Ông Hồ Duy Hùng (bí danh Chín Chinh, sinh năm 1947 tại xã Cẩm Sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) – một điệp viên cài cắm sâu trong nội bộ chính quyền Sài Gòn – đã thực hiện phi vụ cướp trực thăng Mỹ gây chấn động năm 1973.
Tháng 11/1973, nhận nhiệm vụ từ quân báo, ông lên kế hoạch đánh cắp một chiếc trực thăng UH-1 tại Đà Lạt để đưa về vùng giải phóng. Đây là nhiệm vụ do chính ông đề xuất, xác định trước tinh thần “một mất một còn”.
Chọn bãi đáp quen thuộc bên hồ Xuân Hương – nơi an ninh lỏng lẻo – ông âm thầm theo dõi nhiều ngày. Sáng 7/11, giữa màn mưa mù dày đặc, một chiếc UH-1 đáp xuống. Ông lập tức tiếp cận, kiểm tra nhiên liệu, điện áp, rồi nhanh chóng khởi động máy bay.
Chỉ trong 40 giây – thay vì mất vài phút theo quy trình thông thường – ông điều khiển chiếc trực thăng lao vút lên khỏi mặt đất, xuyên vào màn mưa trắng xóa, hướng về vùng căn cứ cách mạng.
Ngay khi cất cánh, máy bay lạc vào vùng mây mù đặc quánh. Trong lúc vội vã, ông quên bật thiết bị định hướng, buộc phải dựa vào đồng hồ đo độ cao và tốc độ để giữ thăng bằng giữa bầu trời trắng xóa. Bằng kinh nghiệm, ông đưa máy bay lên độ cao trên 2.000m, tránh nguy cơ đâm vào núi dù phải chấp nhận rủi ro bị radar phát hiện.
Bay suốt 20 phút trong điều kiện mù mịt, khi xác định lại được vị trí, ông hạ thấp độ cao tiếp cận vùng kiểm soát của quân ta. Khi đèn báo nhiên liệu bật đỏ, ông quyết định hạ cánh khẩn cấp gần một đơn vị bộ đội. Sau khi giấu kỹ máy bay, ông đi bộ tìm gặp bộ đội để báo cáo tình hình.
Theo kế hoạch ban đầu, chiếc UH-1 do ông Hùng cướp về sẽ được nạp nửa tấn thuốc nổ, “nhập thần” bay dọc sông Sài Gòn vào sáng 1/1/1974 để đánh thẳng vào Dinh Độc Lập. Tuy nhiên, kế hoạch này không được phê duyệt; chiếc trực thăng sau đó được điều động phục vụ chiến trường ở khu vực biên giới Lộc Ninh.
Phi vụ táo bạo này đã gây chấn động Sài Gòn, báo chí đồng loạt đưa tin, mô tả đây là một trong những sự kiện liều lĩnh và táo bạo nhất trong lịch sử hàng không thời chiến.