Thị trường xe điện tại Việt Nam ngày càng sôi động khi có sự góp mặt của nhiều nhà sản xuất ô tô lớn với các chính sách thúc đẩy bán hàng từ phân khúc xe phổ thông đến phân khúc xe sang cao cấp.

Việt Nam đang trong quá trình tiến tới “tương lai vận chuyển” thông qua chương trình hành động chuyển đổi năng lượng xanh của Chính phủ, đặt ra mục tiêu phát triển hợp lý các phương thức vận tải, thực hiện mạnh mẽ việc chuyển đổi hoàn toàn các phương tiện hướng đến sử dụng năng lượng xanh vào năm 2050, nhằm đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0. Tuy nhiên, liệu thị trường hiện tại đã sẵn sàng đối mặt với sự chuyển đổi này chưa?

 Xe máy điện dẫn lối cho sự phát triển của ô tô điện 

Việt Nam là quốc gia có số lượng xe máy chiếm ưu thế trên đường phố, điều này đã thúc đẩy ngành công nghiệp xe máy điện không ngừng phát triển. Theo Bộ Công Thương, doanh số tiêu thụ xe máy điện tại Việt Nam đã tăng khoảng 30% – 35% trong những năm gần đây, đưa Việt Nam trở thành thị trường xe máy điện (E2W) lớn nhất khu vực ASEAN và lớn thứ 2 toàn cầu, chỉ sau Trung Quốc.

Cuộc đua xe điện tại thị trường Việt Nam: Cơ hội và những rào cản tác động tới người dùng - Ảnh 1.

Xe máy điện dẫn lối cho sự phát triển của ô tô điện.

Theo trang motorcycledata.com, trước những tác động từ giá xăng dầu tăng cao và những vấn đề về môi trường đang ngày càng được người tiêu dùng quan tâm, doanh số tiêu thụ xe máy điện được dự đoán sẽ vượt qua xe máy xăng. Số liệu từ Vero IQ cũng chỉ ra, tỷ lệ người dùng tìm kiếm về xe máy điện tăng trưởng hàng năm là 71% (số liệu thống kê từ tháng 1/2019 đến tháng 3/2023).

Tháng 1/2023 vừa qua, hãng xe máy điện Yadea có trụ sở tại Trung Quốc, được đánh giá là nhà sản xuất xe máy điện lớn nhất thế giới, đã đầu tư 100 triệu USD vào nhà máy lắp ráp đặt tại Bắc Giang với năng suất dự kiến đạt 2 triệu xe máy điện mỗi năm.

Rõ ràng, mô hình thành công của xe máy điện tại Việt Nam đã định hướng phát triển cho các thương hiệu ô tô điện đang mong muốn gia nhập vào cuộc đua “di chuyển bền vững” tại thị trường đang “hot” này.

 Tiềm năng của ô tô điện và những rào cản

Vào tháng 12 năm 2021, VinFast đã ra mắt mẫu xe điện VF e34 đầu tiên được sản xuất tại Việt Nam và cũng là chiếc xe điện đầu tiên được mở bán trong nước. Thời điểm lịch sử này đánh dấu sự khởi đầu cho một kỷ nguyên mới của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. Đến tháng 8 năm 2022, theo số liệu thống kê từ Cục Đăng kiểm Việt Nam, cả nước có gần gần 3.000 chiếc ô tô điện đã được sản xuất lắp ráp, nhập khẩu.

Hiệp hội Nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) dự báo rằng Việt Nam sẽ đạt mốc 1 triệu xe điện vào khoảng năm 2028 và khoảng 3,5 triệu xe điện vào năm 2040. Theo 6Wresearch, quy mô thị trường xe điện Việt Nam được dự kiến sẽ đạt tỷ suất tăng trưởng hàng năm (CAGR) 22,9% trong giai đoạn 2020-2025.

Các dự báo này cũng tạo ra một thách thức lớn khi doanh số tiêu thụ xe điện tại Việt Nam chỉ chiếm 0,7% so với toàn khu vực Đông Nam Á (theo số liệu Quý 3/2022 của Statista) và các chính sách khuyến khích tiêu thụ xe điện từ Chính phủ được kỳ vọng sẽ thúc đẩy người tiêu dùng Việt Nam sử dụng xe điện nhiều hơn.

