‘Nữ hoàng nội y’ Ngọc Trinh đã bị bắt tạm giam để điều tra hành vi gây rối trật tự công cộng, sau vi phạm lái mô tô thả 2 tay gây bất bình dư luận.
chiều 19.10, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Trần Thị Ngọc Trinh (34 tuổi, nữ hoàng nội y Ngọc Trinh) về tội “gây rối trật tự công cộng” (điều 318 bộ luật Hình sự).
Đồng thời, Cơ quan CSĐT ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam Trần Xuân Đông (36 tuổi, người dạy lái mô tô cho Ngọc Trinh) về tội “sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” và “gây rối trật tự công cộng” (điều 341, 318 bộ luật Hình sự).
Công an TP.HCM xác định, mặc dù không có giấy phép lái xe mô tô hạng A2, nhưng vào tháng 9 và tháng 10.2023, Ngọc Trinh đã cùng với Đông tổ chức, thực hiện hành vi “biểu diễn” với các động tác lái xe nguy hiểm, tư thế phản cảm, không mặc đồ bảo hộ, nằm, quỳ gối trên yên xe, thả 2 tay lái mô tô trên đường…
Các lần “biểu diễn” trên, Ngọc Trinh (biệt danh thường gọi trên mạng: nữ hoàng nội y) đều cho quay phim lại để đăng các clip lên các tài khoản cá nhân trên nền tảng mạng xã hội như TikTok Ngoc Trinh (hiện có 6,8 triệu người theo dõi; đã nhận tổng cộng hơn 163,3 triệu lượt thích cho tất cả các video)…
Tính đến 10 giờ ngày 12.10, các video này đã nhận được 478.000 lượt thích; hơn 4.880 lượt bình luận; hơn 9.840 lượt lưu video; hơn 5.780 lượt chia sẻ…
Các clip có ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự và an toàn xã hội, ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức, lối sống và văn hóa ứng xử của giới trẻ, đặc biệt đây là tài khoản mạng xã hội được hàng triệu người theo dõi.
Quá trình điều tra, xe mô tô mang biển kiểm soát 59A3-115.88 nhãn hiệu BMW, thì Đông đã xuất trình giấy chứng nhận đăng ký xe là giả. Đông thừa nhận mặc dù biết là giả, nhưng vì thấy xe này có giá rẻ nên vẫn cố ý mua về sử dụng.
Trao đổi với Thanh Niên về quy định pháp luật, luật sư Trần Văn Giới (Đoàn luật sư TP.HCM), cho biết theo khoản 1 điều 318 bộ luật Hình sự quy định về tội gây rối trật tự công cộng:
“Người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này, hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5 – 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm”.
Quá trình điều tra, nếu công an phát hiện người vi phạm thuộc các trường hợp như: phạm tội có tổ chức; gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng; xúi giục người khác gây rối… thì sẽ phải đối diện với mức phạt tù từ 2 – 7 năm tù (khoản 2 điều 318 bộ luật Hình sự).
Ngọc Trinh bị bắt tạm giam bao lâu?
Cũng theo luật sư Giới, theo điều 341 bộ luật Hình sự quy định về tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức:
“Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30 – 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 2 năm”.
Theo đó, nếu người nào phạm tội thuộc một trong các trường hợp như: có tổ chức; phạm tội 2 lần trở lên; sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng; thu lợi bất chính từ 10 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng… thì bị phạt tù từ 2 – 5 năm.
“Theo tôi, việc xử lý hành vi vi phạm theo đúng quy định pháp luật là cần thiết để làm lành mạnh môi trường mạng xã hội”, luật sư Giới nhấn mạnh.