Út Trà Ôn (SN 1919) vốn được biết đến là nghệ sĩ cải lương trứ danh của vùng Tây Nam Bộ và cả miền Nam. Trong lối biểu diễn cũng như đời thường thì ông được nhận xét là người hiền lành, nhẹ nhàng và nhân hậu.
Nghệ sĩ Út Trà Ôn có tên khai sinh là Nguyễn Thành Út, bởi ông vốn là con trai út trong gia đình. Ông sinh ra tại ấp Đông Phú (làng Đông Hậu, quận Trà Ôn) lúc đó thuộc tỉnh Cần Thơ, nay là huyện Trà Ôn (tỉnh Vĩnh Long). Cũng từ vùng đất này, ông đã bắt đầu thấm nhuần tình yêu âm nhạc, đặc biệt là tình yêu dành cho cải lương.
Từ nhỏ, với năng khiếu bẩm sinh, cùng sự đam mê, khổ luyện – Nguyễn Thành Út đã trở thành nghệ sĩ cải lương được mến mộ suốt từ Nam tới Bắc. Ông được suy tôn là “Vua vọng cổ” với nghệ danh – Út Trà Ôn.
Năm 16 Thành Út xin gia đình bắt đầu đi học hát tại quê nhà. Quê hương của ông ven bờ sông Hậu, cũng là một vùng nổi tiếng với nghệ thuật cải lương. Năm 1937, Thành Út được người quen giới thiệu với Đài Phát thanh Sài Gòn và từ đó chính thức có tên nghệ danh Út Trà Ôn.
Giọng ca truyền cảm, ấm áp, chân thành, đậm chất miền Tây Nam Bộ của ông được giới thiệu trên làn sóng phát thanh – nhanh chóng được đông đảo thính giả yêu chuộng. Bản vọng cổ đầu tiên ông ca trên đài là “Thức trót canh thâu”.
Với niềm đam mê nghệ thuật và khả năng ca diễn xuất sắc, Út Trà Ôn thường xuyên góp tiếng hát cho Đài phát thanh, đồng thời thu âm cho các hãng băng đĩa. Đặc biệt, ông đã góp phần nâng cao uy tín hãng đĩa Asia với bài vọng cổ “Tôn Tẩn giả điên” gồm 20 câu. Dây là sáng tác của một vị Yết-Ma (tu sĩ Phật giáo) nổi tiếng lúc này.
Năm 1942, ông lần lượt biểu diễn cho các gánh cải lương như: Hề Lập, Thanh Long, Tiến Hóa, Mộng Vân, Sao Mai, Thanh Minh,… Năm 1954, ông lập gánh hát Kim Thanh. Lúc ấy, nhóm hát này có nhiều nghệ sĩ tên t.uổi lớn Nam Bộ, như: Thanh Tao, Kim Chưởng, Thúy Nga… cùng làm giám đốc.
Năm 1962, Út Trà Ôn và người bạn thân là nghệ sĩ Hoàng Giang, lập ra gánh Thống Nhứt, cộng tác với các đoàn như: Dạ Lý Hương, Thái Dương, Quốc Thanh, Hương Dạ Thảo, Phương Bình, Thanh Hải, Tân Hoa Lan, Kim Chung,… Cũng từ đây, ông và người bạn của mình đã tạo ra một làn sóng lạ lùng của cải lương Nam Bộ.
Bằng giọng hát ấm và ngọt, nghệ sĩ Út Trà Ôn nổi tiếng với rất nhiều bài vọng cổ. Ông được khán giả ái mộ với những vở cải lương. Rất nhiều bài vọng cổ cho đến ngày nay vẫn còn đọng lại ít nhiều ký ức và tình cảm trong lòng người mộ điệu. Có thể kể đến như: Tiếng tơ lòng; 3 giờ khuya; Thích ca tầm đạo; Tình anh bán chiếu (Sáng tác: NSND Viễn Châu); Tình người phu xe…
Nói về ông, nghệ sĩ, nhà soạn giả Viễn Châu đã xúc động kể: “Năm 1947, tôi nghe danh có một kép hát tên Út, xuất thân từ Trà Ôn nên Hãng băng Asia đặt nghệ danh Út Trà Ôn. Đĩa đầu tiên Tôn Tẩn giả điên bán chạy như tôm tươi, đĩa thứ hai “Thái sư Văn Trọng” cũng tạo cơn sốt trong giới mộ điệu lục tỉnh. Cũng từ đó trong giới sân khấu người ta gọi ông là Đệ nhất danh ca miền Nam, niềm tự hào sân khấu cải lương.
Đến khi đĩa Tình anh bán chiếu được Hãng Hồng Hoa phát hành, công chúng mộ điệu đặt cho anh biệt hiệu “Vua vọng cổ”. Tôi nhớ như in ngày đầu tiên gặp anh Út. Là một nghệ sĩ được khán giả hâm mộ nhưng anh sống rất khiêm tốn. Gánh hát Kim Thanh- Út Trà Ôn ngày đó nổi danh 3 vở diễn đi vào lịch sử sân khấu: “Tình vương hoa thắm”, “Đời cô Nga” và “Sau bức màn nhung”. Cả 3 vở anh Út đều đóng kép chánh. Anh từ một nghệ sĩ nhà nông, đã khắc họa hình ảnh người nông dân như bản thân anh, cuộc sống đời thường tay lấm chân bùn, bước lên thánh đường sân khấu.
Khi đã ở t.uổi 80, NSND Út Trà Ôn vẫn đi ca trong các chương trình cổ nhạc do con gái ông là nghệ sĩ Bích Phượng tổ chức. Mỗi khi gặp soạn giả Viễn Châu, ông hay khoe: ” Anh Bảy, hồi trẻ tui diễn biết bao nhiêu tuồng nhưng tới t.uổi này chỉ sống nhờ vào mấy câu vọng cổ Tình anh bán chiếu của anh”.
NSND Út Trà Ôn từ trần ngày 13/8/2001 tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP Hồ Chí Minh), hưởng thọ 83 t.uổi và yên nghỉ tại chùa Nghệ sĩ tại quận Gò Vấp.
Trong tang lễ cố nghệ sĩ, con gái ông – Bích Phượng đã nghẹn ngào kể: ” Hôm đó ba bị té khi đi vệ sinh, cả nhà không ai hay vì dạo này ba muốn được yên tĩnh… Má khóc hết nước mắt khi bác sĩ bảo phải đem ba vào bệnh viện. Cách đây sáu năm, căn bệnh tai biến đã từng làm cho má khóc. Ba còn nhiều điều trăn trối nhưng chưa nói được, nhất là mỗi khi má bật truyền hình có chương trình cải lương”.
Dù ông đã ra đi nhưng bài hát – Tình anh bán chiếu vẫn sống và trở thành “đặc sản” của vùng sông nước Ngã Bảy tỉnh Hậu Giang. Đâu đó nơi miền đất phù sa trĩu nặng vẫn còn vang lên tiếng ca như chất chứa tình yêu của người nghệ sĩ: “Sông sâu bên lở bên bồi, tình anh bán chiếu trọn đời không phai”…
Năm 1997, ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân (đợt 4) và Huân chương Vì sự nghiệp sân khấu qua đóng góp lớn cho nghệ thuật TP Hồ Chí Minh. Khi ông được phong danh hiệu NSND, ông Nguyễn Minh Triết- bấy giờ là Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, đã tới tận bệnh viện thăm người nghệ sĩ lão thành hàng đầu ở miền Nam.