Nghệ sĩ Văn Toản quen mặt với khán giả qua nhiều bộ phim truyền hình Việt ở những thập niên 90. Về hưu, mặc dù tai bị điếc, ông vẫn lạc quan với cuộc sống…

Văn Toản từng quen mặt với khán giả cả nước qua nhiều phim truyền hình, tiểu phẩm hài. Nhắc đến ông, người ta thường nhắc đến những nghệ sĩ cùng thời như: Trần Hạnh, Phạm Bằng, Trịnh Thịnh… Ngoài làm diễn viên, ông còn sáng tác nhạc, dàn dựng sân khấu… Ông cho hay, mình xuất thân trong một gia đình không có truyền thống nghệ thuật nhưng ông đã sớm bén duyên với nghiệp diễn từ những thập niên 60 của thế kỉ trước.

Ở tuổi U80, nghệ sĩ Văn Toản làm bạn với tin nhắn điện thoại vì không nghe được.

Chia sẻ với Người Đưa Tin, nghệ sĩ Văn Toản cho hay: “Gần 10 năm nay, tai tôi có vấn đề, ai muốn nói chuyện với tôi thì có thể viết ra giấy hoặc nhắn tin qua điện thoại. Khi mới bị bệnh, con cháu cũng đưa đi chạy chữa nhưng bác sĩ nói, đó bệnh tuổi già, suy giảm thính lực là do sức khoẻ, tôi có uống thuốc nhưng không đỡ. Thôi thì trời vẫn cho sức khoẻ, chỉ có việc nghe là bị hạn chế thì mình khắc phục thôi. Cô con gái mua cho hai bộ máy trợ thính, nhưng tôi vẫn không nghe được. Tôi coi điếc là bệnh tuổi già và chấp nhận sống chung với “lũ”.

Nghỉ hưu hơn 20 năm, hiện tại nghệ sĩ Văn Toản ở cùng gia đình con trai thứ. Mỗi ngày, con đi làm, cháu đi học, ông quanh quẩn một mình. Thấy dòng chữ “Ông có buồn không?”, ông nhấn giọng “Có gì mà phải buồn”. Buổi sáng, ông dành thời gian tụng kinh, niệm Phật, rồi ăn sáng, dọn dẹp nhà cửa. Sau đó, ông cầm điện thoại, nhắn tin với bạn bè, thăm hỏi họ hàng. Khi phóng viên hỏi chuyện, ông cũng dùng chiếc điện thoại để trả lời, ông bảo: “Thôi vẫn có chiếc điện thoại làm bạn với mình là vui rồi”. Ai muốn liên lạc với tôi đều qua chiếc điện thoại này. Mỗi khi đi ra ngoài, hàng xóm vẫn hỏi han nhưng ông phải nói to: Tôi bị điếc, có gì viết ra giấy nhé. Vậy là mỗi khi gặp ông, người quen có gì hỏi lại viết ra giấy để giao tiếp với ông.

Tên tuổi của nghệ sĩ Văn Toản gắn liền với nhiều vở kịch, phim truyền hình nhưng ít ai biết rằng, lúc trẻ, ông từng đắn đo với rất nhiều lựa chọn như đi hát cải lương, đi bộ đội, làm công nhân… thậm chí là trở thành cầu thủ cho đội tuyển Thể Công. Thế nhưng, sau đó, ông Văn Toản quyết định thi vào trường Kịch và trở thành một trong những sinh viên khóa Kịch đầu tiên của nền văn nghệ nước nhà.

Sau khi tốt nghiệp trường Kịch, nghệ sĩ Văn Toản về công tác tại Nhà hát Kịch Việt Nam, cho tới năm 2000 thì về hưu. Sau khi về hưu, ông tiếp tục hoạt động nghệ thuật thông qua các phong trào quần chúng và cũng thường xuyên được mời tham gia các tiểu phẩm hài, ông bảo: “Đi diễn, thấy mình trẻ ra nhiều, được gặp đồng nghiệp, anh em nên vui. Nhưng từ khi bị ốm và tai kém thì tôi không đi diễn nữa. Mình cũng chủ động rút lui để các đạo diễn khỏi phải khó xử. Tuổi trẻ, tôi cũng từng lăn lộn với kịch, phim, có những cống hiến nhất định nên không nuối tiếc gì nữa…”.

Hỏi ông, làm diễn viên cả đời nhưng ông không có danh xưng NSƯT hay NSND ông có buồn không? Nghệ sĩ Văn Toản cho hay: “Tôi không buồn, tôi là nghệ sĩ của nhân dân, danh xưng có hay không không quan trọng. Tôi đã hết mình với nghệ thuật và được khán giả công nhận, đó là phần thưởng lớn rồi”.

