Trong giang hồ, phàm những người được mang hình xăm đại bàng đều thuộc hàng cao thủ, chỉ một cái quắc mắt cũng đủ khiến người khác phải nể sợ, kiêng dè.
Muốn xăm đại bàng phải mang án tích
Với 7 năm thụ án ở trại giam Văn Hòa, Chiến “bò” đã tình cờ học và trở thành thợ xăm mình cho cánh tù nhân. Cũng chính thời gian đó, Chiến “bò” đã hoàn thành hàng trăm tác phẩm xăm trổ tài tình trên cơ thể bạn tù. Trong đó, xét vai vế giang hồ, không ít người được xếp vào hàng đại ca, tiền án tiền sự kể hàng đêm không hết.
Mặc dù ra trại đã lâu, vẻ mặt cũng như cách nói chuyện của Chiến “bò” vẫn mang chút dáng dấp của một tên ngáo đá do từng có một thời gian dài nghiện ma túy. Nói về công việc yêu thích của mình trong trại giam, Chiến “bò” cho biết: “Xăm mình trong giới giang hồ rất khác so với trào lưu xăm mình đang nở rộ trong giới trẻ ngày nay”.
Theo lời kể của gã cựu tù nhân lém lỉnh này thì trước đây, hầu hết hình xăm của giới giang hồ đều được thực hiện trong trại giam chứ không trở thành trào lưu và mang tính thương mại như bây giờ.
Điều quan trọng là không phải ai thích xăm hình gì cũng được. Tất cả đều phải tuân thủ theo luật lệ của thế giới ngầm, có trên dưới, lớn bé, có tôn ti, trật tự. Kẻ nào dám phá luật coi như cầm chắc cái chết hoặc sống mà không bằng chết.
Trong vô số các hình xăm thì đại bàng là một trong hai biểu tượng thiêng liêng nhất, quyền lực nhất, chỉ những tay anh chị đã nổi danh trong giới giang hồ mới có quyền chọn lựa. Bản thân Chiến “bò” là một thợ xăm cũng phải cân nhắc kỹ lưỡng trước khi nhận xăm hình đại bàng cho ai đó.
Nếu kẻ được xăm không xứng đáng với hình xăm mà y chọn lựa thì cả thợ xăm cũng như người được xăm sẽ phải đối đầu với vô số phiền phức, nhẹ thì bị đánh nhừ tử, nặng thì đầu rơi máu chảy, thê thảm hơn thì bị đốt nhựa nilon nóng chảy rồi nhỏ vào bộ phận sinh dục… Vậy mới nói luật giang hồ còn man rợ hơn cả luật thời trung cổ.
Đó là lý do rất ít người mang hình xăm đại bàng. Và phàm đã xăm đại bàng tất không phải hàng sĩ, tốt. “Tất nhiên, đó là nói thời xưa, khi xăm mình dường như chỉ tồn tại trong giới đao búa như một thông điệp của quyền lực. Còn hiện nay, chỉ cần có tiền thì muốn xăm giời xăm đất gì cũng được!” – Chiến “bò” nói.
Tay thợ xăm “ngáo đá” này cho hay: “Những phạm nhân mới vào, nếu xăm đại bàng trên người sẽ xảy ra hai trường hợp. Với đám giang hồ vặt, cho tiền cũng không dám nhìn trộm vì biết kẻ đó chắc chắn hơn cơ mình, chẳng dại chuốc vạ vào thân. Ngược lại, mấy tên anh chị có vai vế sẽ phủ đầu ngay bằng vài màn nắn gân hạng nặng xem phạm mới bản lĩnh ra sao, gan to thế nào mà dám vẽ… chim lên người”.
Thực tế, không ít kẻ bản lĩnh gà con nhưng lại thích tỏ ra nguy hiểm, không chịu cứ là “bàn thờ, bát nhang hay đầu lâu xương chéo” cho an phận lại muốn phải là rồng, hổ, đại bàng cho sang cho sướng để rồi bị đánh trọng thương vì phạm thượng. Chết vì luật rừng là cái chết chẳng lấy gì làm dễ chịu nhưng nhiều kẻ vẫn chết mà chẳng hiểu tại sao.
Còn nhớ vụ đầu gấu Minh “con” bị đại ca Hà “khỉ” xử đẹp trong trại T16 chỉ vì chưa có vai vế gì to tát đã dám “phang” con đại bàng to tổ chảng lên ngực. Sau trận đòn chí mạng của đàn anh về tội hỗn hào, đại bàng tung cánh của Minh “con” chẳng may đã chỉ còn là đại bàng xõa cánh. Đó cũng là bài học trong giới giang hồ về việc tuân thủ những quy luật ngầm được tạo ra bởi tội ác và tham vọng quyền lực.
Số phận những ông trùm thích làm “vua”
Đã xăm mình cho vô số tù nhân, Chiến “bò” tỏ ra rất hào hứng khi lý giải lý do vì sao chỉ những tay anh chị có địa vị tối thượng trong chốn giang hồ mới được xăm đại bàng.
