Chính phủ bỏ đề xuất lực lượng CSGT được trích tối thiểu 70% khoản tiền xử phạt vi phạm hành chính sau khi nộp vào ngân sách Nhà nước.
Đó là nội dung đáng chú ý tại dự thảo Luật Trật tự, An toàn giao thông đường bộ sẽ được thảo luận tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách diễn ra từ 26 – 28/3.
Trước đó, khi trình tại phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tại khoản 1, điều 5 dự thảo Luật Trật tự, An toàn giao thông đường bộ quy định: “Lực lượng CSGT được trích không thấp hơn 70% khoản tiền xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ sau khi nộp vào ngân sách Nhà nước và không thấp hơn 30% khoản tiền thu được từ đấu giá biển số xe sau khi nộp vào ngân sách Trung ương theo quy định của pháp luật để phục vụ công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, tăng cường cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị, hiện đại hóa lực lượng CSGT“.
Tuy nhiên, tại dự thảo luật mới nhất, Chính phủ đã bỏ đề xuất này.
Theo đó, khoản 1 điều 5 dự thảo luật chỉ còn quy định: “Huy động, sử dụng các nguồn lực để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; bảo đảm ngân sách, cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị hiện đại, các điều kiện bảo đảm và nâng cao năng lực thực thi nhiệm vụ của lực lượng trực tiếp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ“.
Tại phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngày 15/3, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, đây là đề xuất mới tại dự thảo và Chính phủ phải có báo cáo tác động đến ngân sách Nhà nước, tính phù hợp với các luật có liên quan.
“Luật xử phạt vi phạm hành chính quy định rất rõ, tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính phải nộp toàn bộ vào ngân sách Nhà nước và được quản lý đúng quy định về ngân sách Nhà nước“, ông Hoàng Thanh Tùng nói.
“Tôi cho rằng nếu theo dự thảo luật thì không thống nhất với quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Tiếp đến là chúng ta có rất nhiều đối tượng xử phạt vi phạm hành chính, tại sao mỗi lĩnh vực này trích 70%, các lĩnh vực khác thì không có quy định trích? Chỗ này cần phải làm rõ“, ông Hoàng Thanh Tùng đặt vấn đề và đề nghị nên thiết kế nguyên tắc chung về chính sách như dự thảo luật mà Chính phủ trình tại Kỳ họp thứ 6.
Liên quan đến quy định trích lại không thấp hơn 30% khoản tiền thu được từ đấu giá biển số xe sau khi nộp vào ngân sách Trung ương, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng nhận xét đây là quy định mới so với dự thảo Chính phủ trình tại Kỳ họp thứ 6 và mới so với Nghị quyết 73 của Quốc hội về thí điểm đấu giá biển số xe. Quy định này cũng không phù hợp với Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
Ông Hoàng Thanh Tùng phân tích, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công quy định toàn bộ số tiền xử lý tài sản công (biển số xe là tài sản công) được nộp vào tài khoản tạm giữ tại kho bạc Nhà nước, sau khi trừ đi chi phí có liên quan đến xử lý tài sản, phần còn lại phải được nộp toàn bộ vào ngân sách Nhà nước.
Cũng theo ông Hoàng Thanh Tùng, tại Điều 37 dự thảo luật này (quy định về đấu giá biển số xe) cũng quy định khác.
Cụ thể, khoản 10 điều 37 quy định: “Số tiền thu được từ đấu giá biển số xe sau khi trừ các khoản chi phí tổ chức đấu giá, chi phí quảng cáo, chi phí quản trị hệ thống đấu giá và chi phí khác được nộp vào ngân sách Trung ương theo quy định của pháp luật về ngân sách Nhà nước“.
“Nếu đưa chính sách trích lại 30% vào Điều 5 cũng không thống nhất trong nội tại dự thảo, không thống nhất với chính sách chung và các luật có liên quan. Chúng tôi đề nghị phải giải trình làm rõ hơn, theo tinh thần nên như dự thảo luật mà Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6“, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nói thêm.