Những ngày cuối tháng 6, duyên may đưa tôi gặp gỡ tài tử Trần Quang, “ảnh đế” nhiều năm liền của điện ảnh trước năm 1975. Ông là người đóng cặp với hầu hết các minh tinh màn bạc thời ấy như: Thẩm Thúy Hằng, Kiều Chinh, Thanh Nga, Bạch Tuyết…
Đi giữa “Đại lộ điện ảnh Sài Gòn”
Có thể gọi điện ảnh Sài Gòn trong khoảng từ 1970 – 1975 là thời kỳ sung mãn nhất kể từ buổi sơ khai cho tới trước ngày 30.4.1975. Nó khiến cải lương – môn nghệ thuật vốn đình đám từ đầu thế kỷ 20 bỗng rơi vào khốn khó khi các hãng điện ảnh Việt lấn lướt, “bao rạp”, gây sốt vé rần rần.
Tài tử Trần Quang năm nay 81 tuổi nhưng vẫn giữ nét phong độ, khí chất của một “ảnh đế” từng làm nóng các mặt báo Sài Gòn trước năm 1975. Ông hiện định cư ở Mỹ và vẫn về lại TP.HCM thường xuyên. Một thời đi giữa đại lộ điện ảnh Sài Gòn đầy hào quang, nam tài tử vẫn giữ nguyên những ký ức đẹp.
“Các hãng phim đã ra mắt trước đó vào những năm 1960 – 1970 nhưng phải từ năm 1970 trở đi, điện ảnh Việt mới ăn khách tới mức hầu hết các rạp đều có suất chiếu phim Việt hằng ngày. Một số hãng phim nổi danh, tập hợp được dàn chuyên viên hàng đầu của điện ảnh thời đó như: hãng Liên ảnh phim, Việt ảnh phim, hãng An Pha, hãng Cosunam có chủ là bà Gilbert Nguyễn Văn Lợi… Tuy cùng đất sống nhưng các hãng phim luôn có cái nhìn khách quan, cùng nhau phát triển, cạnh tranh lành mạnh tạo nên một thị trường phim Việt vừa đẹp cả bên ngoài lẫn nội bộ”, tài tử Trần Quang kể lại.
Trên chuyên mục văn nghệ của các tờ báo trước năm 1975 đều dành “đất” để quảng bá những phim Việt ăn khách tại rạp như: Bước chân dĩ vãng, Vết thù trên lưng ngựa hoang, Điệu ru nước mắt, Con ma nhà họ Hứa… Giọng ca vàng của cải lương thời đó như Thanh Nga, Bạch Tuyết cũng lấn sân điện ảnh và sánh ngang hàng “minh tinh” với các tài tử điện ảnh. Năm 1973, Nắng chiều – một bộ phim điện ảnh tình cảm, lãng mạn (đạo diễn Lê Mộng Hoàng), do hãng Lido ở Sài Gòn thực hiện, ra mắt với cặp minh tinh của cải lương và điện ảnh là nghệ sĩ Hùng Cường – Thanh Nga đã gây sốt vé khắp các rạp. Tháng 8.1973, hàng loạt rạp hạng A ở Sài Gòn như: Rex, Đại Nam, Nguyễn Văn Hảo, Casino Sài Gòn, Eden, Kim Châu, Hưng Đạo đều dành nhiều suất chiếu phim này.
Trước khi bùng nổ, điện ảnh Sài Gòn thời kỳ sơ khai những năm đầu thập niên 1950 – 1960 đã có bộ phim màu đầu tiên với truyện phim về người hùng Lục Vân Tiên. Bộ phim được khắc họa dưới góc nhìn báo chí thời đó: Một thành công của nền điện ảnh VN. Một cuốn phim với những nét nhạc dịu dàng đầy màu sắc dân tộc, đã được mời tham dự Đại hội điện ảnh Á châu lần thứ 4 năm 1957. Một cuốn phim màu đầu tiên hoàn toàn do người VN thực hiện ở đất nước với nữ diễn viên Thu Trang – Hoa hậu năm 1955. Phim sau đó được công chiếu tại các rạp Majestic, Nam Quang, Thanh Bình, Huỳnh Long. Nữ diễn viên Thu Trang cũng là người Việt đầu tiên được xướng danh ở Đại hội điện ảnh Á châu năm 1957.
Tuy nhiên sau năm này, điện ảnh miền Nam có dấu hiệu chững lại, chỉ sản xuất được vài chục phim. Từ khoảng năm 1963 cho tới thập niên 1970 mới sôi động lên. “Một phần nguyên nhân là do kỹ thuật điện ảnh còn chưa phát triển, rồi sự lấn lướt của phim Âu, Mỹ vào thị trường Sài Gòn thời ấy”, tài tử Trần Quang lý giải.
Theo tác giả Harvey Henry Smith trong cuốn Area Handbook for South Vietnam – Sổ tay khu vực Nam Việt Nam năm 1967, vào những năm giữa thế kỷ 20, VN có tổng cộng 156 rạp chiếu phim trên toàn quốc, với tổng sức chứa lên đến 65.000 người, riêng ở Sài Gòn đã có 100 rạp, với sức chứa 35.000 người. Hầu hết các phim điện ảnh đều được nhập khẩu từ Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ và Pháp. Từ năm 1965 trở đi thì thị hiếu công chúng dần bắt đầu chuộng phim Mỹ nhiều hơn phim Pháp. Những năm từ 1960 – 1970, nhiều minh tinh điện ảnh, đạo diễn Việt cũng gặt hái được các giải thưởng danh giá từ Hội Điện ảnh Á châu và quốc tế.
Với sự du nhập của văn hóa Mỹ, thị trường điện ảnh Sài Gòn có nhiều thay đổi sâu sắc, thu hút sự chú ý của truyền thông toàn cầu. Sài Gòn trở thành một trung tâm giao lưu quốc tế. Nhiều kỹ thuật mới như nhạc điện tử và các bộ phim mới nhất luôn được cập nhật. Do ảnh hưởng từ vô tuyến truyền hình và màn ảnh rộng tại các rạp mới xây dựng như Đại Nam, Rex, lượng khán giả có hứng thú với điện ảnh ở VN tăng lên nhanh chóng, nên dù đã phục hồi từ những năm 1950, nhưng chỉ đến những năm 1960, điện ảnh mới thực sự trưởng thành và chính thức được công nhận là một loại hình nghệ thuật quan trọng. (còn tiếp)