“Đại bàng có đôi mắt vô địch về sự tinh nhanh, có thể quan sát toàn đại cục. Những móng vuốt sắc nhọn của nó là thứ vũ khí siêu đẳng không gì có thể chống lại được sức mạnh của nó. Trước khi triệt hạ con mồi, đại bàng luôn tính toán vô cùng kỹ lưỡng, một khi đã ra đòn thì không con mồi nào có thể thoát khỏi móng vuốt của nó. Đó là lý do vì sao đại bàng được coi là vua của các loài chim, là bá chủ của bầu trời.” – Chiến “bò” giải thích.
Do đó, việc đại bàng được coi là biểu tượng cho quyền lực và sức mạnh là điều hoàn toàn dễ hiểu. Dân anh chị có địa vị cao trong giới giang hồ thường thích xăm đại bàng trong tư thế đang lao đến con mồi với tất cả sự dũng mãnh để thể hiện quyền lực, sức mạnh của mình.
Tùy theo sở thích của từng người mà đại bàng sẽ được thể hiện với các thế vồ mồi khác nhau. Tuy nhiên, theo Chiến “bò”, trái với quan niệm của nhiều người, đại bàng quyền uy nhất không phải là lúc phô trương sức mạnh mà chính là khi nó đang ở trong trạng thái tĩnh.
Đó là một đại bàng trong tư thế đứng trên quả địa cầu, một chân co, một chân duỗi, mắt đăm đăm quan sát. Điều đó có nghĩa là đại bàng đang nghỉ ngơi, không cần phải giơ nanh giơ vuốt trước con mồi bởi vì cả thế giới đã thuộc về nó rồi. Nhưng có lẽ, chưa có ông trùm giang hồ nào có được cả thế giới nên hình xăm này khá hiếm.
Theo Chiến “bò”, trong số những đại ca có hình xăm đại bàng, không thể không nhắc đến Hải Bánh (tên thật là Nguyễn Tuấn Hải). Bấy lâu, người trong giang hồ vẫn xì xào chuyện tất cả những người từng xăm mình cho Hải Bánh đều rơi vào cửa tử, hoặc đột nhiên bệnh tật mà chết hoặc chết vì đao kiếm kẻ thù.
Người xăm hình con đại bàng sải cánh choán lấy bộ ngực Hải Bánh được cho là Hùng “ca” cũng bặt vô âm tín khi tác phẩm vẫn còn dang dở. Chiến “bò” lại cho rằng, tác giả của hình xăm đại bàng trên ngực Hải Bánh không phải là Hùng “ca”, một trùm giang hồ nổi danh chốn Hà Thành mà là một đầu gấu thành Nam (Nam Định). Theo tin tức mới nhất thì ông này đã chết.
Trước đó, trong giới giang hồ Sài Gòn xưa, nổi lên với hình xăm đại bàng phải kể đến tướng cướp Bạch Hải Đường (tên thật là Nguyễn Ngọc Truyện). Thực ra, Bạch Hải Đường chỉ là một siêu đạo chích với tài đào tường khoét ngạch, bẻ khóa chôm đồ chứ không hẳn đã là một tên cướp. Nếu gọi Bạch Hải Đường là tướng cướp hẳn đó phải là một tên cướp lãng mạn nhất trong tất cả các tên cướp.
Vào tù ra khám như đi chợ, với thành tích trốn trại “thần sầu”, Bạch Hải Đường tuy không hẳn là một ông trùm khét tiếng nhưng cũng được xếp vào hàng có số má, được người trong giang hồ nể trọng.
Để thể hiện khí chất ngang tàng, muốn đạp trời khuấy nước, vẫy vùng bốn bể, Đường đã xăm vào lưng hình một con đại bàng tung cánh, đạp trên quả địa cầu bay qua đại dương với dòng chữ: “Vượt trùng dương ra hải đảo”.
Cả hai đều xăm hình người đàn bà l:õ:a t:h;ể như một lời than thở về những chuyện tình dở dang, những mối hận sâu sắc với đàn bà dù họ đều là những kẻ đào hoa, qua lại với không biết bao nhiêu đàn bà con gái.
Riêng tướng cướp Bạch Hải Đường còn xăm kèm theo hình người đàn bà lõa thể ở bụng dưới dòng chữ: “Thương người chung thủy, hận kẻ bạc tình” để đánh dấu việc bị người yêu phản bội, mang súng của y giao nộp cho công an. “Kẻ nào mà xăm cái câu sến sẩm này, kẻ đó chỉ đáng là đồ bỏ đi!” – Chiến “bò” cười nhạt.
Hóa ra, những đại ca giang hồ dù có xăm đại bàng giơ vuốt, chí khí ngút trời nhưng đó cũng chỉ là cái chí của những kẻ tội đồ sống chui lủi ngoài vòng pháp luật, chẳng bao giờ thoát khỏi những điều tầm thường trói buộc đôi chân.
Cuối cùng, đôi cánh vĩ đại của đại bàng cũng không thể ôm cả trời xanh, số phận cả các đại ca cũng rơi tõm vào vô vọng và hình xăm dù có lớn đến mấy cũng chỉ là những nét mực vô tri, chẳng thay đổi được những điều đã trở thành chân lý.