VinFast đã lao thẳng vào thị trường ô tô đông đúc và siêu cạnh tranh của Mỹ, đánh cược rằng nếu họ có thể bán xe điện của mình cho người Mỹ khó tính thì họ cũng có thể thành công ở bất cứ đâu, tờ AP News viết.
Cho đến nay, canh bạc này vẫn chưa ngã ngũ. Tổng giám đốc toàn cầu VinFast bà Lê Thị Thu Thuỷ cho biết việc kinh doanh tại thị trường Mỹ đang “gặp khó”. Theo thống kê của Motorintellect.com, VinFast hiện bán được hơn 2.000 xe điện tại Mỹ, chiếm gần 1% tổng doanh số bán xe tại đây.
Trên toàn cầu, hãng xe của tỷ phú Phạm Nhật Vượng bán được gần 20.000 chiếc trong giai đoạn từ tháng 4 tới tháng 9 năm nay. Con số này vẫn thấp hơn mục tiêu năm 2023 là 50.000 chiếc.
Bà Thuỷ nói với phóng viên tờ AP News rằng sau khi đánh giá kỹ lưỡng truyền thông và tham vấn từ các cố vấn, công ty vẫn chọn Mỹ là thị trường ưu tiên, bất chấp những quy định nghiêm ngặt. Đây là một quyết định có chủ đích.
“Chúng tôi muốn làm nên tên tuổi trong một thị trường khắc nghiệt. Lý do thì rất đơn giản, nếu chúng tôi có thể thành công tại đây, thì những thị trường khác cũng sẽ tin tưởng chúng tôi”, bà Thuỷ nói.
VinFast bắt đầu sản xuất ô tô từ năm 2019. Đến tháng 9 năm nay, công ty niêm yết trên Nasdaq thông qua SPAC. Trong giai đoạn đầu lên sàn chứng khoán Mỹ, có thời điểm giá cổ phiếu VFS của VinFast đạt đỉnh 82,35 USD, đưa vốn hoá công ty vượt cả GM và Ford. Hiện, cổ phiếu VinFast đang được giao dịch khoảng 5,7 USD/cp.
Nhưng, ngay cả khi sự nhiệt tình của các nhà đầu tư bắt đầu nguội lạnh, VinFast vẫn cam kết bám đuổi thị trường Mỹ. Công ty đang xây dựng một nhà máy sản xuất xe điện trị giá 4 tỷ USD tại Bắc Carolina. Dự kiến nhà máy sẽ đi vào sản xuất từ năm sau.
Cuối năm nay, VinFast có kế hoạch bán xe tại châu Âu. Họ cũng đang hướng tới các thị trường như Ấn Độ, Đông Nam Á và Trung Đông. VinFast cho biết sẽ đầu tư 400 triệu USD cho một nhà máy tại Ấn Độ và Indonesia. Mục tiêu tới năm 2024, VinFast hiện diện tại 50 thị trường trên toàn cầu.
Matthew Degen – biên tập viên cao cấp tại Kelley Blue Book, một công ty nghiên cứu xe hơi của Mỹ cho biết, VinFast được công ty mẹ Vingroup hỗ trợ rất nhiều. Tỷ phú giàu nhất Việt Nam Phạm Nhật Vượng và Vingroup có thể sẽ phải hậu thuẫn VinFast nhiều năm nữa, trước khi hãng xe điện cho ra trái ngọt.
Hiện, VinFast đã từ bỏ kế hoạch bán ô tô trực tiếp tới tay khách hàng như Tesla vẫn thường làm, và họ tập trung vào các đại lý tại Mỹ và Canada để tận dụng kinh nghiệm bán xe của những đơn vị này.
Nhà phân tích Sam Abuelsamid tại Guidehouse Insights cho biết một số nhà sản xuất ô tô trước đây như Hyundai hay KIA tìm cách vào thị trường Mỹ thông qua các đại lý, bằng cách bán những chiếc xe giá rẻ ban đầu, và xây dựng danh tiếng với những mẫu xe hiệu suất cao, thiết kế chăm chút.
Tuy nhiên, đến nay các mẫu xe của VinFast tại Mỹ chưa cho thấy rõ lợi thế cạnh tranh.
Trước tiên, họ không cạnh tranh được về giá. Chẳng hạn chiếc SUV VF 8 có giá khởi điểm từ 46.000 USD tại California, so với mức giá 43.990 USD của Tesla Model Y. Mẫu xe của Tesla cũng nhận thêm khoản tín dụng 7.500 USD thuế liên bang, trong khi VinFast phải bắt đầu sản xuất tại Mỹ mới nhận được hỗ trợ này.
Chiếc VF 8 có kích thước tương đương Nissan Lát Ariya nhưng phạm vi lái ở mức 264 dặm (424 km) vẫn thấp hơn so với 304 dặm của đối thủ.
Để cạnh tranh, VinFast chỉ có cách giảm chi phí sản xuất để giúp giá ô tô hợp lý hơn. Tuy nhiên, theo nhà phân tích Abuelsamid, điều này sẽ ăn mòn lợi nhuận.
“Họ đã tốn rất nhiều tiền để khởi nghiệp một công ty xe điện từ đầu”, ông nói. Do đó, VinFast đang mong đợi các khoản đầu tư trị giá khoảng 1,2 tỷ USD từ tỷ phú Vượng và những người khác trong 6 tháng tới.
Các nhà sản xuất xe điện khác không có được sự hậu thuẫn đó. Chẳng hạn Lordstown Motors đã tuyên bố phá sản vào tháng 6 năm nay. Hay trong tháng này, nhà sản xuất ô tô điện Trung Quốc WM Motor đã nộp đơn xin phá sản.
Bà Thuỷ cho biết VinFast kỳ vọng sẽ đạt được quy mô cần thiết để đạt được doanh số bán hàng tại châu Á. Hai nhà máy ở Indonesia và Ấn Độ dự kiến sẽ tạo ra tổng cộng 50.000 xe điện/năm. Dự kiến việc sản xuất sẽ bắt đầu vào năm 2026.
Một thông tin khác, VinFast đã bán khoảng 7.000 xe điện cho GSM – một công ty chuyên cung cấp dịch vụ taxi và cho thuê xe được ông Vượng thành lập đầu năm nay. Bà Thuỷ cho biết ra mắt mô hình taxi điện là chiến lược để người tiêu dùng làm quen với ô tô điện, thấy rõ những lợi ích so với xe xăng của nó.
“Về cơ bản, điều này giống như chuyển đổi từ điện thoại cục gạch sang smartphone”, vị Tổng giám đốc chia sẻ.
Tiềm năng thị trường ô tô tại Việt Nam vẫn còn rất lớn, nơi có dân số gần 100 triệu người. Trong đó, có khoảng 65 triệu xe máy đang lưu thông. Với thu nhập người dân ngày càng gia tăng, doanh số bán ô tô tăng đều đặn qua từng năm. Năm ngoái, hơn 500.000 xe ô tô đã được bán ra, theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA).
Đầu tháng 10, VinES – một công ty sản xuất pin của Vingroup, đã về tay VinFast. VinFast kỳ vọng, việc tự chủ sản xuất pin sẽ tối ưu chi phí sản xuất.