Để làm sạch lòng non, việc rửa bằng nước lã là chưa đủ. Muốn loại bỏ hoàn toàn chất bẩn và mùi hôi, bạn hãy làm theo cách dưới đây.
Khi đi mua lòng non, bạn nên chọn những bộ lòng có độ dày vừa phải, lòng mềm, bóp nhẹ thấy dịch màu trắng chảy ra. Nếu thấy lòng có dịch màu vàng thì đây là loại không ngon, nấu lên ăn sẽ bị đắng.
Lòng non kép sẽ có hai lớp mỏng phủ bên ngoài. Loại này nấu chín sẽ mềm và ngon hơn. Tuy nhiên, lòng non kép khá hiếm. Nếu muốn mua, bạn nên đi chợ sớm hoặc đặt hàng trước.
Khâu sơ chế lòng non có vai trò vô cùng quan trọng. Để lòng được sạch, không còn mùi hôi, bạn có thể làm theo cách sau.
Ngâm rửa với muối
Muối là nguyên liệu đơn giản nhất giúp làm sạch lòng non. Muối có khả năng loại bỏ cặn bẩn, hút và khử mùi hôi.
Đầu tiên, bạn cần chuẩn bị một chậu nước (lượng nước đủ để ngâm bộ lòng). Thêm muối vào nước và khuấy đều cho tan. Bỏ lòng non vào ngâm trong nước này khoảng 15-30 phút rồi lấy ra và rửa lại bằng nước sạch. Trong quá trình rửa, hãy bóp nhẹ nhàng để loại bỏ các chất bẩn bên trong lòng. Xả nước vào bên trong lòng để các chất bẩn trôi ra ngoài.
Cách đơn giản nhất để làm sạch lòng non là rửa với muối.
Sử dụng muối và giấm
Lộn ngược lòng non để loại bỏ chất nhầy bên trong. Có thể dùng một nhánh gừng để đẩy chất nhầy ra bên ngoài hoặc dùng dao cạo nhẹ. Sau đó, cho muối và giấm vào bóp đều để làm sạch. Rửa lại lòng non bằng nước sạch. Lưu ý, không bóp quá mạnh và quá lâu làm lòng non bị dai.
Sử dụng chanh và muối
Cách này tương tự với cách sử dụng giấm và muối. Sau khi lộn ngược và làm sạch bên trong lòng non, bạn hãy cho chanh và muối vào để bóp đều giúp loại bỏ nhớt và khử mùi của lòng non. Muối có tác dụng diệt khuẩn, tăng độ ma sát giúp làm sạch các cặn bẩn. Chanh có tính axit giúp làm sạch và khử mùi hôi rất tốt.
Sau đó, rửa lại lòng non với nước sạch.
Dùng nước sôi để chần nhanh bộ lòng. Sau đó, vớt lòng ra và ngâm vào chậu nước lạnh. Dùng tay vuốt lại một lần nước để loại bỏ các cặn bẩn bên trong lòng lợn. Rửa lại bộ lòng bằng nước sạch và để ráo trước khi chế biến.
Sử dụng bột mì và chanh
Bột mì và chanh sẽ giúp hút sạch nhớt, cặn bẩn và khử mùi hôi của lòng non. Cũng tương tự như cách trên, bạn hãy lộn nước lòng non và cạo bớt chất nhầy bên trong. Sau đó, cho một ít bột mì và muối hạt vào bóp đều với lòng non. Rửa lại với nước sạch cho các cặn bẩn được rửa trôi.
Cuối cùng, dùng chanh chà đều để làm sạch và khử mùi hôi của lòng non rồi rửa lại bằng nước sạch.
Một số lưu ý khi chế biến món ăn từ lòng non
Việc muối giúp loại bỏ mùi hôi và cặn bẩn trong lòng non. Tuy nhiên, không nên bóp muối quá lâu và tuốt lòng non quá kỹ khiến lòng sau khi nấu bị dai.
Để dễ sơ chế, bạn có thể cắt lòng thành những đoạn dài khoảng 30-35cm.
Với món lòng non luộc, bạn cần chờ nước trong nồi sôi, thêm gừng và sả đập dập rồi mới cho lòng vào nồi. Dùng đũa nhấn cho lòng chìm hoàn toàn trong nước và luộc trong khoảng 2 phút. Vớt lòng ra và ngâm ngay vào bát nước đá cho nguội. Nồi nước luộc vẫn để lửa nhỏ để luộc tiếp. Khi lòng đã nguội thì vớt ra và cho vào nồi luộc thêm 1 phút (tính từ khi nước sôi). Sau đó lại vớt lòng ra ngâm vào trong bát nước đá. Làm cách này sẽ giúp lòng lợn chín tới, trắng giòn.