VinFast đã xây dựng lộ trình đẩy mạnh tỷ lệ nội địa hóa ô tô từ hơn 60% hiện tại lên tới 84% vào năm 2026.
Câu chuyện về “chiếc ốc vít biển số ô tô” hồi năm 2023 từng tạo nên nhiều luồng tranh luận trái chiều. Khi đó, ông Phan Đăng Tuất, chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, từng nêu quan điểm cho rằng Việt Nam chưa chế tạo được một mã nào trong số 200 mã kim loại dùng cho hơn 20.000 chi tiết linh kiện ô tô.
Vấn đề “chiếc ốc vít” cũng đã được chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nói đến trong buổi tham luận về việc VinFast hướng tới đạt tỷ lệ nội địa hóa hơn 80% từ nay đến năm 2026, được tổ chức vào ngày 12/12/2024. Theo bà, rõ ràng Việt Nam đang làm được hơn “chiếc ốc vít” rất nhiều.
Việt Nam đang sản xuất được nhiều linh kiện, phụ tùng ô tô.
Xe VinFast đã đạt tỷ lệ nội địa hóa trên 60%, tiến tới mốc 84%
Trong buổi tham quan nhà máy VinFast ngày 12/12, hãng xe Việt đã đưa các chuyên gia và giới truyền thông trong nước tận mắt thấy các quy trình sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô các mẫu xe điện hiện được bán trên thị trường.
Theo đó, rất nhiều chi tiết quan trọng cấu thành nên chiếc ô tô điện đang được sản xuất ngay tại nhà máy này, từ thân vỏ cho đến động cơ. Theo VinFast, hơn 30% diện tích trong khuôn viên tổ hợp được sử dụng để phát triển khu công nghiệp phụ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia trực tiếp vào chuỗi cung ứng.
Để sản xuất được các loại linh kiện, phụ tùng này, VinFast hiện có các xưởng dập, hàn, lắp ráp, động cơ… Dây chuyền được nhập từ các hãng lớn của Đức, Áo hay Hàn Quốc…
Các chi tiết động cơ, hộp số đều được sản xuất tại Việt Nam.
Sau buổi tham quan các xưởng sản xuất trong nhà máy VinFast, bà Lan cho biết: “Đúng như các cụ hay nói, trăm nghe không bằng một thấy. Hôm nay, khi được nhìn trực tiếp thì thấy tỷ lệ hơn 60% nội địa hóa của VinFast thực sự thuyết phục. Đến đây, sẽ thấy tận mắt rất nhiều bộ phận vô cùng quan trọng được sản xuất ngay tại Hải Phòng, trên mảnh đất Việt Nam. Các thiết bị để sản xuất nó đến từ các nước có nền công nghiệp tiên tiến nhất, hiện đại nhất”.
Vị chuyên gia này đặt niềm tin vào mục tiêu 2 năm nữa, tức là đến năm 2026, tỷ lệ nội địa hóa của VinFast sẽ đạt 84% đúng như hãng công bố. Lý do mà bà Lan đưa ra là bởi những gì VinFast đã làm được trong thời gian vừa qua, so với các doanh nghiệp FDI đã vượt trội rồi. Hơn nữa, VinFast có hơn 7 năm thôi nhưng đã làm được những điều hơn những hãng đã ở Việt Nam hàng chục năm rồi.
Giới chuyên gia tin vào mục tiêu nội địa hóa tới đây của VinFast.
84% nội địa hóa là mục tiêu mà VinFast đặt ra cho đến năm 2026. Để đạt đến tỷ lệ nội địa hóa như vậy, VinFast sẽ sản xuất và cung ứng trong nước thêm các chi tiết như ghế, dây điện, đèn xe, vành xe, hệ thống phanh, hệ thống lái cùng nhiều linh kiện nội, ngoại thất khác. Đặc biệt, tỷ lệ này đạt được còn đến từ pin điện được VinFast sản xuất ngay tại Việt Nam. Đây là chi tiết có giá trị cao nhất trên một chiếc ô tô điện.
Cũng sau buổi tham quan nhà máy, GS. TS. Lê Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Bách khoa Hà Nội, cho biết: “Tại VinFast, tỷ lệ nội địa hóa hiện đã đạt hơn 60% với những chi tiết quan trọng như động cơ điện, thân vỏ, trần xe, giảm xóc… Tôi đến nhà máy VinFast và bị thuyết phục vì thực tiễn là rõ ràng”.
“Ngoài ra, với ô tô điện, các thành tố chính còn là cell pin, pack pin, hệ thống, sạc, hệ thống truyền động, điều hòa, phần mềm điều khiển… Tôi mừng là VinFast đã đi thẳng vào những chi tiết quan trọng này để làm chủ, thể hiện ‘Know How’ trong xe điện, với khả năng tự lái ngày càng cao. Bên cạnh các chi tiết bộ phận chính, VinFast còn định hướng nội địa hóa các chi tiết vành xe, phanh lái, kính gương… Tổng hòa tạo ra xe VinFast với tỉ lệ nội địa hóa cao”, ông Tuấn cho biết thêm.
Ngay từ những chi tiết như giảm xóc, phanh, các chi tiết nhựa… đều được làm tại nhà máy VinFast.
Chiến lược và giải pháp của VinFast để nâng cao tỷ lệ nội địa hóa ô tô
Theo chia sẻ của ông Lê Ngọc Anh, Giám đốc nhà máy VinFast Việt Nam, có 3 chiến lược chính mà hãng đưa ra để nâng cao tỷ lệ nội địa hóa ô tô. Thứ nhất là phối hợp với các đối tác sẵn có, bao gồm cả các đối tác nội địa là doanh nghiệp Việt Nam có kinh nghiệm sản xuất phụ tùng, linh kiện hoặc làm logistic, lắp ráp, gia công, và đối tác FDI hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ hoặc sản xuất linh kiện.
Thứ hai là hợp tác chuyển giao công nghệ. VinFast sẽ làm việc với các công ty có chuyên môn về thiết kế, sản xuất các linh kiện phức tạp, đòi hỏi chất xám, công nghệ hàng đầu thế giới để hợp tác chuyển giao công nghệ cho các công ty đối tác hiện tại của VinFast tại Việt Nam.
Thứ ba là kêu gọi đầu tư FDI mới, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài xây dựng nhà máy, cơ sở sản xuất linh kiện trong tổ hợp nhà máy VinFast.
PGS. TS. Bùi Quang Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, chia sẻ tại buổi tham luận rằng Việt Nam cần tiếp cận theo hướng hệ sinh thái, nhiều chủ thể đi cùng nhau.
“VinFast và một số doanh nghiệp đi đầu trong ngành công nghiệp chế tạo phải theo hướng giúp Việt Nam tăng trưởng nhanh, tăng cường năng lực công nghệ, tăng cường tiềm lực, giúp nước ta đi nhanh hơn vào cuộc cách mạng lần thứ 4” ông Tuấn bày tỏ quan điểm.