Để phát huy vai trò của các chính sách thuế trong việc khuyến khích phát triển “xe xanh”, Chính phủ đã ban hành mức nộp lệ phí trước bạ của ô tô điện chạy pin là 0% trong 3 năm, kể từ ngày 1/3/2022. Sau 3 năm, mức lệ phí này sẽ chỉ còn 50% so với xe xăng truyền thống. Ngoài ra, Chính phủ cũng ban hành chính sách giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô điện xuống chỉ còn 1%-3%, áp dụng đến hết tháng 2 năm 2027. Đây được xem là những tín hiệu tích cực, tạo đà phát triển cho thị trường ô tô điện trong nước.

Cuộc đua xe điện tại thị trường Việt Nam: Cơ hội và những rào cản tác động tới người dùng - Ảnh 2.

Mới chỉ có VinFast triển khai hạ tầng đồng bộ.

Tuy nhiên thách thức khi dùng xe điện cũng không ít. Theo kết quả từ khảo sát của Vero, 2/3 số người tham gia khảo sát nêu lý do cân nhắc mua xe điện. Đó là:

– Thiếu trạm sạc gây ra lo ngại về khoảng cách di chuyển.

– Quá ít người hiểu về công nghệ xe điện.

– Giới trẻ là những người ít quan tâm nhất đến xe điện.

Hạn chế về hạ tầng rõ ràng là rào cản lớn cho việc chuyển đổi sang xe điện. VinFast đã lắp đặt 150.000 cổng sạc với khoảng 3.000 trạm sạc tại các vị trí như chung cư bãi đỗ xe, trạm dừng chân và cả trạm xăng dầu. Các đơn vị phát triển hệ thống sạc xe điện thông minh như EBOOST và Charge+ cũng triển khai lắp đặt các trạm sạc trên khắp Việt Nam nhằm thúc đẩy việc sử dụng xe điện rộng rãi hơn.

Tuy nhiên, kết quả khảo sát từ Vero đã chỉ rằng, hạn chế về hạ tầng trạm sạc vẫn còn là thách thức lớn khiến người tiêu dùng e ngại chuyển sang sử dụng ô tô điện. Theo đó, đằng sau lý do 90% người dùng không chọn mua xe điện là vì họ cho rằng thiếu hụt hệ thống trạm sạc sẽ ảnh hưởng quá trình sử dụng xe điện, nhất là khi đi xe đường dài.

Trong khi đó, thị trường ô tô điện tại Việt Nam chỉ mới phát triển trong những năm gần đây, do đó, người tiêu dùng vẫn còn e ngại nhiều về tính năng của xe điện so với xe xăng truyền thống – phương tiện quen thuộc trong nhiều thập kỷ.

Với nhóm Gen Z và Millennials (độ tuổi từ 18-34), vốn chiếm tới 1/2 dân số Việt Nam, những người tiêu dùng trẻ này lại ít có xu hướng sở hữu một chiếc xe điện cho riêng mình.

Theo kết quả khảo sát từ Vero, những người trong độ tuổi từ 18-34 có thu nhập trung bình từ 10-25 triệu VNĐ. Hơn hết, nhóm người tiêu dùng trong độ tuổi này thích trải nghiệm hơn là sở hữu. Đây cũng là lí do vì sao họ thích thuê một chiếc ô tô, chọn dùng ứng dụng đặt xe taxi hơn là sở hữu một chiếc xe riêng.

Thị trường xe điện tại Việt Nam bắt đầu chậm nhưng tiềm năng phát triển là rất lớn. Thời điểm này, các thương hiệu tham gia cuộc đua xe điện có cơ hội vàng để tận dụng thị trường bằng cách thu hút người tiêu dùng ở giai đoạn đầu, xây dựng lòng tin và thiết lập một vị thế vững chắc để có được “trái ngọt” dài hạn.