Ông sinh được ba người con, hai gái một trai. Cho đến bây giờ các con của ông đều đã trưởng thành, có gia đình riêng và sinh cho ông những đứa cháu xinh xắn. Ông vui vì các con mình không theo nghiệp cha bởi ông vẫn quan niệm rằng “nghiệp diễn khổ lắm, không biết bao giờ mới khá lên được”. Sự thành đạt của con cháu cũng là niềm an ủi với người nghệ sĩ đã từng trải qua biết bao khốn khó của cuộc đời.

“May mắn là các con tôi đều trưởng thành và có hiếu, các cháu quan tâm đến bố lắm. Cả đời tôi là nghệ sĩ, sống giản dị và chẳng có tiền bạc cho con, nhưng các con lớn lên đều hiểu và không trách gì bố. Cái tôi để lại cho con là sự chăm chỉ, lao động chịu khó và hiếu nghĩa với bố mẹ, tổ tiên” – Nghệ sĩ Văn Toản trả lòng.

Nghệ sĩ Văn Toản và các cháu của mình.

Nghệ sĩ U80 cho hay, thời gian rảnh rỗi, ông thường đọc sách và học các bài thuốc dân gian. Dần dần, ông tích lũy được nhiều kiến thức, mẹo chữa dân gian, ông đã viết tập sách Những bài thuốc dân gian kỳ diệu với những công thức đơn giản như chữa viêm xoang bằng củ hành, viêm họng bằng chanh và muối, cảm cúm với nước gừng… do chính ông sưu tầm. Cuốn sách đó được ông tặng cho nhiều người như cẩm nang chữa bệnh trong nhà.

“Tôi vui vì có thể giúp đỡ một số người với những bài thuốc đơn giản. Nhiều người nghèo lắm, họ không có tiền dùng thuốc đắt nên giúp được ai là tôi sẵn lòng. Mình cùng trưởng thành từ một xóm lao động nghèo nên thấu hiếu và muốn giúp đỡ mọi người” – Ông tâm sự.

Lý do đặc biệt khiến “ông công nhân hói đầu” Văn Toản rời màn ảnh gần 10 năm nay

Từng là gương mặt phủ sóng truyền hình nhưng từ nhiều năm nay không thấy ông xuất hiện, nhiều người truyền tai nhau ông bị nặng tai, giao tiếp chủ yếu bằng cách ghi ra giấy. “Bán tín bán nghi” tôi gọi điện cho ông vào một chiều tháng 7, cuộc gọi báo bận rồi một tin nhắn trả về nguyên văn: “Tôi.điếc.cần.nhắn.tin”. Khá ngạc nhiên vì hoá ra tin đồn là thật.

Rồi tôi và ông trao đổi nhanh qua những tin nhắn nhiều dấu chấm (.) đều đặn. Chốt lịch hẹn, tôi đến con ngõ đường Giải Phóng, ngôi nhà cao tầng của người diễn viên già nằm cuối con ngõ không quá khó tìm.

Đúng là ở tuổi ngoài 80, thính lực của ông suy giảm. Mời tôi vào nhà, ngôi nhà khang trang chỉ có tôi và ông nhưng ông nói rất lớn. Ông chỉ vào tai ra hiệu rằng không nghe được gì và bảo: “Cháu muốn hỏi gì? Viết câu hỏi ra giấy rồi đưa tôi trả lời”.

Thay vì bấm chuông cửa, bác Văn Toản đón tôi sau khi nhận được dòng tin nhắn “Cháu đang ở cửa ạ”

“Tôi chỉ là công nhân nhà máy nói Trung Ương”

Trong khi tôi còn đang viết vội những câu hỏi trên giấy, ông nói lớn: “Tôi nhắc cháu một chuyện, đừng bao giờ gọi tôi là diễn viên hay nghệ sĩ, cứ gọi là bác Văn Toản, ông Văn Toản thôi!”

Dừng một chút rồi ông giải thích: “Cách đây vài năm trong một lần đi ra đường có người bạn vỗ vai tôi bảo: “Cậu được phong Nghệ sĩ ưu tú bao giờ mà không khao?” – Tôi giật mình phủ nhận: “Tớ chỉ là diễn viên quèn chứ nghệ sĩ ưu tú gì đâu” thì người bạn lại nói: “Vậy mà mấy hôm trước mới có bài gọi NSƯT Văn Toản”.

Rồi ông lắc đầu xua tay: “Chết thật, nhầm lẫn tai hại. Nên đến giờ, tôi đã lui về ở ẩn rồi chỉ cần gọi tôi đơn giản là bác Văn Toản thôi, không cần nghệ sĩ hay diễn viên! Tôi “bị” dị ứng!”.

