Nhiều người khi tham gia giao thông thường có thói quen sử dụng điện thoại để nghe gọi, nhắn tin, lướt facebook, xem tin tức,… Tuy nhiên, đây là một hành vi rất nguy hiểm và dễ gây ra tai nạn giao thông.
Vậy pháp luật hiện nay quy định như thế nào về các mức phạt do lỗi sử dụng điện thoại khi tham gia giao thông? Mời bạn đọc cùng VIETMAP tìm hiểu ngay trong bài viết dưới đây.
I. Thế nào là lỗi do sử dụng điện thoại khi tham gia giao thông?
Lỗi vi phạm khi sử dụng điện thoại tham gia giao thông là hành vi vừa điều khiển phương tiện di chuyển vừa sử dụng điện thoại cho các mục đích như: nghe điện thoại, gọi điện, nghe nhạc,…
Việc làm này sẽ khiến cho người điều khiển phương tiện xe máy, ô tô,… mất tập trung và không để ý tín hiệu của các phương tiện khác. Bên cạnh đó, việc sử dụng điện thoại khi lái xe sẽ không đảm bảo an toàn vì người lái chỉ có thể dùng một tay để điều khiển phương tiện.
Hành vi vi phạm này được quy định tại Điểm a Khoản 4 Điều 5, Điểm h Khoản 4 Điều 6, Điểm h Khoản 1 Điều 8 của Nghị định 100/2019/NĐ-CP và được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP.
II. Mức phạt do lỗi sử dụng điện thoại trong khi điều khiển xe ô tô
Theo điểm a tại khoản 4 và điểm b, điểm c tại khoản 11 Điều 5 thuộc Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung tại điểm c, điểm d thuộc khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP) có quy định rõ ràng về mức phạt về hành vi sử dụng điện thoại khi đang lái xe, cụ thể như sau:
– Người có hành vi vừa sử dụng điện thoại vừa điều khiển xe ô tô hay các loại xe tương tự như xe tô tô chạy trên đường có thể bị phạt tiền từ 2.000.000 VNĐ – 3.000.000 VNĐ.
– Ngoài bị phạt với số tiền như trên, người điều khiển xe ô tô hay các loại xe tương tự như xe ô tô khi thực hiện hành vi phạm lỗi này còn có thể bị áp dụng một số hình thức xử phạt bổ sung như:
Bị tước bỏ quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 – 03 tháng
Bị tước bỏ quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 – 04 tháng nếu người điều khiển phương tiện di chuyển là ô tô, thực hiện hành vi vi phạm và gây ra tai nạn giao thông
III. Mức phạt lỗi do dùng điện thoại trong khi điều khiển xe gắn máy
Theo điểm h của khoản 4 và điểm b, điểm c của khoản 10 tại Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (đã sửa đổi, bổ sung tại điểm g của khoản 34 và điểm c của khoản 35 tại Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP) có đưa ra các mức phạt rõ ràng đối với người có hành vi vừa sử dụng điện thoại vừa lái xe máy như sau:
– Đối với người có hành vi vừa sử dụng điện thoại di động, các thiết bị âm thanh (trừ thiết bị trợ thính) vừa điều khiển các loại xe như xe mô tô, xe gắn máy, kể cả xe máy điện hoặc các loại xe tương tự như xe mô tô và các loại xe tương tự như xe gắn máy sẽ bị phạt tiền từ 800.000 VNĐ đến 1.000.000 VNĐ.
– Ngoài việc phải chịu mức phạt tiền như trên, khi người điều khiển xe mô tô hay xe gắn máy (kể cả xe máy điện) hay các loại xe tương tự như xe mô tô, xe gắn máy vi phạm lỗi trên còn có thể bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung dưới đây:
Người điều khiển phương tiện sẽ có thể bị bỏ tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 – 03 tháng.
Người điều khiển phương tiện sẽ có thể bị tước bỏ quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 – 04 tháng nếu người lái xe thực hiện hành vi vi phạm và gây ra tai nạn giao thông.
IV. Mức phạt do dùng điện thoại khi điều khiển xe đạp, xe đạp điện
Người điều khiển xe đạp, xe đạp điện sẽ bị phạt tiền từ 80.000 VNĐ – 100.000 VNĐ nếu vừa lái xe vừa sử dụng điện thoại di động (theo điểm h khoản 1 Điều 8 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).
V. Dừng xe để sử dụng điện thoại có bị phạt không?
Trong pháp luật chỉ quy định các hành vi sử dụng điện thoại di động trong quá trình lái xe sẽ bị xử phạt. Chính vì thế, khi đang lưu thông trên đường mà có điện thoại gọi đến, bạn có thể cho xe vào lề đường để nghe điện thoại mà không lo bị phạt. Đây là một hành vi văn minh, được pháp luật cho phép nhằm đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông.
VI. Khi nào áp dụng hình phạt bổ sung đối với hành vi vừa lái xe vừa dùng điện thoại?
Đối với các hình thức phạt bổ sung sẽ được áp dụng cho những trường hợp người dùng điện thoại có nguy cơ gây ra tai nạn giao thông.
Ngoài ra, đối với người bị xử phạt nhưng tái phạm hay tái phạm nhiều lần hoặc gây ra tai nạn giao thông cũng sẽ bị xử phạt thêm các hình phạt bổ sung theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP.
Như vậy, bài viết trên đây đã giải đáp các thắc mắc về mức phạt lỗi do sử dụng điện thoại khi tham gia giao thông. Hy vọng VIETMAP sẽ giúp bạn đọc có thêm nhiều kiến thức hữu ích để điều khiển phương tiện thêm an toàn và đúng luật.