Thắng đã phục chế miễn phí khoảng 500 bức ảnh chân dung liệt sỹ. Mỗi bức ảnh không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật mà còn chứa đựng một câu chuyện, một kỷ niệm riêng.
“Khi thấy thân nhân liệt sỹ xúc động đón nhận bức ảnh đã được phục chế, tôi cảm thấy hạnh phúc vô cùng”, anh Thắng chia sẻ.
Theo anh Thắng, phục chế ảnh cũ đòi hỏi kinh nghiệm và sự tỉ mỉ cao độ. Đặc biệt với chân dung liệt sỹ, anh càng phải kỹ lưỡng hơn để đảm bảo bức ảnh không chỉ đẹp, chân thực mà còn toát lên được khí chất của người lính.
“Người lính khi nào cũng có chất “thép”. Bên cạnh việc phục chế màu sắc, khuôn mặt sao cho giống, tôi còn phải cố gắng tạo ra những bức ảnh có hồn, thể hiện đúng chất “thép” của người lính”, anh Thắng nhấn mạnh về sự khác biệt trong công việc này.
Ba năm gắn bó với công việc này đã mang lại cho anh Thắng nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Một trong số đó là trường hợp một người phụ nữ đi bộ đến tiệm, chỉ mang theo bức ảnh của người con trai liệt sỹ và những mô tả chi tiết về vóc dáng, khuôn mặt, mà không có ảnh gốc.
Từ những dữ liệu ít ỏi đó, anh Thắng đã kỳ công tạo nên một bức chân dung gần như chính xác, khiến người mẹ vô cùng xúc động và ngỡ ngàng.
Dù bận rộn với công việc kinh doanh và nghề ảnh, anh Thắng luôn ưu tiên sắp xếp thời gian để phục vụ những người có nhu cầu phục chế ảnh liệt sỹ.
“Có lần tôi đi làm đến khuya mới về, nhưng vì người dân cần ảnh gấp, tôi đã thức trắng đêm để kịp hoàn thiện”, anh kể.
Anh cũng không quên nhắc đến người vợ là nguồn động lực lớn: “Ngoài đam mê, chính sự đồng hành và ủng hộ của vợ là nguồn động lực lớn giúp tôi theo đuổi công việc này. Cô ấy luôn động viên tôi thực hiện niềm đam mê của mình”.
Về dự định sắp tới, anh Thắng khẳng định sẽ tiếp tục công việc phục chế ảnh để phục vụ cộng đồng. Đặc biệt, nhân dịp kỷ niệm 78 năm Ngày thương binh – liệt sỹ năm nay, anh đã nhận phục chế 100 bức ảnh chân dung liệt sỹ và đang gấp rút hoàn thiện để kịp trao tặng thân nhân đúng dịp.