Nhân nhắc đến chuyện này, hỏi ông về lý do “rời bỏ” màn ảnh dù đang rất được lòng khán giả, đặc biệt với những vai “đểu đểu”, ông nói lý do đơn giản là vì ông bị điếc.

“Tôi bị điếc đã khoảng 7 năm nay. Ban đầu chỉ thấy ù ù ồn ào trong tai, tôi cũng tự day bấm nhưng không khỏi. Cho đến một ngày tai không còn nghe thấy tiếng động nào nữa, im lặng hoàn toàn thì tuổi già đến thật rồi! Tôi cũng xác định trước đến tuổi già sẽ có những tật bệnh sinh ra nên không sốc, không buồn. Cứ thế đón nhận thôi. Cũng chính vì bị điếc mà tôi từ chối đóng phim vì làm phim sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Bản thân gặp khó khăn và còn ảnh hưởng cả đoàn phim.

Hơn nữa với tôi, đến thời điểm này gần như không còn thiết tha với ống kính, với truyền hình, với vai diễn. Hết sạch và tuyệt nhiên không hối tiếc hay nhớ nhung gì”, ông tâm sự.

Nói ông dứt duyên, hết duyên nghệ thuật, ông cười lớn khẳng định với nghệ thuật nói ông là diễn viên cũng không đúng. Ông tự xác định mình là công nhân nhà máy nói Trung Ương (TƯ).

“Thật ra mà nói tôi làm công nhân giỏi hơn là làm diễn viên. Ví dụ, khi anh Nguyễn Đình Nghi làm đạo diễn vở “Vua Lia”, có 25 cảnh cần chuyển liên tục và tôi sắp xếp tối ưu nhất chỉ mất 3 phút để chuyển một cảnh. Sau đó, anh Đình Nghi gật gù hài lòng bảo: Chỉ có Toản mới làm được điều này.

Hay sang Mỹ diễn vở “Hồn Trương Ba”, ông Giám đốc nhà hát không cho làm xây xước sàn gỗ, sau đó tôi thu xếp ổn thoả, đầy đủ khiến trưởng đoàn thốt lên “Toản ơi, đúng là nhà ảo thuật, trang trí chuẩn chỉ không xước xát”. Vì thế, lâu nay tôi vẫn nghĩ công nhân nhà máy nói TƯ hợp với tôi hơn là diễn viên”, ông chia sẻ.

Nói là thế nhưng ông đã dành gần như cả đời cho nghệ thuật, hỏi ông “lùi về” nhiều năm như thế có nhớ sân khấu, nhớ phim trường? “Ông công nhân nhà máy nói” liên tục xua tay: “Hỏi tôi có nhớ nghệ thuật không à? Tôi không nhớ cũng không hối tiếc, không bao giờ nằm mơ mình về nghệ thuật. Hoàn toàn không có. Vì tôi tìm được đam mê khác trong cuộc sống”.

“Từ 50 năm nay tôi đã gắn cho mình HUÂN CHƯƠNG CHỊU ĐỰNG”

Rồi ông kể về cuộc sống hiện tại. Ông bảo vì điếc nên cuộc sống rất im lặng, thèm tiếp xúc nhưng gặp trở ngại nên chọn cách sống an nhàn có ích cho đời, có ích cho người.

Một ngày của ông nắng cũng như mưa, mùa đông cũng như mùa hè 7 giờ dậy tắm rửa vệ sinh rồi lên tụng kinh niệm Phật, xuống ăn sáng rồi ngồi đọc sách, đến giờ là đi đón cháu đi học, chăm lo cơm nước nhà cửa giúp con cái. Và một niềm vui đặc biệt nhất là “mách” mọi người các phương thuốc chữa bệnh mà ông không lấy tiền.

Ông bảo, “cái được” lớn nhất của ông trong những năm hoạt động nghệ thuật là đã giúp ông “bén duyên” với nhiều lương y tài đức, tiếp cận nhiều phương thuốc dân gian bí truyền. Ông đã xin phép họ được chép lại với lời hứa để giúp mọi người, nhất là người nghèo và không bao giờ tư lợi.

Vừa nói ông vừa mở ngăn kéo bàn đưa cho tôi xem một cuốn sách thuốc được photo nhiều bản. Ông “khoe” nhờ đó mà ông đã giúp được bao nhiêu người ốm đau bệnh tật.

