Đại biểu Quốc hội Hà Ánh Phượng đề xuất quy định lương giáo viên cao nhất trong thang bảng lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp theo tính chất công việc, vùng miền, đề xuất này đang được nhiều giáo viên ủng hộ.

Sáng 1/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2024.

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Hà Ánh Phượng, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ, đồng thời là giáo viên trường THPT Hương Cần, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ cho biết: “Thực tế qua 10 năm thực hiện chế độ tiền lương, mức thu nhập của nhà giáo vẫn thấp, thậm chí có nhóm nhà giáo không đủ trang trải cuộc sống của gia đình.

Do tiền lương thấp nên nhiều người đã phải nghỉ chuyển việc hoặc là làm thêm. Vì vậy dẫn đến tình trạng chưa tròn vai và chưa tâm huyết với nghề. Hiện nay phụ cấp của giáo viên rất thấp, thậm chí có những vị trí không được hưởng phụ cấp gì…”.

Đề xuất lương giáo viên cao nhất trong thang bảng lương: Người ủng hộ, người phản đối - Ảnh 1.

Đại biểu Hà Ánh Phượng, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ. Ảnh: QH

Vì vậy, đại biểu Hà Ánh Phượng đề nghị Quốc hội, Chính phủ trong cải cách tiền lương lần này cần quy định tiền lương của giáo viên ở mức cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc theo vùng, đúng theo tinh thần Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Giáo viên hào hứng ủng hộ 

Trước đề xuất của đại biểu Hà Ánh Phượng, nhiều giáo viên bày tỏ ủng hộ và hào ứng mong đợi những khó khăn, vướng mắc về lương giáo viên sắp tới sẽ được điều chỉnh.

Thầy Phan Thế Hoài, giáo viên Trường THPT Bình Hưng Hòa, TP.HCM chia sẻ với PV báo Dân Việt: “Tôi nhận thấy, việc đề xuất quy định lương giáo viên cao nhất trong thang bảng lương hành chính sự nghiệp là phù hợp với Nghị quyết 29. Và lẽ ra việc này cần làm từ lúc Nghị quyết này có hiệu lực

Còn việc phụ cấp theo tính chất công việc, vùng miền thì đã được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành. Ví dụ, phụ cấp cho giáo viên dạy vùng sâu vùng xa, giáo viên dạy học sinh khuyết tật…”.

Đề xuất lương giáo viên cao nhất trong thang bảng lương: Người ủng hộ, người phản đối - Ảnh 2.

Giáo viên và học sinh Trường THCS Mỹ Đình 2. Ảnh: Tào Nga

Dù vậy, thầy Hoài cho rằng: “Điều giáo viên băn khoăn nhất là khi cải cách tiền lương theo Nghị quyết 29, tiền lương được trả theo vị trí việc làm như thế nào để tránh cào bằng như hiện tại

Vì hiện nay công việc chính của giáo viên là giảng dạy và giáo dục học sinh, cơ bản thầy cô giáo đều làm một công việc như nhau. Vậy, cần có tiêu chí để lượng hóa công việc, tra lương thì mới khích lệ được những giáo viên dạy giỏi, có trách nhiệm, gắn bó với ngành giáo dục”.

Nhà thơ, nhà giáo Thái Hạo nêu quan điểm: “Trước hết cần xác định rõ ràng mục đích của việc tăng lương. Tăng lương để giáo viên “đủ sống” và “yên tâm công tác”, điều đó tất nhiên là cần và không phải chỉ cần cho giáo viên, ngành nghề nào cũng phải hướng đến đáp ứng được thu nhập cơ bản để người lao động sống được bằng nghề.

Nhưng nếu để ngăn tình trạng giáo viên bỏ việc thì tôi e chưa đủ. Vấn đề giáo viên rời khỏi ngành không phải chỉ do thu nhập, thậm chí lương không phải là lý do quan trọng nhất. Áp lực công việc, đặc biệt là căn bệnh thành tích và các “nhiêu khê” trong công tác hành chính khiến giáo viên mệt mỏi và dần không còn tìm thấy niềm vui.

Một lý do mà tôi cho là cốt lõi trong vấn nạn bỏ việc của giáo viên, đó chính là tình trạng mất dân chủ nghiêm trọng trong môi trường giáo dục. Hiệu trưởng có quá nhiều quyền, các tổ chức trong nhà trường thì vai trò, vị trí của giáo viên ngày càng thấp.

Chính những điều đó gây ra bất công, chán nản, nhà giáo có chuyên môn cao và tự trọng dần mất niềm tin, bất bình mà ra đi. Cải cách tiền lương nếu không đi cùng với những cải cách hành chính và lặp lại quân bình trong các mối quan hệ, nâng cao địa vị người thầy, khó mà đạt được mục tiêu.

Trong số 16.000 giáo viên bỏ việc năm 2022, tôi tin đa phần là những người giỏi, có tự trọng, tính cách thẳng ngay, cương trực. Và cái mà những người này cần không phải chỉ là thu nhập

Tôi ủng hộ và cũng luôn đề xuất tăng lương cho giáo viên, nhưng bên cạnh đó phải nâng cao chất lượng đội ngũ từ khâu tuyển chọn sinh viên sư phạm, đào tạo giáo viên và chất lượng giảng dạy.

Đồng thời phải rốt ráo thực hiện nghiêm đạo đức công vụ, làm trong sạch môi trường giáo dục bằng cách dứt khoát với nạn dạy thêm trong nhà trường. Tóm lại, cần một giải pháp đồng độ, để không những chỉ ngăn tình trạng giáo viên bỏ việc mà một cách cơ bản hơn, nâng cao phẩm chất nhà giáo và ngành giáo dục nói chung”.

Cô Nguyễn Thị Ngọc Bốn, giáo viên Trường THPT Phú Xuyên B, huyện Phú Xuyên, Hà Nội bày tỏ: “Mỗi ngành nghề đều có những đặc thù riêng, vất vả của nhà giáo không thể so với sự nguy hiểm tính mạng của ngành cảnh sát hay quân đội. Tôi đồng tình với việc xác định, điều chỉnh phụ cấp cho nhà giáo ở những vùng đặc biệt. Cải cách thế nào thì cũng cố gắng để nhà giáo có thể sống được bằng lương”.