Tôi vẫn nhớ rất rõ đêm mùa đông cách đây hai năm, khi gió lạnh thốc qua từng khe cửa, làm rung lên mái tôn cũ của quán tạp hóa nhỏ bên đường. Hôm đó đã gần nửa đêm, tôi đang dọn sổ sách thì bất chợt nghe tiếng gõ cửa dồn dập. Trong lòng bất giác lo lắng, vì khuya thế này ai còn đến mua gì.
Tôi ra mở hé cửa, thì thấy một thằng bé tầm 14-15 tuổi, gầy nhom, mặc chiếc áo bông cũ sờn, mặt mũi tái mét vì lạnh. Tôi cau mày hỏi:
Khuya rồi, có chuyện gì thế?
Nó cứ đứng cúi gằm mặt, hai tay vò vạt áo, giọng run run:
Cô ơi… cô có thể cho con mượn 2 triệu được không, cô cứ tính lãi cũng được… Mẹ con ốm nặng lắm rồi.
Tôi sững người. Thằng bé này tôi có biết, nó là con chị Thu bán vé số, hay ghé quán tôi mua mì gói. Tôi sẵng giọng:
Tiền bạc đâu phải chuyện đùa, mượn thì mẹ mày tới mà mượn, chứ mày còn nhỏ, lỡ cầm đi chơi thì sao.
Nó ngước lên, đôi mắt đỏ hoe, môi tím tái:
Nếu cô không tin, con chở cô lên nhà coi mẹ con. Con hứa lo cho mẹ xong, con đi làm trả cô cả gốc lẫn lời.
Tôi nhìn nó, lòng dấy lên một nỗi thương xót. Nó gầy quá, mỏng manh như cái que củi. Trong đầu tôi vẫn phân vân: “Nhỡ nó lừa thì sao? Giờ mình cũng đâu dư dả gì…”
Nhưng cuối cùng, tôi thở dài:
Thôi được, đưa cô đi xem.
Nó mừng rỡ dắt chiếc xe máy cà tàng, chở tôi len lỏi qua con đường đất tối om dẫn về căn nhà nhỏ lụp xụp. Vừa bước vào, tôi thấy mẹ nó nằm thoi thóp trên giường tre ọp ẹp, mặt tái nhợt, hơi thở yếu ớt. Trong căn nhà chỉ có mấy bao gạo treo lủng lẳng, không hề có gì đáng giá.
Tôi không hỏi thêm lời nào, lặng lẽ mở ví. Hồi đó, bán quán mỗi ngày lời vài chục nghìn, tôi vét hết được 1 triệu 9, còn thiếu, tôi đào thêm mấy đồng lẻ dưới hũ gạo cho đủ 2 triệu rồi đưa nó:
Cầm đi, lo cho mẹ mày.
Nó cầm mà tay run run, nước mắt lã chã rơi, lí nhí cảm ơn rồi chạy vội sang tiệm thuốc gần đó. Đêm ấy tôi về mà lòng trĩu nặng.
Vài tháng sau, chị Thu mất. Nghe đâu chồng chị cũng bỏ đi, để lại hai đứa nhỏ tự lo. Thằng Bình nghỉ học, lang bạt khắp nơi. Có lần nó ghé quán mua mì gói, tôi định hỏi tiền nhưng nhìn bộ dạng nó – áo quần lấm lem, gương mặt xanh xao – tôi nghẹn lời, chỉ nói:
Ăn mì đi, không lấy tiền đâu.
Rồi nó cũng biệt tăm. Tôi nghĩ: “Thôi, coi như làm phúc…”
Hôm nay, sau hai năm, khi tôi đang dọn kệ hàng buổi trưa thì bất ngờ nó xuất hiện. Vẫn dáng người nhỏ thó nhưng mặt mày sáng sủa hơn, tay xách túi đồ lỉnh kỉnh. Vừa thấy tôi, nó cúi gập người:
Con chào cô… Con về thăm mộ mẹ, tiện ghé gửi tiền trả cô.
Nói rồi nó lôi ra xấp tiền, đếm rạch ròi:
Ngày trước con mượn cô 2 triệu, cô cứ tính lãi, con gửi cô 3 triệu. Con còn dư chút ít mua sách vở đóng học cho em con.
Tôi luống cuống:
Trời ơi, mày giữ mà lo cho em, rồi còn tàu xe đi lại. Khi nào dư thì trả, cô không đòi đâu.
Nó lắc đầu dứt khoát:
Không cô ạ. Giờ con đi làm phụ bếp được 4 triệu một tháng, bao ăn ở. Con dành dụm từng đồng để gửi về. Con mang ơn cô lắm, nếu hôm đó không có cô, chắc mẹ con đã không qua được mấy ngày cuối.
Nói xong, nó lén dúi cho hai đứa con trai tôi mỗi đứa 200 nghìn, bảo:
Hai em cầm mua sách vở, anh không có gì nhiều.
Tôi xua tay từ chối, hai o cháu dằng qua dằng lại. Cuối cùng nó vẫn cố nhét cho mỗi đứa 100 nghìn rồi vội vã leo lên xe. Tôi đứng nhìn theo, nước mắt chảy xuống nóng hổi. Trong tay tôi là 3 triệu, không nhiều nhưng chất chứa bao ân nghĩa, nghị lực, tự trọng và tình người của một đứa trẻ mồ côi.
Tối ấy, tôi ngồi bên sạp hàng, lòng bồi hồi nghĩ mãi. Cuộc đời này, người ta vẫn hay đổ lỗi cho hoàn cảnh mà quên đi lương tâm. Còn thằng Bình, dù nghèo đói, bơ vơ, vẫn giữ được đạo nghĩa làm người. Và tôi biết, cả đời này, tôi sẽ không bao giờ quên được tấm lòng thơm thảo ấy.