Nếu đã học và thi lý thuyết bằng lái ôtô, hiếm ai không biết tới câu sa hình được giải bằng nguyên tắc: “Nhất chớm, nhì ưu, tam đường, tứ hướng”.

Tình huống sa hình này được sách dạy lý thuyết đặt cái tên rất mỹ miều là quyền bình đẳng của các xe khi đi vào nút giao và nó được diễn giải như sau: Xe vào nút giao trước, có quyền đi trước, xe vào sau phải nhường, kể cả xe ưu tiên cũng phải nhường.

Vậy có ai thắc mắc, cơ sở luật của cái “quyền bình đẳng” được diễn giải ở đây là gì, căn cứ vào điều nào trong luật GTĐB. Tôi thấy không hề có.

Hãy xem ảnh tình huống đã dẫn tới tai nạn thương tâm dưới đây khiến người đi xe máy thiệt mạng ở Bình Phước mới đây. Cả hai xe đều lao vào ngã tư như tên bắn, không có dấu hiệu giảm tốc. Chúng ta nên hiểu thế nào về việc xe nào nhường xe nào trong tình huống này?

Ảnh cắt từ video.

Nếu theo sách và theo luật, sẽ có hai nhận định:

Thứ nhất, nhận định theo sách thì lỗi của các xe như sau: cả hai xe đều không giảm tốc độ khi đi vào nút giao, xe máy sẽ bị thêm lỗi vào nút giao sau mà không nhường đường cho ôtô đã vào nút giao trước.

Thứ hai, nhận định theo Điều 24, khoản 1 luật GTĐB 2008 thì lỗi của hai xe lúc này sẽ là: cả hai xe đều không giảm tốc độ khi đi vào nút giao và lúc này ôtô sẽ có thêm một lỗi, đó là: không nhường đường cho xe đến từ bên phải ở nút giao không có biển báo hiệu vòng xuyến.

Rõ ràng là có một sự mâu thuẫn ở đây, vậy thì sách nên thay đổi hay luật nên thay đổi?