Theo thông lệ, sau khi kết thúc kỳ nghỉ Tết, thị trường xe cũ sẽ vận hành trở lại như các ngành nghề khác, nhưng có giá bán “dễ chịu” hơn so với trước Tết. Tuy nhiên, do nhiều xe được tận dụng cho thuê tự lái nên không tránh khỏi sẽ có rủi ro hư hại, vì thế người mua cần phải kiểm tra kỹ.

Để quan sát và đưa ra được nhận định cơ bản về chiếc xe đã qua sử dụng, dưới đây là lời khuyên của các chuyên gia xe cũ về các chi tiết mà người mua nên quan tâm.

1. Kiểm tra lốp: Chú ý gai lốp, rãnh lốp

Việc đầu tiên khi đi xem xe cũ nên là kiểm tra lốp bởi các thông số trên mặt lốp và tình trạng sử dụng sẽ cho biết phần nào thời gian sử dụng của chiếc xe.

huong dan cah xem nam san xuat lop o to bridgestone chinh xac 2.jpeg
Xem lốp cần lưu ý thời gian sản xuất.

Nên nhìn năm sản xuất in trên hông lốp. Thông thường, thông số năm sản xuất sẽ có 4 chữ số, 2 số đầu là tuần sản xuất và 2 số sau là năm sản xuất lốp xe.

Cần kiểm tra tiếp rãnh lốp và sờ phần gai lốp. Trung bình một chiếc xe đi khoảng 60.000km sẽ thay lốp, nếu gai lốp mòn quá nửa thì ước chừng số km đã đi khoảng 40.000km. Từ thông số này chúng ta so sánh với số ODO (đồng hồ công tơ mét) để có thêm dữ liệu so với lời quảng cáo của chủ xe.

2. Xem keo chỉ: Chú ý độ đàn hồi

Sau khi xem lốp để đánh giá tình trạng sử dụng cũng như độ tin cậy từ lời quảng cáo ODO của xem, tiếp theo người mua nên kiểm tra vị trí mép cánh cửa trước, sau, mép nắp ca-pô, cốp sau để thẩm định chất lượng keo chỉ.

Keo chỉ (sùng chỉ) là loại keo mà nhà sản xuất dán vào mép cánh cửa, nắp ca-pô, nắp cốp nhằm che vết hàn và tránh gỉ sét cũng như tạo thẩm mỹ. Nếu keo có độ đàn hồi kém, có vết rạn hoặc nứt bất thường, ấn vào cứng, không có độ đàn hồi, chứng tỏ đã bị làm lại sau khi bị đâm va.

anh chup man hinh 2024 02 17 luc 060039.png
So sánh keo chỉ ở khu vực mép nắp ca-pô. Ảnh: Toyota Mỹ Đình.

3. Xem sơn hông: Chú ý độ ngả màu

Ngoài việc sờ nắn, qua mắt thường quan sát, nhất là với xe có nước sơn sáng màu như trắng, dễ thấy keo chỉ theo thời gian sẽ ngả màu vàng. Nếu đã làm làm lại sẽ có màu mới, hay có vết hoặc không thẳng hàng.

W-anh-chup-man-hinh-2024-02-17-luc-054457-2.png
Lớp sơn cuối cùng bên hông phản ánh phần nào quá khứ chiếc xe.

Một chi tiết đáng xem nữa là phần sơn hông. Thông thường ở bên hông xe gần góc gấp với gầm xe sẽ là một dải sơn hơi gồ ghề kéo dài. Nếu chiếc xe đã va chạm hoặc sơn lại thì không còn giữ được màu hơi ố so với nền còn lại.

4. Kiểm tra ốc vít: Chú ý vết xước

Ốc vít ở các vị trí dễ va chạm thân vỏ nhất (cánh cửa, nắp ca-pô, cửa cốp) cần được ưu tiên kiểm tra. Tình trạng bề mặt thân ốc sẽ cho biết xe đã từng tháo sửa chữa hay không.

