Với việc Thông tư 43/2023 quy định về cải tạo xe cơ giới có hiệu lực từ ngày 15/2, nhiều chủ xe phấn khởi vì không cần phải đưa xe về “zin” mỗi khi đi đăng kiểm, tuy nhiên, các trung tâm đăng kiểm khuyến cáo, chủ xe cần hiểu rõ quy định để tránh bị trượt kiểm định.
“Độ” tiện nghi nhưng không làm thay đổi kết cấu xe
Từ ngày 15/2, Thông tư 43/2023/TT-BGTVT chính thức có hiệu lực. Nhiều chủ xe ô tô tỏ ra phấn khởi, đồng tình trước nhiều quy định mới, đặc biệt với những người thích trang trí cho “xế cưng”.
Đa số người dân cho rằng việc làm đẹp, tăng tiện nghi cho xe mà không ảnh hưởng đến an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện không nên bị cấm.
Đơn cử như việc lắp thêm các tấm ốp, miếng nhựa trên giá nóc, cánh lướt gió chỉ mang tính thẩm mỹ. Còn lắp bậc bước chân đối với xe gầm cao không làm thay đổi kích thước xe nhưng lại giúp người có vóc dáng nhỏ dễ dàng bước lên xe. Đèn sương mù dạng rời có thể giúp các dòng xe tải di chuyển an toàn hơn trong thời tiết sương mù…
Lãnh đạo một trung tâm đăng kiểm ở
Các trường hợp này bao gồm: thay đổi cửa lên xuống khoang hành khách, không gồm thay đổi vị trí và kích thước cửa; thay đổi một số kết cấu thùng chở hàng như bịt kín, thay đổi kết cấu cánh cửa thùng hàng; thay thế tôn bọc dạng phẳng thành dạng sóng hoặc ngược lại; bọc thêm tôn phần khung mui của xe mui phủ không làm tăng chiều cao thành thùng hàng; lắp thêm hoặc tháo bỏ nắp chắn bụi cho thùng chở hàng của xe ô tô tải tự đổ…
Tuy nhiên, lãnh đạo trung tâm đăng kiểm này lưu ý, đối với thay đổi cửa lên xuống khoang hành khách có thể thay đổi từ cửa đơn sang cửa gập, thay đổi cơ cấu đóng cửa bằng tay sang tự động nhưng phải đảm bảo khi ngắt trạng thái đóng cửa tự động vẫn có thể đóng, mở bằng tay.
Đối với các thay đổi chi tiết, bộ phận thân vỏ phải là tuỳ chọn của nhà sản xuất và phải được áp dụng cùng thời điểm, cùng năm sản xuất, không lựa chọn tuỳ chọn mà làm thay đổi đời xe. Trường hợp thay đổi các chi tiết, bộ phận thân vỏ để lên đời xe cần phải lập hồ sơ cải tạo và phải được nghiệm thu, cấp giấy chứng nhận đăng kiểm mới.
“Độ” đèn ra sao để không trượt đăng kiểm?
Thông tư 43/2023 cũng quy định một số trường hợp “độ” đèn nhưng không được coi là cải tạo xe. Ông Trần Quốc Hoan, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Đăng kiểm 2903V cho biết, quy định mới tạo sự thuận lợi cho chủ phương tiện, song cũng nâng trách nhiệm của chủ xe trong việc lựa chọn loại đèn có nguồn xuất xứ rõ ràng, sử dụng loại đèn phù hợp với thiết kế của xe.
“Hiện nay, trên thị trường có khá nhiều các cơ sở buôn bán, cung cấp đèn xe không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng đèn, kéo theo tình trạng lắp đặt tùy tiện. Quy định mới góp phần kiểm soát, hạn chế việc ”độ” đèn ngay từ khâu cung cấp và lắp đặt cho phương tiện”, ông Hoan nói thêm.
Tuy nhiên, chủ xe cần lưu ý một số điều kiện để được đơn vị đăng kiểm chấp thuận khi đưa xe đi kiểm định sau “độ” đèn.
Trong đó, cụm đèn chiếu sáng phía trước phải kèm theo tem hoặc giấy chứng nhận hợp quy để chứng minh chất lượng và nguồn gốc xuất xứ. Đơn vị đăng kiểm sẽ chỉ chấp thuận cụm đèn thay thế đã được chứng nhận hoặc công bố hợp quy theo QCVN 35:2017/BGTVT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đặc tính quang học đèn chiếu sáng phía trước của phương tiện giao thông cơ giới
”Tem hợp quy được dán trên đèn và có giấy tờ kèm theo. Khi mua đèn, cơ sở cung cấp có trách nhiệm cấp cho người mua chứng từ này. Chủ xe khi thay đèn cần giữ giấy tờ này để cung cấp cho trung tâm đăng kiểm. Nếu không có sẽ được coi là hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc”, ông Hoan nói.
Đối với trường hợp thay thế bóng đèn, cho phép thay thế bóng đèn kiểu loại khác với thiết kế của xe nhưng công suất phải tương đương và không cần thay đổi kết cấu cụm đèn vẫn thay được bóng.
Đối với đèn sương mù, chỉ được lắp dạng rời, số lượng tối đa 2 chiếc, chỉ được dùng màu trắng hoặc vàng. Đèn sương mù lắp phía đầu xe, bên dưới đèn chiếu sáng và đối xứng với nhau; vị trí đèn tính từ mép ngoài cùng của xe không quá 40cm và không thấp hơn 25cm. Công tắc bật, tắt đèn sương mù phải độc lập với đèn chiếu sáng phía trước.
Ngoài ra, theo ông Hoan, đèn sương mù phải được lắp đặt để đảm bảo chùm ánh sáng không hắt lên phía trên, mà phải nằm bên dưới đường nằm ngang (có thể xác định ước chừng hoặc máy kiểm tra đèn) mới được đơn vị đăng kiểm chấp thuận, xác nhận sự phù hợp của đèn.