“Tôi rất trăn trở vì câu nói “Người nghèo không có quyền ốm”. Thực ra, người bị bệnh khổ một, người nghèo bị bệnh khổ mười nên tôi nghĩ giúp được ai dù là điều nhỏ nhất tôi cũng giúp”, chia sẻ về niềm vui tuổi xế chiều.

Ông đọc những tin nhắn cảm ơn của những người đã được ông bấm huyệt rồi mủm mỉm cười: “Thù lao lớn nhất của tôi lúc về già là đây”

Hỏi vui rằng giúp đời giúp người miễn phí như thế, ông nghĩ thế nào khi vẫn có nhiều người sau khi liên hệ lại bảo ông càng già càng khó tính? Ông đăm chiêu một lúc rồi nói: “Thế là không đúng vì tôi rất thoải mái. Từ 50 năm nay tôi đã gắn cho mình một cái huân chương là Huân chương chịu đựng. Nói theo nhà Phật thì đó là chữ Nhẫn. Chữ Nhẫn này đã giúp tôi chan hoà với mọi người chứ không hề khó tính”.

Nhân nhắc đến hai chữ “Huân chương”, tôi đánh liều hỏi ông về chuyện danh hiệu mà ông gay gắt phủ nhận từ đầu cuộc trò chuyện.

“Quay đi quay lại vẫn là câu chuyện danh hiệu sao? Nhiều người cũng nói cả đời nghệ thuật của tôi thiếu cái danh hiệu. Thành thật mà nói tôi cũng không cần cái danh đó. Vì quy trình phong danh hiệu, đầu tiên là “Xin” đến “Duyệt” rồi mới “Cho” và còn nhiều vấn đề phức tạp phía sau. Tôi từng này tuổi rồi không muốn phải “sân si” hay xin xỏ để có “tấm giấy” đó. Nhắc nhiều quá thành ra bị dị ứng”, ông nói.

Mặc dù không danh hiệu, ông cũng liên tục “phủ nhận” rằng bản thân không phải diễn viên nhưng với khán giả truyền hình bao nhiêu năm qua, ông vẫn là nghệ sĩ. Một lần nữa “ông công nhân nhà máy nói” lại nhấn mạnh: “Tôi chỉ là diễn viên tầm thường, một gương mặt quen thuộc truyền hình với nhiều vai đểu”.

Suốt buổi trò chuyện, thấy ông liên tục phủ nhận vai trò diễn viên, như thế là phủ nhận những cống hiến những năm qua? Ông bảo: “Khán giả vẫn yêu quý gọi nghệ sĩ thì cũng là tình cảm của họ còn tôi thì không dám nhận. Nói cống hiến thì lớn lao vĩ đại quá. Với tôi những năm tháng đó thực ra cũng là một cái nghề, một công việc mình phải làm thôi”.

“Cho đến giờ tôi vẫn luôn nghĩ, nếu được chọn lại tôi không làm nghệ thuật nữa mà sẽ chuyên tâm học thuốc và chữa bệnh cho mọi người. Vì thế, đôi khi có nghệ sĩ nào đó nói nhớ tôi nhưng thực lòng tôi không nhớ bất cứ ai trong nghệ thuật nữa. Trước còn có xe cộ thì lâu lâu chạy qua nhà ông Hồng Chương nói chuyện chứ bây giờ thì tôi cũng chịu.

Vậy nên có người xin tôi một vài bức ảnh thời đi đóng phim tôi cũng chỉ biết lắc đầu, tôi không lưu giữ những điều đó nữa. Như thế là hết duyên đấy. Duyên nghệ thuật chỉ đến đó thôi!”, ông “công nhân” nhấn mạnh.

“Tằn tiện trong đồng lương ít ỏi nhưng nhìn xuống vẫn hơn 2-3 người”

Cuộc trò chuyện đang dở thì chiếc điện thoại “cục gạch” của ông đổ chuông tin nhắn. Ông bấm máy rồi chìa ra phía trước nói như khoe: “Bệnh nhân nhắn tin đấy! Hai năm qua tôi bận rộn chữa bệnh: 1 giờ sáng cũng có người gọi, 5 giờ sáng cũng có người gọi. Tôi không làm phim vì điếc còn chữa bệnh thì dễ hơn là có thể giao tiếp qua giấy”.

Trả lời cho thắc mắc, ông không đóng phim mà chữa bệnh cũng không lấy tiền thì sinh hoạt phí sẽ thế nào? Ông cười và chậm rãi: “Thì cân đối phù hợp với đồng lương hưu ít ỏi chứ sao”.

