Vào ngày 22/08 vừa qua, trong chương trình “First Move with Julia Chatterley” của CNN, CEO VinFast Lê Thị Thu Thủy đã có một cuộc trò chuyện kéo dài 11 phút.
Khi được hỏi về những khó khăn mà hãng đang phải đối mặt như giá hoặc hệ thống trạm sạc, bà Thủy khẳng định: “Hệ thống trạm sạc của Mỹ tới nay đã và đang phát triển rộng rãi. VinFast có thể kết nối với hơn 73.000 cổng sạc tại Mỹ.
Với sự phát triển của hệ thống trạm sạc và hệ thống đối tác hiện có, chúng tôi tự tin đây không phải vấn đề lớn”.
Theo thống kê từ Bộ năng lượng Mỹ, tính đến ngày 23/08, quốc gia này hiện đang có 64.249 trạm sạc với số lượng cổng sạc ước tính đạt khoảng hơn 166.000 cổng.
Nếu con số cổng sạc mà VinFast có thể tiếp cận lên tới hơn 73.000 cổng, đồng nghĩa với việc xe điện của hãng đã tiếp cận gần 1 nửa số cổng sạc hiện có trên đất Mỹ.
VinFast vẫn chưa tiết lộ các kế hoạch cụ thể để tiếp cận hệ thống trạm sạc tại Mỹ. Trước đó, hồi tháng 4/2022, hãng mới chỉ công bố màn hợp tác với nhà cung cấp dịch vụ sạc Electrify America.
Electrify America cho biết công ty hiện có 822 trạm sạc tại Mỹ (sắp mở thêm 108 trạm mới) với hơn 3.5000 cổng sạc nhanh. Dẫu vậy, đây vẫn là một con số không đáng kể so với lượng cổng sạc mà CEO VinFast mới tiết lộ.
Bởi vậy, rất có thể hãng ô tô điện Việt Nam sẽ gia nhập liên minh NACS (Tiêu chuẩn sạc Bắc Mỹ) do Tesla phát triển. Hiện đã có Ford và GM tham gia.
Theo đó, Tesla sẽ cho phép người dùng xe điện Ford và GM sử dụng toàn bộ hệ thống trạm sạc siêu nhanh (Supercharger) của hãng tại Mỹ.
Tesla hiện đang là công ty có hệ thống trạm sạc lớn thứ hai tại Mỹ với gần 6.000 trạm và 28.000 cổng sạc. Trong số đó, trạm sạc siêu nhanh chiếm 1.600 trạm với 17.000 cổng sạc nhanh.
Tuy nhiên, các xe điện muốn sử dụng hệ thống trạm sạc của Tesla sẽ phải chuyển đổi đầu sạc CCS sang chuẩn sạc NACS. Các chuyên gia cho biết việc chuyển đổi này không gây quá nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, VinFast có thể hợp tác với các đơn vị cung cấp dịch vụ sạc khác như ChargePoint, EVgo, Greenlots hay Francis Energy.
Hiện tại, hệ thống trạm sạc tại Mỹ cũng đang ngày một phát triển, dự sẽ lên đến 500.000 cổng sạc vào năm 2023.
Ngoài vấn đề trạm sạc, VinFast cũng cần giải “bài toán” doanh số tại thị trường này. Bà Thủy cho biết hãng sẽ áp dụng mô hình hybrid, tức là sử dụng đồng thời hệ thống bán lẻ riêng của thương hiệu cùng với hệ thống của các nhà phân phối.
Theo CEO Lê Thị Thu Thủy, VinFast đã nhận được khoảng 10.000 đơn hàng và VF9 chiếm đến 2/3 trong số đó.
Về năng lực sản xuất, bà Thủy khẳng định nhà máy tại Việt Nam có thể xuất xưởng 300.000 xe/năm và sẽ mở rộng lên đến 950.000 xe/năm.
Ngoài ra, nhà máy tại Mỹ có thể đạt công suất 150.000 xe/năm khi đi vào hoạt động từ năm 2025.
Sếp VinFast lên sóng trực tiếp, cổ phiếu VFS “đạp ga” tăng gần 140% vượt xa đỉnh cũ, giá trị công ty tiến sát ngưỡng 100 tỷ USD
Cuộc trò chuyện của bà Lê Thị Thu Thủy, CEO VinFast trong chương trình trực tiếp First Move của CNN đã tiết lộ nhiều thông tin về chiến lược của hãng xe Việt hậu niêm yết, điều này đã khiến giá cổ phiếu VFS bật tăng không tưởng.
Mở đầu phiên giao dịch ngày 22/8 tại Mỹ, cổ phiếu VFS của VinFast bắt đầu giao dịch giao dịch 18,8 USD/cp, tăng khoảng 7% so với phiên giao dịch trước.
Sau một tiếng đầu phiên giao dịch, thị giá của VFS tăng “bốc đầu” gần 45% và đạt mức giá 25,5 USD/cp. Khối lượng khớp lệnh sau 1 tiếng cũng đạt khoảng 3,7 triệu đơn vị.
Tính đến 11h15 theo giờ Mỹ (22h15 tại Việt Nam), cổ phiếu VFS khớp lệnh kỷ lục với gần 8 triệu khớp lệnh. Mức giá lúc này cũng cũng đã tăng lên khoảng 30 USD, cao nhất đạt 33,88 USD.
Đến 12h theo giờ Mỹ, tức 23h giờ Việt Nam, thị giá cổ phiếu VFS tăng 136% lên mức giá kỷ lục 41,5 USD/cp.
Khối lượng khớp lệnh cũng vượt ngưỡng 11 triệu cổ phiếu. Vốn hóa lúc này của VinFast lúc này cũng đạt khoảng 95,5 tỷ USD, chính thức vượt BYD trở thành nhà sản xuất xe điện có vốn hóa lớn thứ hai sau Tesla
Với mức giá hiện tại, vốn hóa thị trường của VinFast cũng đã trở lại top 10 những nhà sản xuất ô tô trên thế giới khi đạt 78 tỷ USD. Con số này cũng vượt những hãng xe lâu năm như Ferrari, Honda, Ford, Hyundai…
Theo cập nhật của Forbes sau ngày 21/8, tỷ phú Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch tập đoàn Vingroup đang sở hữu khối tài sản trị giá 23,5 tỷ USD, đứng thứ 68 thế giới và đứng thứ 4 Đông Nam Á sau 3 tỷ phú người Indonesia.
Đà tăng của VinFast hôm nay giúp tài sản ông Vượng tăng thêm hơn 17 tỷ USD lên hơn 40 tỷ USD, trở lại Top 30 giàu nhất thế giới và giàu nhất Đông Nam Á.