Để có thành công như ngày hôm nay, Xuân Hinh đã trải qua những năm tháng khó khăn, vất vả mà ít người biết.
NSƯT Xuân Hinh tên thật là Bùi Xuân Hinh, sinh năm 1960 tại Bắc Ninh, cái nôi của quan họ và những loại hình nghệ thuật dân gian đất Bắc. Nhờ đó, ngay từ nhỏ Xuân Hinh đã được sống trong những làn điệu dân ca, chèo tuồng.
Tuổi thơ gian khó, những năm tháng cơ cực đầu đời
Gia đình Xuân Hinh tuy không có truyền thống nghệ thuật nhưng gia đình cơ bản với bố là giáo viên còn mẹ làm nội trợ.
Xuân Hinh thời trẻ
Vì nhà nghèo, đông con nên tuổi thơ của Xuân Hinh phải nếm trải nhiều khó khăn, vất vả. Chứng kiến sự cơ cực đó nên từ trẻ Xuân Hinh đã chấp nhận làm mọi công việc để phụ giúp gia đình.
Năm 1977 khi đang học phổ thông, Xuân Hinh trúng tuyển vào Đoàn Dân ca Quan họ Bắc Ninh nên đã vào đó học. Tiếp đó, anh thi vào khóa 1 trường Đại học Sân khấu Điện ảnh khoa Kịch dân tộc.
Xuân Hinh tâm sự, hoàn cảnh gia đình anh lúc đó vẫn rất khó khăn, vất vả. Thấy con đi học không có tiền, mẹ anh thường chạy ra bến xe để gửi cho anh 20 ngàn đồng. Để có được số tiền đó, bà phải lội nước vớt 4 gánh bèo, gánh bộ 3 cây số, làm quần quật cả ngày.
Mỗi lần như vậy, Xuân Hinh cứ nhìn hình ảnh mẹ rồi khóc. Đến một ngày, anh không thấy mẹ gửi nữa. Biết mẹ không còn tiền để cho mình đi học vì phải lo cho các em ở nhà, Xuân Hinh quyết định đi buôn, buôn đủ thượng vàng hạ cám.
Từ trường Sân khấu Điện ảnh, cứ chiều đến là Xuân Hinh ra đầu cầu bắt xe lên thị trấn Bảo Yên cách đó 300 cây số để mua đồ. Tới 7 giờ tối, anh mới có mặt ở Bảo Yên.
Anh mua quần áo ở thị trấn rồi đạp xe 14 cây số vào rừng núi để đổi cho người dân tộc mặc, mua vàng cốm họ mò dưới suối. Đêm đến, Xuân Hinh lại đạp xe một mình về.
Nam nghệ sĩ từng kể lại những cảm xúc sợ hãi khi đi qua rừng tối, một bên là vực thẳm, chỉ có một mình đạp xe với một chiếc đèn pin.
Nhưng dù nguy hiểm, vất vả, Xuân Hinh vẫn không nản chí, anh còn từng đi buôn quả trám và mang về chùa Dâu quê anh, nơi người ta họp chợ rồi đổ ra bán. Không bán được, Xuân Hinh kéo từng bao trám vào cửa nhà dân để xin ngủ nhờ nhưng không được đồng ý. Lúc đó, nam diễn viên tủi thân đến chảy nước mắt và cứ ở ngoài như vậy đến tận sáng.
Thành công vang dội, thành “Vua hài đất Bắc”
Từ những năm tháng khó khăn, cơ cực đó, Xuân Hinh dần trưởng thành và bước chân vào nghiệp diễn. Ngay từ khi còn học ở trường Sân khấu Điện ảnh, Xuân Hinh đã thể hiện năng lực xuất sắc và sau khi ra trường được giữ lại để giảng dạy nhưng anh từ chối vì muốn tự do bay nhảy, đứng trên sân khấu.
Năm 1988 đánh dấu thành công đầu tiên của Xuân Hinh khi tham gia diễn tiết mục nổi tiếng hề Cu Sứt trong Festival Cười, biểu diễn gần 2 tháng tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt – Xô, được khán giả nồng nhiệt khen ngợi.
Từ thành công đó, Xuân Hinh tiếp tục dấn thân vào sân khấu chèo, hài kịch và gặt hái nhiều thành tích vang dội. Đặc biệt, Xuân Hinh là một trong số ít nghệ sĩ miền Bắc thành công về mặt băng đĩa. Vào cuối thập niên 90, đầu 2000, Xuân Hinh được mệnh danh là “ông vua băng đĩa” vì các băng hài của anh bán rất chạy. Thời điểm ấy, hầu như nhà nào cũng mua băng đĩa Xuân Hinh về xem.
Trên sân khấu, Xuân Hinh thường dựng hài kịch lấy cốt truyện từ dòng văn học hiện thực phê phán đầu thế kỷ XX, nên các vở diễn của anh vừa hài hước lại vừa sâu sắc, giàu ý nghĩa, vừa có hài vừa có bi, lấy nước mắt khán giả.
Không chỉ diễn xuất, Xuân Hinh còn là một nghệ sĩ đa tài khi có thể hát các loại nhạc truyền thống như chèo, xẩm, quan họ, cải lương và chầu văn. Anh góp công lưu giữ, sưu tầm, nghiên cứu, thể nghiệm và phát triển nghệ thuật dân tộc.
Hiện tại, Xuân Hinh sống một cuộc sống viên mãn bên vợ và các con, sở hữu khối tài sản lớn. Tuy nhiên, Xuân Hinh vẫn giữ cho mình lối sống dân giã và bình yên, không scandal. Mỗi khi có ai hỏi, anh thường khiêm tốn tự nhận mình chỉ là hề chèo.