Việc bật đèn xe máy ban ngày gây tốn kém về kinh tế cho chủ phương tiện, đồng thời gây chói mắt người đi đối diện, dễ dẫn đến nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông.
Các chuyên gia cho rằng, việc bật đèn xe liên tục vào ban đêm hay trong điều kiện thời tiết sương mù, mưa giông…là điều hiển nhiên. Nhưng nếu bật cả lúc trời nắng, nhất là khi người điều khiển phương tiện bật “đèn pha – chiếu thẳng” thì sẽ tạo thêm ánh sáng chói lóa, ảnh hưởng tới chất lượng quang học và tạo thêm cảm giác nóng bức cho người tham gia giao thông.
Đặc biệt, ở Việt Nam, một đất nước nhiệt đới với thời tiết vào mùa hè nhiệt độ luôn ở mức cao. Nếu bật đèn, có thể gây chói mắt với người điều khiển phương tiện giao thông đi ngược chiều.
Ngoài ram việc bật đèn xe liên tục cũng sẽ tiêu tốn một lượng điện ở bình ắc quy, từ đó tăng tiêu thụ nhiên liệu, tăng chi phí, tăng lượng phát thải khí gây ô nhiễm môi trường.
Do đó, việc bật đèn xe máy suốt quãng thời gian di chuyển vào ban ngày là không cần thiết.
Tuy vậy, không thể phủ nhận, trong một số tình huống cụ thể, đèn nhận diện ban ngày có thể giúp tránh va chạm.
Ví dụ, người điều khiển xe ô tô khi đi vào nút giao khuất tầm nhìn, ngõ tối…sẽ chú ý và giảm tốc độ khi phát hiện có sự hiện diện của xe máy qua ánh sáng đèn nhận diện ban ngày.
Người lái xe ô tô sẽ phản ứng sớm và tránh được va chạm với xe máy chạy lấn làn ở hướng ngược chiều, hay ở hướng cùng chiều nhưng từ phía sau khi xe máy có bật đèn nhận diện ban ngày.
Người đi bộ khi sang đường có thể phát hiện và tránh bị xe máy đâm khi xe máy có đèn nhận diện ban ngày.