Ông Phạm Nhật Vượng đang sở hữu 4,7 tỷ USD tài sản. Ông Vượng cam kết hiến tặng 1 tỷ USD (khoảng 24.000 tỷ đồng) cho VinFast và vừa rồi đã giải ngân 7.000 tỷ đồng.
Trong tháng 9 vừa qua, ông Phạm Nhật Vượng đã tặng 7.000 tỷ đồng cho VinFast. Số này là khoản “tiền túi” của cá nhân Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Vingroup.
Trước đó, vào hồi tháng 4, VinFast từng công bố việc ông Phạm Nhật Vượng cam kết hiến tặng 1 tỷ USD cho VinFast từ nguồn tài sản cá nhân nhằm bổ sung nguồn lực tài chính cho hãng xe này.
Ông Phạm Nhật Vượng được biết đến là người giàu nhất Việt Nam hiện tại. Theo cập nhật của Forbes, tài sản của ông Vượng tính đến sáng ngày 9/10 ở mức 4,7 tỷ USD, xếp thứ 588 trong danh sách những người giàu nhất thế giới.
Diễn biến cổ phiếu VIC từ đầu năm (Nguồn: Tradingview).
Hầu hết tài sản của ông Vượng được tính toán dựa trên giá trị cổ phiếu VIC của Vingroup mà ông đang nắm giữ.
Ông Phạm Nhật Vượng hiện sở hữu trực tiếp 691,27 triệu cổ phiếu VIC, tương ứng 17,87% vốn điều lệ Vingroup sau khi hoàn tất chuyển nhượng gần 50,8 triệu cổ phiếu VIC (tương ứng 1,31% vốn điều lệ Vingroup) thuộc sở hữu cá nhân để góp vốn vào Công ty cổ phần Di chuyển Xanh và Thông minh (GSM).
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu VIC sáng nay (9/10) giảm 0,54% còn 45.700 đồng. Mã này ghi nhận mức giảm 2,56% trong 1 tuần và giảm 22,67% trong vòng 1 tháng qua. VIC từng đạt đỉnh 75.600 đồng phiên 16/8, tuy nhiên đến nay, giá cổ phiếu của Tập đoàn Vingroup đã điều chỉnh gần 40%.
Trong khoảng thời gian này, chỉ số VN-Index cũng sụt mạnh hơn 110 điểm tương ứng giảm xấp xỉ 9%. Mức điều chỉnh của thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian qua là đáng kể.
Theo thống kê của Stockq, với mức giảm 9,39% trong vòng 1 tháng trở lại đây, thị trường chứng khoán Việt Nam là thị trường có mức giảm mạnh thứ 2 toàn thế giới.
Chứng khoán Việt Nam trong top thị trường giảm mạnh nhất thế giới 1 tháng qua (Nguồn: Stockq).
Trở lại với Vingroup, mới đây, tập đoàn của ông Phạm Nhật Vượng công bố thông tin về việc giải thể công ty con hoạt động trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Cụ thể, Vingroup giải thể Công ty Cổ phần Giải pháp và Dịch vụ Công nghệ Vantix nhằm mục đích tái cấu trúc hoạt động các công ty trong tập đoàn.
Vantix thành lập hồi tháng 2/2019 do Vingroup sở hữu 100% vốn. Ngành nghề kinh doanh chính của Vantix là hoạt động dịch vụ công nghệ thông tin và dịch vụ khác liên quan đến máy tính.
Công ty này triển khai công nghệ chuyên môn hóa về mảng trí tuệ nhân tạo/học máy/dữ liệu, tập trung triển khai các ý tưởng và giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp.
Hồi tháng 5/2020, Vantix từng công bố giải pháp VinHR, có khả năng nâng cao 25% năng suất lao động phổ thông, cung cấp giải pháp tối ưu hóa năng suất lao động thông qua thiết bị IoT cá nhân và AI.
Ngoài VIC thì ông Phạm Nhật Vượng cũng được cho biết là sở hữu phần lớn cổ phần tại VinFast. Tuy vậy, giá trị tài sản của ông Vượng hiện tại theo thống kê của Forbes không bao gồm giá trị tài sản được định giá theo thị giá VFS (cổ phiếu VinFast) đang giao dịch trên thị trường.
VinFast vừa niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ (Nasdaq) thông qua một công ty SPAC. Báo cáo tài chính quý III của VinFast cho thấy, tổng doanh thu của hãng xe này trong quý III đạt 8.254 tỷ đồng (tương đương 342,7 triệu USD), tăng 4% so với quý II và tăng 159% so với quý III/2022. Tổng doanh thu chủ yếu đến từ doanh thu bán xe điện (7.698 tỷ đồng).
Cũng trong quý vừa qua, VinFast ghi nhận lỗ gộp ở mức 2.468 tỷ đồng (102,4 triệu USD) và biên lợi nhuận gộp ở mức -30%, cải thiện so với quý trước.
Phía VinFast mới đây cũng công bố kế hoạch xây dựng nhà máy lắp ráp tại Ấn Độ, thị trường ô tô lớn thứ 3 thế giới sau kế hoạch xây dựng nhà máy tại Mỹ và Indonesia. Tổng vốn đầu tư nhà máy tại Ấn Độ dự kiến khoảng 150-200 triệu USD với công suất lên tới 50.000 xe/năm trong giai đoạn 1.