NSND Thanh Tú vừa đăng dòng trạng thái chia sẻ sự bức xúc về việc NSƯT Thanh Quý và NSƯT Chí Trung “trượt” danh hiệu NSND trong đợt xét tặng lần thứ 10.
NSƯT Thanh Tú là một trong 77 nghệ sĩ có tên trong danh sách được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân lần thứ 10, đợt đầu tiên. NSƯT Thanh Tú (sinh 1944) là diễn viên gạo cội của Nhà hát Kịch Hà Nội. Trong lần phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân năm 2023, 3 nghệ sĩ của Nhà hát Kịch Hà Nội được phong tặng danh hiệu NSND đều đã về hưu, gồm NSƯT Hoàng Quân Tạo – Nguyên Giám đốc của Nhà hát Kịch Hà Nội, NSƯT Thanh Tú và NSƯT Trần Đức.
Tuy nhiên, nữ nghệ sĩ vẫn cảm thấy “không yên” khi đợt phong tặng danh hiệu lần này lại có quá nhiều chuyện ồn ào: “Chắc là ít có cuộc phong tặng danh hiệu nghệ sĩ nào lại quá nhiều “chuyện” như lần này – lần thứ 10. Tôi không đề cập đến nữa, vì quá nhiều bất cập, cho nên kéo dài với những đơn từ kiện cáo và chuyện xin xét tặng danh hiệu”.
Nữ nghệ sĩ đề xuất rằng, khi xét duyệt danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân không bắt nghệ sĩ phải xin nữa vì các nghệ sĩ đã qua vòng xét duyệt Nghệ sĩ Ưu tú, đã được “cân đong đo đếm” các giải thưởng rồi.
“Nếu xét thấy các nghệ sĩ này vẫn phát huy tác dụng nghệ thuật, có sự lan tỏa và được công chúng mến mộ thì đã là nghệ sĩ của nhân dân rồi. Các cấp cứ xét duyệt và phong tặng. Đừng bắt các nghệ sĩ phải “xin xỏ” và tiếp tục làm các thủ tục chứng minh cho các giải thưởng.
Rồi lại “cân đong đo đếm” theo cái gọi là tiêu chuẩn 1 lần nữa (nhiều nghệ sĩ quá tự ái về điều này). Nhiều nghệ sĩ trước đó đã được phong tặng NSƯT sau đó không làm nghề nữa mà làm quản lí các cơ quan hoặc các hội, đoàn thể khác. Xin đừng xét duyệt danh hiệu NSND cho họ nữa vì thời điểm đó họ đã không trực tiếp mang lại sản phẩm nghệ thuật cho công chúng nữa”, nghệ sĩ Thanh Tú bày tỏ.
Trong bài viết của mình, nghệ sĩ Thanh Tú đề cập đến chuyện NSƯT Thanh Quý được phong danh hiệu đã hơn 25 năm nay. Từ đó đến nay, bà chưa ngưng nghỉ làm nghề ngày nào. Thậm chí, theo nghệ sĩ Thanh Tú là “Thanh Quý mải miết “cầy” mặt lên màn hình, trên mảnh đất màu mỡ và khô cằn để mang niềm vui và bao giọt nước mắt cho công chúng. Khi được vinh danh giải thưởng, bà đã nhường lại cho diễn viên trẻ.
Đề cập đến NSƯT Chí Trung, nữ nghệ sĩ này cũng cho rằng, Chí Trung là lứa nghệ sĩ đầu tiên làm nên tên tuổi của Nhà hát Tuổi trẻ. Anh không đơn thuần là một danh hài mà còn là diễn viên chính trong rất nhiều vở diễn của nhà hát như: Romeo & Juliet, Trần thủ Độ … Đáng ra, cách đây 20 năm, anh đã xứng đáng với danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân cùng với Nghệ sĩ Nhân dân Lê Khanh (vì đây là 2 tên tuổi lớn của Nhà hát Tuổi Trẻ) .
“Lý do tại sao đến hôm nay anh vẫn mang lại niềm vui tiếng cười cho công chúng mà vẫn không có tên trong danh sách Nghệ sĩ Nhân dân? Phải chăng tất cả đều xuất phát từ lòng tự trọng của những nghệ sĩ chân chính.
Cũng vì cơ chế xin cho, thủ tục rườm rà mà tôi đã tự ái dừng lại với danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú hơn 30 năm. Đến lần này, với sự gợi ý của Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam – Trịnh Thúy Mùi và Giám đốc Nhà hát kịch Hà Nội – Trung Hiếu, tôi đã gạt bỏ tự ái cá nhân và được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân.
Khi danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân đến với tôi, tôi đã hiểu sự cao quý của danh hiệu này. Khi các em, các con, các cháu và tất cả bạn bè, đồng nghiệp chúc tụng và vinh danh tôi mới thấy sự tự ái của mình rất cá nhân. Bởi danh hiệu này không chỉ của riêng tôi. Đó là niềm tự hào chung của gia đình, đồng nghiệp và bạn bè. Đó là sự công bằng của xã hội.
Các nghệ sĩ chân chính của tôi (nghệ sĩ Chí Trung và Thanh Quý). Những nghệ sĩ Cách mạng như chúng ta không còn nhiều. Khi những đóng góp của chúng ta để cả đoàn quân ra trận. Để các thế hệ kế tiếp hiểu hơn về cuộc Cách mạng Tháng Tám và thêm lòng yêu nước… Còn nhiều điều và nhiều nghệ sĩ khác không nói hết được”.
NSƯT Thanh Tú (sinh năm 1944) là diễn viên gạo cội của Nhà hát Kịch Hà Nội. Bà từng đóng nhiều vở kịch như: Tiền tuyến gọi – vai Hương Giang (1970); Tania – vai Tania; Âm mưu và tình yêu – vai Minpho (1978); Hoa và Ngần – vai Ngần (vai 1974).
Nữ nghệ sĩ cũng tham gia rất nhiều bộ phim điện ảnh và truyền hình, tiêu biểu như: Biển lửa – vai Thảo (1966); Em bé Hà Nội – vai mẹ em bé (1974); Vùng trời – vai chị Hảo (1975); Sao Tháng Tám – vai Nhu (1976); Tình yêu và khoảng cách; Truyện cổ tích cho tuổi 17; Thời hiện tại; Gánh hàng hoa; Mối tình sau song sắt …
Từ năm 1979-1983, NSƯT Thanh Tú theo học khóa đạo diễn sân khấu ở trường ĐH Sân khấu Điện ảnh Hà Nội. Bà từng là đạo diễn của các vở: Đỉnh cao và vực thẳm (1989), Cơ đấm (1991), Thị trường trái tim (1993), Thoát vòng tục lụy (1994).
Trong hành trình nghệ thuật của mình, NSND Thanh Tú đạt được nhiều giải thưởng ở cả lĩnh vực sân khấu, điện ảnh. Năm 1976, bà giành được thành công lớn với vai Nhu trong bộ phim Sao Tháng Tám của đạo diễn Trần Đắc. Đó là giải Nữ diễn viên xuất sắc nhất ở Liên hoan phim Việt Nam lần thứ IV năm 1977, được Ủy ban phụ nữ toàn Liên bang Xô Viết trao giải đặc biệt khi dự Liên hoan phim Moskva. Bà vừa được phong tặng danh hiệu NSND năm 2023.