Bài thơ “Bắt nạt” trong sách giáo khoa ngữ văn lớp 6 một lần nữa gây tranh cãi trong dư luận. Mới đây, tác giả – nhà thơ Nguyễn Thế Hoàng Linh – đã có những chia sẻ gây chú ý.
Bài thơ Bắt nạt của nhà thơ Nguyễn Thế Hoàng Linh nằm trong sách ngữ văn lớp 6 (tập 1), thuộc bộ sách giáo khoa (SGK) Kết nối tri thức với cuộc sống do Nhà xuất bản Giáo dục phát hành. Bài thơ được trích từ tập thơ Ra vườn nhặt nắng của Nguyễn Thế Hoàng Linh (Nhà xuất bản Thế giới, Hà Nội, 2017, trang 24-25) gồm 8 khổ, mỗi khổ 4 dòng.
Nội dung xuyên suốt bài thơ phản ánh những mặt tiêu cực, vấn nạn phổ biến trong học đường đó là học sinh bắt nạt nhau. Qua đó, tác giả muốn khuyên các em học sinh không nên ức hiếp các bạn yếu thế hơn mình.
Những ngày gần đây, bài thơ Bắt nạt gây tranh cãi gay gắt. Nhiều phụ huynh và cư dân mạng cho rằng, nội dung bài thơ “ngây ngô”, không có vần điệu, cách gieo vần lủng củng và thiếu logic.
Thực tế, đây không phải là lần đầu tiên bài thơ Bắt nạt của nhà thơ Nguyễn Thế Hoàng Linh “tạo sóng” trong dư luận và gây bức xúc cho phụ huynh.
Năm 2021, Bắt nạt từng trở thành tâm điểm gây tranh cãi. Khi nhận về loạt ý kiến tiêu cực, nhà thơ Hoàng Linh từng khẳng định: “Nếu chứng minh Bắt nạt là bài thơ dở, các bạn xứng đáng được trao giải Nobel Văn học”.
Đồng thời anh cũng đăng tải bài phân tích “Tại sao Bắt nạt hay và phù hợp đưa vào SGK”.
Mới đây, trên trang cá nhân, Nguyễn Thế Hoàng Linh đã có những chia sẻ gây chú ý khi bài thơ của anh tiếp tục tạo phản ứng trái chiều.
Tác giả cho rằng, việc chọn đưa bài Bắt nạt vào SGK là “sự tiến bộ của nền giáo dục” vì chọn đúng cái hay, tốt nhất cho trẻ em, dù điều này có thể gây tranh cãi.
Anh lập luận, việc cho rằng sử dụng hình ảnh ẩn dụ “hip hop” hay “mù tạt” xa lạ với trẻ em vùng quê là “coi thường người ta”. “Có rất nhiều thứ mới chúng ta không biết, nhờ được đưa vào sách, vào bài học mà chúng ta biết thêm. Đó chính là sự học, sự mở mang kiến thức”, nhà thơ nói.
Nguyễn Thế Hoàng Linh cho biết, trước khi bài thơ được in, đã có những ý kiến chê bai của dư luận và không ít giáo viên. Tuy nhiên, những người làm sách vẫn giữ quan điểm đưa tác phẩm vào chương trình giảng dạy của môn ngữ văn 6.
Anh viết: “Tôi được những người làm sách tự chia sẻ những quyết tâm và khó khăn khi muốn đưa bài thơ đến cho các em học sinh. Khi tập huấn cho giáo viên toàn quốc cách dạy bài thơ, họ cũng cập nhật với tôi sự hào hứng của nhiều giáo viên sẵn sàng đưa cho học sinh một bài giảng hay, thảo luận sôi nổi.
Tôi rất cảm ơn họ vì sự trân trọng tác phẩm của mình và sự tử tế, nỗ lực đưa tác phẩm hay đến với các em”.
Tác giả khẳng định, không bận tâm chuyện bài thơ được đưa vào SGK nên không có chuyện anh “chạy chọt”, “quan hệ”. Anh từng từ chối 3 cuốn SGK khác, gần như cùng thời điểm bởi không thấy được chất lượng của những sách đó.
Việc đồng ý đưa tác phẩm vào chương trình giảng dạy ngữ văn cho học sinh lớp 6 được anh coi là “có ích với thế hệ trẻ và dân trí nước nhà”.
Anh đưa ra dẫn chứng video bài giảng từ một giáo viên giỏi hoàn toàn có thể giúp trẻ em hiểu được ý nghĩa bài thơ. Tác giả cho rằng, không nên đem giới hạn của mình để kết tội tác phẩm và người sáng tác.
“Cứ cái gì bạn không hiểu là bạn chê người ta thì phần lớn lời chê của bạn sẽ là chê những người giỏi hơn mình. Vì người giỏi hơn bạn sẽ thường vượt qua sự hiểu của bạn”, anh nói.
Cuối bài viết, tác giả nhấn mạnh, muốn cải thiện chất lượng giáo dục cho con em, các gia đình nên chịu khó tiếp thu những điều mới để mở mang hơn.