Khi hoàn thành, siêu dự án Đường sắt bờ Đông (ECRL) được kỳ vọng sẽ thay đổi tình hình giao thông vận tải tại Malaysia và mang lại lợi ích kinh tế to lớn.
Siêu dự án đường sắt dài 665km
Siêu dự án Đường sắt bờ Đông (East Coast Rail Link – ECRL) là một trong những dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn nhất của Malaysia. Đây là dự án hợp tác chiến lược giữa Malaysia và Trung Quốc, với sự tham gia sâu rộng từ các nhà thầu và công nghệ cao từ đất nước tỷ dân.
Đường sắt bờ Đông (East Coast Rail Link – ECRL). Ảnh minh họa
ECRL được khởi động nhằm kết nối khu vực phía Đông Malaysia (gồm Kelantan, Terengganu và Pahang) với khu vực phía Tây (Selangor, Kuala Lumpur), nơi tập trung các trung tâm kinh tế và công nghiệp lớn.
Dự án được kỳ vọng sẽ giảm bớt khoảng cách kinh tế giữa các khu vực và tạo ra việc làm mới. Nó cũng cung cấp một giải pháp vận tải hiệu quả, giảm tải cho hệ thống đường bộ hiện tại và giảm thời gian di chuyển giữa Kota Bharu và Ga Trung tâm Gombak xuống còn khoảng 4 giờ.
Ngoài ra, siêu dự án hướng tới mục tiêu tăng cường vai trò của Malaysia như một trung tâm logistics khu vực, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi hơn cho thương mại và đầu tư.
Theo Rail Technology, siêu dự án dự kiến sẽ tạo ra số việc làm trị giá 17,6 tỷ RM (4,2 tỷ USD) trong quá trình xây dựng.
Được biết, tuyến ECRL dài khoảng 665km; tàu chở khách đạt tốc độ tối đa 160 km/h, trong khi tàu hàng đạt 80km/h. Nó gồm 20 ga, gồm các ga chở khách và hàng hóa.
Tuyến sẽ có 40 đường hầm, bao gồm đường hầm Kuantan dài 2,8km, đường hầm Paka dài 1,1km và đường hầm Dungun dài 871m. Đường hầm dài nhất, dài 7km, sẽ được xây dựng tại khu vực Jelebu-Semenyih.
Hợp tác và sử dụng công nghệ cao Trung Quốc
Được biết, trước đây, Nhật Bản từng hỗ trợ Malaysia trong việc phát triển hệ thống tàu điện ngầm MRT (Mass Rapid Transit) tại Kuala Lumpur, đặc biệt là trong các giai đoạn thiết kế và ứng dụng công nghệ.
Còn đối với dự án Đường sắt bờ Đông (ECRL), nó thuộc sở hữu của Malaysia Rail Link (MRL), một công ty con thuộc Bộ Tài chính nước này và China Communications Construction – nhà thầu chịu trách nhiệm về kỹ thuật và xây dựng cho dự án.
ECRL là một phần trong sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc, đồng thời là một mắt xích quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế của Malaysia.
Dự án đã sử dụng công nghệ đường sắt tiên tiến từ Trung Quốc, bao gồm hệ thống tín hiệu, hạ tầng đường ray và thiết bị vận hành. Các phương pháp đào hầm hiện đại cũng giúp quá trình xây dựng tại các địa hình phức tạp trở nên dễ dàng hơn.
Dự án sử dụng công nghệ đường sắt tiên tiến từ Trung Quốc. Ảnh minh họa
Theo Rail Technology, 6 đầu máy chạy bằng diesel đã được chuyển từ Trung Quốc sang Malaysia vào cuối tháng 10/2023 để phục vụ cho việc hỗ trợ vận chuyển vật liệu xây dựng trong dự án ECRL. Mỗi đầu máy dài 22m và có khả năng đạt tốc độ tối đa 100km/h.
Vai trò của các đầu máy này là vận chuyển các vật liệu như thép, bê tông, đường ray, hoặc các trang thiết bị cần thiết đến các khu vực thi công của dự án, đảm bảo tiến độ xây dựng nhanh chóng và hiệu quả hơn.
Tiến trình thực hiện
ECRL bắt đầu được khởi công vào năm 2017, sau đó đã tạm ngừng để tái đàm phán điều kiện với Trung Quốc nhằm giảm chi phí. Dự án được khởi động lại vào năm 2019 với một số điều chỉnh về tuyến đường và ngân sách.
Bộ trưởng Giao thông Anthony Loke cho biết chi phí của dự án dự kiến ở mức 50,27 tỷ RM (ước tính hơn 11 tỷ USD).
“Toàn bộ dự án ECRL dự kiến sẽ hoàn thành toàn bộ vào tháng 7/2025 và người dân có thể sử dụng tuyến đường này để đi từ Kelantan đến Kuala Lumpur vào năm 2027”, Giám đốc Sở Công trình Công cộng Kelantan Nik Soh Yaacoub cho biết.
Khi hoàn thành, ECRL được kỳ vọng sẽ thay đổi tình hình giao thông vận tải tại Malaysia và mang lại lợi ích kinh tế to lớn.
Tham khảo Rail Technology, The Sun, Tunnels and Tunnelling, NST