Thời niên thiếu, nghệ sĩ Minh Cảnh nhặt ve chai, bán bắp phụ gia đình, trước khi tỏa sáng, được xưng tụng “ông hoàng vọng cổ”.
Đầu tháng 8, nghệ sĩ 86 tuổi gây chú ý khi về nước tổ chức chuỗi liveshow sau 18 năm xa quê. Hai đêm diễn thu hút hàng nghìn người, tái hiện thời hoàng kim của Minh Cảnh, từ các bản vọng cổ Võ Đông Sơ Bạch Thu Hà, Sầu vương ý nhạc đến vở tuồng Bao Công xử án Quách Hòe, Máu nhuộm sân chùa. Nhìn ông ca diễn, trong hậu trường, nghệ sĩ Kim Tử Long, Thanh Tuấn khóc vì xúc động. “Với tôi, không ai khác, ông chính là hoàng đế vọng cổ”, Kim Tử Long nói.
Trước khi ghi dấu trong làng cổ nhạc, Minh Cảnh trải qua tuổi thơ chật vật. Ông sinh ra ở Sài Gòn trong một gia đình đông con, cha thuê xe chạy taxi từ sáng đến chiều, tối mượn xích lô làm thêm vài “cuốc” nuôi cả nhà.
Là anh cả, cậu bé Nguyễn Văn Cảnh khi ấy sớm bán bưng để đỡ đần cha mẹ. Vóc dáng còm cõi vì ít ăn, hay bệnh từ nhỏ, ông đạp xe chở mẹ quãng đường hơn 20 km từ trung tâm Sài Gòn ra Lái Thiêu (Bình Dương), vào các vườn trái cây để tìm mua với giá rẻ, chở lại về thành phố bán lấy công làm lời. Ông thường đèo mẹ ngồi trên đòn dông xe, phía sau chất đầy bao trái cây. “Có lần, hai mẹ con ngã vì trời đổ mưa, đường sình lầy trơn trượt. Đỡ mẹ dậy, tôi quay sang nhặt vội các bao trái cây để tránh bị dập hư”, ông từng nói.
Ban ngày, ông nhặt ve chai bán, tối đến lại đội thúng bắp luộc, vào từng con phố, ngõ hẻm cất tiếng rao bán. Mê nhạc từ nhỏ, mỗi khi các hàng quán mở vọng cổ, ông dừng lại, lẩm nhẩm học hát theo. Ông thường được các cô chú gọi lại mua ủng hộ do có chất giọng sáng, âm sắc trong trẻo. Nhiều người không đói cũng mua vài trái, với điều kiện ông đứng ca vài bản “nghe cho đã”. Nhờ lối ca êm ái, tự nhiên, thùng bắp của cậu bé hơn 10 tuổi cứ vơi dần. Ông kiếm thêm tiền mua quà cho các em, kỹ năng ca vọng cổ cũng được trui rèn qua năm tháng.
Lớn hơn, ông được một người quen giới thiệu cho nghệ sĩ Văn Được, nhạc sĩ Ngọc Sáu, học ca vào các giờ cơm trưa. Nghe các thầy khen “giọng ngon”, ông vững thêm niềm tin vào nghề. Dù lo nghiệp ca xướng nhiều truân chuyên, cha mẹ ông vẫn động viên con, khuyên nên kiên nhẫn, không hờn giận, hơn thua với ai khi đi hát.
Cánh cửa đầu tiên trong nghề mở ra khi Minh Cảnh gia nhập đoàn Kim Chung. Ngày đầu lên sân khấu, chàng trai 21 tuổi lúc ấy vẫn đầy nét ngây ngô, người đen nhẻm sau những năm trầy trật mưu sinh. Nhiều người tưởng ông mới 14-15 tuổi vì vóc dáng nhỏ con. “Dù vậy, khi tôi cất giọng ca, mọi người đều ngỡ ngàng. Đêm đầu rồi đêm thứ hai, khán giả kéo đến đoàn đông hơn. Tôi trở thành hiện tượng từ lúc đó”, Minh Cảnh nói.
Xuất hiện trong làng cổ nhạc đầu thập niên 1960, Minh Cảnh nhanh chóng vụt sáng. Nghệ sĩ Bạch Tuyết cho biết thời điểm ấy, làng sân khấu có nhiều nghệ sĩ nổi trội như Hữu Phước, Út Trà Ôn, song Minh Cảnh vẫn tạo dấu ấn riêng nhờ lối hát nhấn nhá, lên – xuống, nhanh – chậm giàu biến hóa. Chỉ với Tu là cội phúc (Viễn Châu) – bản thu đầu sự nghiệp, hát về nỗi lòng tín nữ muốn đi tu dù lòng còn vướng bụi trần, Minh Cảnh trở thành giọng ca được nhiều hãng đĩa săn đón.
