Vô-lăng bị khóa là hiện tượng có thể xảy ra trong quá trình sử dụng ô tô và vấn đề này được xử lý dễ dàng nếu nắm vững nguyên nhân.
Theo kinh nghiệm của những tài xế lâu năm, vô-lăng bị khóa là tình trạng vô-lăng cứng lại, không thể xoay chuyển được. Tình huống này thường xuất hiện trên các dòng xe phổ thông mà rất nhiều lái mới hoang mang, không biết xử trí thế nào.
Không ít người mới sử dụng ô tô hốt hoảng gọi điện “cầu cứu” hoặc cố gắng xoay vô-lăng với mong muốn khôi phục lại như ban đầu dù xe vẫn đang tắt máy. Đó là những người chưa biết khóa vô-lăng là một tính năng do nhà sản xuất ô tô thiết kế để chống trộm.
Thực tế, khi ô tô tắt máy mà ai đó vẫn cố tình xoay vô-lăng thì sẽ bị khóa. Những xe sử dụng hệ thống lái trợ lực điện khi tắt máy, động cơ ngừng hoạt động, bơm dầu thủy lực hỗ trợ lái (bao gồm cả hỗ trợ phanh) sẽ không được cung cấp năng lượng nên tay lái bị nặng.
Vô-lăng bị khóa không gây hư hỏng, thiệt hại cho hệ thống lái và đây cũng không phải là lỗi mà chỉ là nguyên tắc hoạt động của một tính năng an toàn.
Cần nhớ rằng, khóa vô-lăng chỉ kích hoạt nếu xe tắt máy hoặc khi người điều khiển xoay vô-lăng vài độ sang trái hoặc sang phải khiến ổ khóa “bắt” vào khe khóa, khóa sập lại không cho quay thêm.
Có hai lý do để ô tô kích hoạt tính năng khóa vô-lăng. Thứ nhất, đây là một tính năng chống trộm, nếu nhận thấy có người đột nhập vào khoang lái và cố gắng điều khiển xe khi động cơ ngừng hoạt động, vô-lăng sẽ khóa theo một hướng.
Thứ hai, khi bạn đỗ xe trên dốc và để bánh quay về phía lề đường thì vô-lăng sẽ khóa để giữ cho xe không bị lao dốc nếu tài xế sơ ý.
Xử lý vô-lăng bị khóa thế nào?
Đối với những chiếc xe hơi sử dụng chìa khóa cơ, người điều khiển chỉ cần cắm chìa khóa vào ổ, sau đó lắc nhẹ vô-lăng.
Nếu không muốn vô-lăng bị khóa, trước khi dừng đỗ xe, tài xế cần kéo phanh tay, nhả vô-lăng thẳng và đưa cần số về vị trí P rồi tắt động cơ. Sau khi thực hiện những thao tác này, không chạm vào vô-lăng cho đến khi khởi động lại động cơ.