Trong khi nhiều cửa hàng, quầy, sạp bánh trung thu tại TP.HCM vẫn đang chờ khách với khuyến mãi mua 1 tặng 2, 3, thì tiệm bánh pía ở khu vực Chợ Lớn tấp nập từ khi vừa mở cửa. Khách xếp hàng dài, có người từ tận Thủ Đức chạy lên mua.

Từ sáng đến trưa, dòng người vẫn xếp hàng dài chờ mua bánh pía ở lò bánh Triệu Minh Hiệp tại khu người Hoa, Chợ Lớn, TP.HCM. Con hẻm nhỏ trên đường Bình Tây, quận 6 tấp nập người ra vào mua bánh pía truyền thống.

Từ Thủ Đức lên Chợ Lớn mua bánh pía

Một hộp bánh pía gồm 4 bánh nhỏ, 2 bánh nhân đậu xanh, 2 bánh nhân khoai môn. Mức giá dao động từ 219.000 – 279.000 đồng tùy thuộc vào số lượng trứng muối trong nhân bánh.

Trưa nắng nhưng nhiều người vẫn xếp hàng dài chờ đến lượt. Bánh ở tiệm cũng được bán trên nền tảng online nên nhiều shipper cũng xếp hàng chờ nhận đơn.

Khách xếp hàng chờ nhận bánh tại lò bánh pía Triệu Minh Hiệp, quận 6, TP.HCM. Ảnh: Thu Hoài

Chị Nguyễn Thị Thanh Thùy (ngụ quận 11) cùng chồng đến mua bánh để tặng cho người quen, họ hàng và một số người bạn gốc Hoa. Chị nói đây là lò bánh quen, có thương hiệu lâu đời nên rất được nhiều khách, nhất là người Hoa yêu thích.

“Người Hoa không thích ăn bánh nguội, để lâu, có chất bảo quản nên bánh ở đây rất phù hợp để mua tặng họ. Lần nào đến tiệm cũng đông, tôi phải xếp hàng chờ mua nhưng cũng không mất nhiều thời gian, do bánh đã được chuẩn bị sẵn trong hộp”, chị Thùy nói với Dân Việt.

Lò bánh bán 4 loại bánh gồm bánh pía, kẹo dẻo, kẹo đậu phộng, kẹo mè trắng. Nhưng vào dịp Trung thu này, vì lượng khách mua bánh quá đông nên tiệm bánh ngưng sản xuất kẹo, tập trung nhiều nhất vào bánh pía.

4 chiếc bánh pía đẹp mắt, ngon miệng tại lò bánh pía Triệu Minh Hiệp, quận 6, TP.HCM. Ảnh: Thu Hoài

Chị Võ Thị Huệ từ TP.Thủ Đức đến quận 6 để mua bánh pía. Chị cho biết ba của chị trước kia là khách ruột của tiệm bánh, sau này khi ba chị già, chị Huệ là người thay ông đi mua bánh, tặng họ hàng.

“Bánh ở đây có đặc trưng riêng, ngọt vừa, bánh nóng hổi. Trước kia, ba tôi đã ăn bánh ở đây, cứ đến mùa Trung thu thì ba tôi lại lên tiệm này mua. Sau khi ba tôi già, tôi là người đi mua thay”, chị Huệ nói thêm.

3 đời giữ nghề bánh pía

Lò bánh pía Triệu Minh Hiệp là lò bánh có tiếng tại khu người Hoa ở Chợ Lớn. Đến nay, lò bánh đã trải qua 3 đời. Đời thứ ba của lò bánh Triệu Minh Hiệp hiện nay do ông Triệu An quản lý.

Ông An kể gia đình của ông vốn là người Việt gốc Triều Châu (Trung Quốc). Ông nội của ông An cũng có một tiệm bánh pía ở Triều Châu, có tên là Triệu Minh Hiệp. Sau khi di cư sang Việt Nam cũng làm nghề bánh, mở tiệm và giữ tên Triệu Minh Hiệp.

Đây mới là loại bánh hot nhất Tết Trung thu khu Chợ Lớn, phải xếp hàng mới được mua - Ảnh 4.

Ông Triệu An là thế hệ thứ 3 nối nghiệp làm bánh của gia đình. Ảnh: Thu Hoài

Thời gian đầu khi vừa mới nhập cư vào Việt Nam, ông nội và bà cố của ông An đã bắt đầu việc bán bánh với chiếc gánh bán bánh nướng ở Chợ Lớn. Đến năm 1948, tiệm bánh mới được mở cửa trên con hẻm nhỏ đường Bình Tây (quận 6).

Theo ông An, bánh pía là loại bánh gắn bó với đời sống người Triều Châu qua nhiều thế hệ, không thể thiếu trong các ngày lễ cưới, hỏi, Tết. Đặc biệt là trong dịp Trung thu, người Triều Châu sẽ sử dụng bánh pía thay cho bánh trung thu. Bánh pía của gia đình ông chủ yếu làm bằng thủ công nên có một vị ngon riêng.

9 giờ sáng, bánh ra mẻ đầu gồm 24 hộp, khi nào khách mua gần hết thì lò mới làm mẻ thứ hai. Đối với những ngày lễ, đặc biệt là Tết Trung thu, sức mua bánh sẽ tăng lên 2-3 lần ngày thường.

“Bánh pía ở đây được sản xuất 80% bằng thủ công, chỉ có 20% là máy móc. Nếu làm bánh 100% bằng máy móc thì chất lượng bánh sẽ không ngon bằng bánh thủ công. Bánh chủ yếu là bánh tươi, nóng; không có chất bảo quản, không phụ gia, không phẩm màu, không mùi hương”, ông An nói với Dân Việt.

Đây mới là loại bánh hot nhất Tết Trung thu khu Chợ Lớn, phải xếp hàng mới được mua - Ảnh 5.

Tết Trung thu, sức mua bánh sẽ tăng lên 2-3 lần ngày thường nên lò lúc nào cũng bận rộn. Ảnh: Thu Hoài

Chủ lò cũng tiết lộ thêm gia đình đã thay đổi một chút về công thức, bớt độ ngọt, béo, giảm lượng dầu để phù hợp hơn với khẩu vị người Việt.

Từ trước đến nay, tiệm bánh truyền thống này vẫn luôn giữ cách đóng gói bằng hộp giấy. Trước đây, hộp giấy được gấp thủ công. Sau đó, vì số lượng bánh ngày càng nhiều nên đã chuyển sang gấp hộp giấy bằng máy để tiết kiệm thời gian.

Ít ai biết, đứng sau những chiếc bánh pía nóng hổi là những người trong gia đình, bà con của ông An. Thợ làm bánh ở đây chỉ từ 5-6 người. Bánh sau khi ra lò sẽ được đem ra bán cho khách ngay nên vẫn còn giữ được độ nóng, tươi xốp. Chất lượng bánh cùng thương hiệu nhiều năm đã khiến cho nhiều khách hàng ủng hộ tiệm bánh nhiều năm.

Ông Triệu An có ba người con, gồm hai cô con gái và một cậu con trai. Con trai của ông An sau khi đi học, ra trường đi làm được vài năm đã được ông gọi về để truyền lại nghề làm bánh pía truyền thống của gia đình.