Mới đây, truyền thông Trung Quốc lan truyền câu chuyện về một chiếc xe điện Neta Aya mua cách đây chưa đầy 2 năm nhưng hiện chỉ chạy được 40 km sau mỗi lần sạc.
Chủ xe là bà He từ thành phố Huzhou, tỉnh Chiết Giang đã bày tỏ sự thất vọng trong một video chia sẻ về tình trạng này.
Chiếc Neta Aya, được bà He mua vào tháng 5/2023 với giá 76.000 nhân dân tệ (khoảng 10.400 USD), theo nhà sản xuất có phạm vi hoạt động tối đa lên tới 401 km mỗi lần sạc. Tuy nhiên, trong đợt lạnh gần đây, phạm vi hoạt động của xe giảm xuống chỉ còn 60 km.
Không thể sử dụng xe như bình thường, bà He đã đưa xe đến cửa hàng Neta 4S tại Anji để kiểm tra vì cửa hàng gốc nơi bà mua xe đã đóng cửa.
Tại cửa hàng, các kỹ thuật viên kết luận rằng pin của xe đã hỏng và cần thay thế toàn bộ bộ pin. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất là bộ pin này không có sẵn trong kho.
Trong khi chờ đợi, phạm vi hoạt động của xe tiếp tục giảm xuống còn 40 km, không đủ để đáp ứng nhu cầu đi làm của bà He với quãng đường khứ hồi là 42 km. Trong video, bà He nhớ lại những ngày đầu sử dụng xe khi một lần sạc đủ dùng trong 3-4 ngày.
Đại lý không thể cung cấp thời gian cụ thể cho việc sửa chữa, chỉ nói rằng sẽ không thể thực hiện trước Tết Nguyên đán khiến bà He vô cùng bất an.
Để hỗ trợ bà He, đại lý đã cho bà mượn một phương tiện thay thế gọi là “daibuche”, một thuật ngữ có thể ám chỉ các loại xe từ scooter, xe điện tốc độ thấp đến xe dành cho người già. Tuy nhiên, bà He cho rằng phương tiện này không thể thay thế sự thoải mái và tiện dụng của chiếc Neta Aya ban đầu.
Neta Aya – mẫu xe được ra mắt vào tháng 2/2023 thực chất là phiên bản đổi tên của Neta V. Xe có hai phiên bản với phạm vi hoạt động 318 km và 401 km, được trang bị động cơ điện công suất 40 kW hoặc 70 kW. Với kích thước nhỏ gọn, dòng xe này nhắm đến phân khúc xe điện đô thị.
Tuy nhiên, Neta – thương hiệu thuộc sở hữu của Hozon Auto, hiện đang đối mặt với những khó khăn lớn. Các tin đồn gần đây cho rằng công ty đang bên bờ vực phá sản, buộc nhà sáng lập Fang Yunzhou phải đảm nhiệm vị trí CEO để cố gắng cứu vãn tình hình.
Trường hợp của bà He không chỉ phản ánh khó khăn cá nhân mà còn là minh chứng cho những thách thức của các hãng xe điện mới nổi. Khi thị trường xe điện ngày càng cạnh tranh, việc đảm bảo chất lượng sản phẩm và dịch vụ hậu mãi sẽ quyết định sự sống còn của các thương hiệu.
Dẫu vậy, câu chuyện này cũng là một lời nhắc nhở đối với người tiêu dùng khi chọn mua xe điện: chất lượng sản phẩm không chỉ nằm ở thông số kỹ thuật mà còn ở dịch vụ sau bán hàng và khả năng đáp ứng kịp thời của nhà sản xuất.