Con ốc còn nguyên bản sẽ không có vết xước, sơn đều màu, sơn tĩnh điện nên có độ bền khi cạo thử bằng móng tay. Nếu đã vặn ốc sẽ có vết, những vị trí xước, sơn lại sẽ bị lộ vì độ bám sơn phun sẽ khó bằng sơn tĩnh điện từ nhà máy. Thường cách kiểm tra này chỉ đánh giá với xe có thời gian xuất xưởng ít năm, riêng xe đã nhiều tuổi nếu ốc còn sáng màu cũng nên đặt nghi vấn.

cach nhan biet oc vit o to da thao.jpeg

Bên cạnh đó, nhiều người truyền tai nhau cách kiểm tra ốc dựa trên vệt sơn đánh dấu của nhà sản xuất, nếu các vệt thẳng hàng là xe nguyên bản. Tuy nhiên, cách này không hoàn toàn chính xác bởi vệt sơn này chỉ có tác dụng đánh dấu để xác định độ lệch cho khâu kiểm tra cuối cùng ở nhà máy. Theo thời gian, con ốc có thể bị dơ và vết sơn không thẳng hàng hoặc dễ dàng được sơn lại.

5. Xem động cơ: Chú ý vị trí bu lông, ốc vít

Với xe dưới 5 năm, gần như động cơ sẽ là nguyên bản ít khi phải sửa chữa. Do đó, người mua sẽ cần phải kiểm tra các chi tiết xung quanh cụm máy để chứng minh chiếc xe chưa bị tác động tháo sửa.

Một cách dễ để kiểm tra là xem các bu lông, ốc vít mặt máy. Tương tự cách kiểm tra ốc vít thân vỏ. Một khi máy đã tháo, không còn nguyên bản thì những con ốc sẽ để lại dấu vết. Tuy nhiên, ốc dàn đầu bị tháo có thể chỉ là xử lý gioăng mặt máy do sự cố thấm dầu hoặc thổi gioăng, chưa phải lỗi nặng nhất thủy kích, nên để biết xe đã làm lại máy chưa sẽ cần kiểm tra cả các họng hút, và những con ốc ở dưới sâu hơn trong buồng máy.

kiem tra diem rut keo nguyen ban mat may xe o to.jpeg
Hình ảnh chi tiết keo mặt máy với ô tô chưa từng mở máy. (Ảnh iCar)

Những con ốc ở họng hút, cổ hút và những con ốc nằm sâu bên dưới thông thường sự cố nhẹ sẽ không ai tháo những con ốc này, nên chỉ khi phải xử lý tháo động cơ mới bị tác động. Do những con ốc này thường ở vị trí tối, nên có thể dùng điện thoại, bật camera và đèn flash để soi và phóng to hình để nhìn những con ốc này để quan sát kỹ hơn.

Bên cạnh đó, kiểm tra đường keo mặt máy cũng có thể phát hiện máy đã tháo. Nếu thợ làm lại, cũng phải gắn keo nhưng sẽ có keo thừa dọc theo đường tiếp giáp, rất khó tạo đường keo phẳng như ở nhà máy.

6. Xem nội thất: Chú ý độ mòn bề mặt

Xem nội thất là khâu cuối cùng mang tính chất định giá xe “đẹp” đối với ô tô chạy “lướt” hoặc năm tuổi ít. Một chiếc xe ít sử dụng thì chất lượng bề mặt ghế, bệ trung tâm, cần số, vách cửa sẽ gần như mới. Do đó, dựa vào mắt quan sát cũng như sờ bằng tay để đánh giá mức độ mài mòn bề mặt chi tiết nội thất, có thể phần nào chấm điểm được cho chiếc xe.

W-z5122617772150-5ccdca438133c9aa2b05ee75f908ff2a-2.jpg
Kiểm tra bề mặt nội thất giúp đánh giá được tình trạng sử dụng cũng như điểm số “đẹp” cho chiếc xe.

Với xe dùng nhiều, có nếp nhăn trên bề mặt ghế da, trần nỉ bẩn, mặt ốp nhựa bị xước, vô-lăng mòn lớp da bọc,…sẽ phải tốn thêm một khoản chi phí để phục hồi. Mặc dù nội thất không thể đánh giá điểm số lớn cho tổng thể chất lượng chiếc xe, nhưng có thể giúp người mua đàm phán thêm giá với người bán.