Ông gây tiếng vang với loạt bản tân cổ, trong đó có nhiều tác phẩm của soạn giả Viễn Châu. Thanh Tuấn – đàn em Minh Cảnh cho biết Võ Đông Sơ Bạch Thu Hà là một trong những dấu mốc vàng son của Minh Cảnh, giúp ông được báo giới đương thời xưng tụng “ông hoàng vọng cổ”.
Khi bản thu này vừa ra mắt, đông đảo khán giả nói họ bất ngờ trước sự pha trộn giữa tân nhạc và cổ nhạc, cùng một giọng hát tươi trẻ, khác lối ca u uẩn, trầm buồn phổ biến trước đó. Đoạn xuống xề của Minh Cảnh – “Trời ơi, bởi sa cơ giữa chiến trường thọ tiễn/ Nên Võ Đông Sơ đành chia tay vĩnh viễn Bạch Thu Hà” – sau này trở thành câu hát nằm lòng của công chúng yêu ca cổ nhiều thế hệ.
Minh Cảnh còn được biết đến như người khai phá xu hướng hát vọng cổ hơi dài. Theo đạo diễn Gia Bảo, trong bản Quán gấm đầu làng (Giao Tiên – Thanh Tòng), câu vọng cổ 53 chữ của Minh Cảnh đã thành kinh điển. Ông hát như trút hết ruột gan trong cảnh Lưu Bình phẫn nộ vì Dương Lễ phụ nghĩa bạn bè: “Dương Lễ ơi, năm xửa năm xưa ta với mi còn là huynh là đệ…”. Từ đây, ông tạo ảnh hưởng đến loạt thế hệ sau. Nhiều người lấy nghệ danh theo ông để bày tỏ lòng ngưỡng mộ, như Minh Minh Cảnh, Minh Cảnh Em, Minh Minh Tâm, Minh Tiểu Cảnh.
Thập niên 1970, ông tiếp tục vang danh với bản thu các tuồng cải lương kinh điển: Máu nhuộm sân chùa, Mùa thu trên Bạch Mã Sơn, Dốc sương mù, Đêm lạnh chùa hoang, Bao Công tra án Quách Hòe. Không chỉ hát đơn, ông là điểm tựa cho loạt đàn em tỏa sáng khi song ca cùng Mỹ Châu, Lệ Thủy, Thanh Kim Huệ, Phượng Liên. Sau này, Lệ Thủy – từng cùng ông thể hiện chuyện tình Trần Tự Tâm, Bạch Thiên Nga trong vở Đêm lạnh chùa hoang – cho biết luôn mang ơn đàn anh. “Những năm 1970, tôi hay đi lưu diễn nên hợp đồng thu âm ít dần. Anh Minh Cảnh là người đứng ra giới thiệu tôi cho các hãng, giúp tôi lấy lại vị thế trong làng băng đĩa”, Lệ Thủy nói.
Sau biến cố về sức khỏe vào thập niên 1990, Minh Cảnh dần lui về hậu trường rồi sang Mỹ định cư cùng người thân. Nơi đất khách, ở tuổi xế chiều, ông thường chạnh lòng vì bạn bè, đồng nghiệp cùng thời gần như không còn ai. Lòng nhiệt thành của khán giả thôi thúc nghệ sĩ trở lại sân khấu. Trước ngày về nước tổ chức liveshow đầu tiên trong sự nghiệp hồi giữa tháng 7, ông ngã, chân bị đau, đi lại phải có người dìu. Dù vậy, Minh Cảnh vẫn không hủy show vì biết đây là dịp hiếm hoi được tái ngộ công chúng quê nhà.
Trong hai đêm nhạc, ông nhiều lần khóc khi thấy tình cảm khán giả từ mọi miền đất nước như Hà Nội, Hội An (Quảng Nam), Cà Mau. Nhiều người lao động nói ngưỡng mộ Minh Cảnh hàng chục năm nay, muốn mua hạng ghế rẻ nhất vì không đủ tiền, hoặc đặt cọc để đăng ký vé trước vì chưa kịp nhận lương. “Chứng kiến những tấm lòng ấy, đời tôi đến đây không còn gì tiếc nuối nữa”, ông nói.