–
Để điều khiển được một chiếc mô tô sao cho bài bản, cần khá nhiều yếu tố quan trọng và một trong số đó chính là vị trí ngồi lái xe.
Vị trí ngồi lái xe phải giữ cho cơ thể vừa khít với thân xe, để người lái có thể dễ dàng điều khiển chiếc xe theo ý mình. Đây là một điều quan trọng để bắt đầu lái một chiếc xe, cho dù đó là một chiếc xe máy
Về cơ bản, mô tô được chia thành 3 loại lớn: Dual-Sport, Sport và Cruiser, mỗi loại phù hợp với một tư thế ngồi, vị trí chân và tay khác nhau.
Đối với dòng dual-sport và touring, yêu cầu người điều khiển nên ngồi thẳng lưng. Tay duỗi thẳng trong khi gót chân nằm trên một đường dọc với lưng.
Đối với dòng Cruiser, người lái cũng phải ngồi thẳng lưng, tay duỗi thẳng và chân hướng về phía trước. Đây là dòng xe lý tưởng để sử dụng trên những cung đường dài.
Đối với dòng Sport, người điều khiển phải ngả lưng về phía trước. Khi xe chạy ở tốc độ cao, phần thân trên của người lái sẽ phải chống chọi với gió mạnh. Trong khi đó, tay người lái đặt thấp và chân hướng về phía sau. Phần lưng sẽ chịu khá nhiều áp lực, do đó Sport không phải lựa chọn lý tưởng để đi đường dài.
Định vị cơ thể
Bắt đầu với vòng eo và hông tạo ra một khoảng cách gần bình xăng nhất định. Lái xe có thể nhận biết khoảng cách dễ dàng với cách đo bằng nắm tay. Tạo một khoảng cách giữa vùng eo của mình và bình xăng trong khoảng một nắm tay. Không ngồi quá sát bình xăng hay quá xa bình xăng.
Do đây là khoảng cách an toàn để cơ thể người điều khiển phương tiện di chuyển khi xe tăng tốc hoặc phanh đột ngột. Bên cạnh đó nó sẽ tạo tư thế thoải mái nhất để lái xe thao tác lái dễ dàng hơn, ít mỏi mệt khi di chuyển đường dài do những rung động đến từ động cơ hoặc mặt đường.
Định vị chân
Trong thực tế, khi chuyển từ xe gắn máy sang sử dụng mô tô phân khối lớn, nhiều người thường có thói quen đặt gót chân lên thanh gác chân, để mũi bàn chân lên cần số, phanh chân. Đây được cho là sai lầm, điều này có ảnh hưởng lớn đến các xử lý động lực học.
Định vị đầu gối
Việc ôm sát đùi, đầu gối vào thân xe khi lái xe sẽ giúp người lái và chiếc xe trở thành một khối liên kết.
Từ đó, giúp lái xe giữ thăng bằng tốt hơn trong khi phanh hay qua các khúc cua, đường dốc, đồng thời góp phần làm giảm lực cản gió do cơ thể tạo ra khi đang lái xe.
Cánh tay, vai
Theo các chuyên gia đào tạo lái xe an toàn, người lái nên thả lỏng phần ngực, vai và hai cánh tay khi cầm lái. Tạo sự thoải mái, linh hoạt cho phần khuỷu tay để thuận tiện hơn khi đánh lái.
Bởi nếu người lái gồng cứng cánh tay, sẽ cảm thấy rất mỏi mệt khi lái xe nhất là trên những cung đường dài, thao tác đánh lái cũng mất đi độ linh hoạt, chính xác khi đánh lái điều khiển chiếc xe tránh chướng ngại vật hay vào cua.
Tầm mắt quan sát
Yếu tố cuối cùng là việc sử dụng đôi mắt …Vì đôi mắt sẽ nhìn để quét tầm nhìn phía trước và gửi hình ảnh tới não bộ để đưa ra các xử lý phù hợp cho cơ thể hoặc theo bản năng.
Một lưu ý khi quan sát đó là không hướng tầm mắt xuống mặt đường vì điều này sẽ gây ra sự chóng mặt, nhất là khi di chuyển vào các cung đường nhiều đoạn cua. Thay vì đó hãy hướng tầm mắt lên ngang mặt đường, hơi chếch lên trên và nhìn theo hướng di chuyển sẽ an toàn hơn.
Sử dụng côn và phanh
Việc sử dụng 2 ngón hay cả 4 ngón tay để bóp côn và phanh luôn là một thắc mắc với những người sử dụng mô tô phân khối lớn.
Theo các huấn luyện viên, người lái mô tô phân khối lớn nên sử dụng tối thiểu 2 ngón tay, thường là ngón trỏ và ngón giữa để cắt côn và bóp càng phanh. Bởi hai ngón tay này tạo ra lực tốt nhất so với các ngón còn lại trên bàn tay.
Bên cạnh đó, trong khi lái xe, người lái nên đặt ngón trỏ và ngón giữa lên tay phanh (phanh trước). Điều này sẽ giúp rút ngắn thời gian phản ứng khi cần sử dụng đến phanh tay.
Trong thực tế, khi lái xe với tốc độ cao và gặp tình huống bất ngờ, chỉ cần trong một giây, lái xe không tác động lên phanh cũng đủ để tạo ra cách biệt khá lớn về quảng đường từ khi phanh đến khi xe dừng hẳn.
Khi lái xe với tốc độ chậm, nhất là trong các khu đô thị, đông dân cư, nên sử dụng phanh sau (rà phanh) để giúp chiếc xe ổn định mà không làm mất vận tốc của xe.
Kỹ năng dựng xe khi xe bị đổ
Thông thường, người điều khiển xe 2 bánh sẽ nắm lấy ghi-đông của chiếc xe để dựng lên. Tuy nhiên, cách này sẽ khiến cho cột sống bị tổn thương và rất khó để nâng những chiếc mô tô phân khối lớn nặng hàng trăm kg.
Thay vào đó, nên dựng xe với đùi tựa vào bình xăng hoặc lưng tựa vào xe, dùng hai chân tạo lực để nâng chiếc xe lên.