Phòng khách, ông treo khá nhiều ảnh gia đình, con cháu, đặc biệt là ảnh bà vợ thuở còn trẻ

“Thực tế thu nhập thời còn đóng phim, còn lên truyền hình của tôi cũng bấp bênh khó nói lắm. Một vai tôi đóng nhà nước trả 1 triệu, người tốt trả 800.000 đồng còn không chỉ 200-300.000 đồng. Còn bây giờ họ mời, tôi có lý do chính đáng để từ chối. Lâu dần nhà đài, nhà sản xuất cũng biết và thôi không mời nữa”, ông bộc bạch.

Qua câu chuyện, cảm nhận cuộc sống sau màn ảnh của ông khá vất vả. Như đoán được ý nghĩ, diễn viên già thẳng thắn bày tỏ: “Tôi quan niệm, nhìn lên thì chẳng bằng ai nhưng nhìn xuống cũng hơn 2-3 người. Thế thôi. Để tự an ủi động viên mình. Cuộc sống này là của mình nên phải tằn tiện và phải tính toán cố gắng không làm phiền con cháu vì các con đều có cuộc sống riêng, cũng có những khó khăn riêng”.

Thấy tôi tỏ vẻ ngạc nhiên, sợ tôi hiểu lầm con cái, ông nói luôn: “Cuộc đời tôi đến nay tôi rất biết ơn bà vợ đã đẻ cho tôi 3 người con 2 gái 1 trai và giờ có thêm 4 cháu ngoại, 2 nội. Tất cả đều kính hiếu bố mẹ, đặc biệt đứa lớn có điều kiện hơn nên hỗ trợ bố khá nhiều. Sự thành đạt của con cháu cũng là niềm an ủi với người tôi sau bao nhiêu năm từng trải biết bao khốn khó của cuộc đời”.

Nghe những chia sẻ chân thật của ông, tôi thẳng thắn hỏi ông về tin nhắn ông đã gửi cho tôi trong cuộc hội thoại hẹn phỏng vấn, nguyên văn: “Bác.xin.lỗi.bác.hỏi.phỏng.vấn.có.tiền.cho.bác.không?”. Nghe xong ông cười vang ngôi nhà và bảo: “Thú thật là vì tôi chữa bệnh miễn phí cho nhiều người nên có lần nhận được đề nghị từ một người lạ rằng bỏ một khoản tiền để quảng cáo trên báo.

Tôi nói thật rằng tôi nghèo. Đồng lương hưu ít ỏi nên tiêu tằn tiện tính toán chi li để 1 tháng vừa vặn. Tôi cũng không cần quảng cáo gì vì thế thấy cháu nhắn tin tôi cảnh giác hỏi trước như thế xem ý tứ ra sao”.

Ông khẳng định: “Suốt cuộc nói chuyện thì cháu biết đấy, tôi là người không thích hư danh, không cần tôn vinh. Nhớ năm xưa thuở còn mưu sinh cơ cực, cứ diễn xong lại về đầu phố bán nước, có hai bạn phóng viên liên hệ viết bài. Tôi từ chối nhưng họ “theo” tôi ghê lắm. Một hôm tôi hỏi anh phóng viên: Cậu viết một bài bao nhiêu tiền? Anh bảo được 8 đồng. Tôi biếu anh 10 đồng khỏi phải viết. Tôi là thế đấy. Từ khi còn trẻ, tôi đã “né” những chỗ ồn ào, những niềm vui hào nhoáng”.

Đón cháu nội từ trường về, bác Văn Toản bảo: “Nó chính là công việc đều đặn nhất trong ngày của tôi suốt nhiều năm qua”

Ông còn nhấn mạnh, ông vui vì các con mình không theo nghiệp cha. Sau bao nhiêu năm nghệ thuật ông nghiệm ra rằng: “Nghiệp diễn khổ lắm, không biết bao giờ mới khá lên được”.

Giờ cuộc sống lui về trong im lặng, ông chỉ bức ảnh gia đình có đủ con trai con gái, con dâu, con rể và các cháu, giải thích: “Gia đình tôi đặc biệt vì “ông một nơi, bà một chốn”. Đến với nhau từ thời trẻ trung, từ ngày bà ấy mới đi nước ngoài về, người loắt choắt có 37-38 cân nhưng về già bà ấy không ở đây với tôi mà ở một mình trong căn nhà tập thể trên phố Tràng Tiền vì bận nhiều hoạt động của tổ dân phố, rảnh rỗi lại đi lễ chùa…

Thôi thì bà ấy cứ ở trên đấy, tôi dưới này, miễn cả hai cùng vui! Gần 50 năm nên nghĩa vợ chồng, chúng tôi hài lòng vì các con cháu và một cuộc sống khá bình yên, thoải mái, chẳng bao giờ ghen tuông và đều sống theo tinh thần đạo Phật”.