Chưa từng có ở Việt Nam: Bình Định đề xuất thí điểm taxi bay phục vụ du lịch
Bình Định cho rằng taxi bay có rất nhiều tiềm năng, phù hợp với với nhu cầu phát triển du lịch của địa phương; góp phần xây dựng Bình Định trở thành điểm đến hấp dẫn hàng đầu trong khu vực.
Trong khuôn khổ Triển lãm Vietnam Motor Show 2022, Airlios đã trưng bày nguyên mẫu mô tô bay do Việt Nam chế tạo. Ảnh minh họa.
Lãnh đạo tỉnh Bình Định vừa có công văn số 8613/UBND-KT đề nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét báo cáo và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho chủ trương để Ủy ban Nhân dân tỉnh xây dựng đề án thí điểm taxi bay hoạt động trên địa bàn.
Loại hình vận chuyển này sử dụng máy bay nhỏ chạy bằng điện, cất cánh và hạ cánh theo phương thẳng đứng, dùng vận chuyển khoảng 4-5 người, được xem là phương tiện vận chuyển lý tưởng để khách tham quan, du lịch có thể quan sát, ngắm nhìn vẻ đẹp thiên nhiên từ trên cao.
Đây là phương thức vận tải bằng phương tiện xanh, mới lạ, độc đáo, hiện đại, có tính đột phá, giúp di chuyển dễ dàng, tiết kiệm thời gian, phục vụ tốt khách tham quan, du lịch, giá cả cạnh tranh và không phát thải một số chất gây hại so với phương tiện đường bộ, đường sắt thông thường.
Tại văn bản gửi Bộ Giao thông Vân tải, tỉnh Bình Định cho rằng, taxi bay là một hình thức vận tải có rất nhiều tiềm năng, phù hợp với với nhu cầu phát triển du lịch của địa phương; góp phần xây dựng Bình Định trở thành điểm đến hấp dẫn hàng đầu trong khu vực và để hiện thực hóa mục tiêu phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững.
Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1619/QĐ-TTg ngày 14/12/2023, phát triển du lịch là một trong các trụ cột phát triển của tỉnh, nhằm xây dựng Bình Định trở thành điểm đến hấp dẫn hàng đầu khu vực với những nét đặc trưng riêng: du lịch biển, du lịch văn hóa đặc sắc và các sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh như du lịch khám phá khoa học, du lịch gắn với võ cổ truyền, bài chòi dân gian Bình Định, ẩm thực…
Bình Định tập trung phát triển, quảng bá thương hiệu du lịch, lấy điểm nhấn là “Quy Nhơn – điểm đến hàng đầu của châu Á”, từng bước hình thành, phát triển các tuyến du lịch mới trong tỉnh.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh có nhiều bãi tắm đẹp nổi tiếng như: Quy Nhơn, Hải Giang, Trung Lương, Cát Hải… Tỉnh cũng có nhiều đảo gần bờ: Nhơn Châu, Hòn Khô, Đảo Yến… và có cảnh quan đẹp đủ điều kiện thuận lợi để khai thác phục vụ các hoạt động du lịch biển.
Ngoài ra, Bình Định còn có các vịnh và đầm ven biển như vịnh Quy Nhơn, đầm Thị Nại, đầm Trà Ổ… và hơn 30 hòn đảo lớn nhỏ, có giá trị phục vụ khai thác du lịch.
Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có phương tiện vận tải nào phù hợp để có thể khám phá hết các vẻ đẹp thiên nhiên của tỉnh Bình Định, cũng như giúp di chuyển giữa các điểm du lịch một cách thuận lợi, nhanh chóng.
Hiện nay, loại hình vận tải taxi bay chưa có ở Việt Nam và đây là loại hình vận tải hoàn toàn mới, trên thế giới có một số quốc gia đã nghiên cứu, thử nghiệm loại hình vận tải hành khách bằng taxi bay như Trung Quốc, Mỹ, Đức, Anh, Singapore, Hàn Quốc…
*Cách đây 2 năm, trong khuôn khổ Triển lãm Ôtô Việt Nam 2022 (Vietnam Motor Show 2022) diễn ra tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC), một startup công nghệ của Việt Nam Airlios đã mang tới trình diễn một số mẫu thiết bị bay cá nhân hay còn gọi là “môtô bay” do chính doanh nghiệp này thiết kế và chế tạo tại Việt Nam.
Airlios mang tới nguyên mẫu thử nghiệm của thiết bị bay Pegasus, một trong 4 sản phẩm đang được phát triển của doanh nghiệp này.
Theo giới thiệu, Pegasus đã bay thử nghiệm hơn 100 giờ và di chuyển tổng quãng đường 1.000 km tại “khu vực an toàn” tại Hà Nội và một số tỉnh miền Tây.
Du khách thích thú tham quan mô tô bay của Việt Nam tại triển lãm.
Phương tiện bay của Airlios được cấu thành từ 2 vật liệu chính là hợp kim nhôm và sợi carbon, cánh quạt làm bằng gỗ, phủ carbon bên ngoài. Thiết bị vận hành nhờ 8 động cơ không chổi than, nguồn năng lượng đến từ pin lithium-ion và một nguồn điện dự phòng với thiết lập pin kép. Trong trường hợp một động cơ nào đó gặp lỗi hoặc hỏng, môtô bay vẫn hoạt động bình thường, rồi tự tìm chỗ đáp gần và nhanh nhất có thể.
Thiết bị vận hành với hai cách, một là người lái trực tiếp điều khiển và hai là lái tự động. Với hình thức trực tiếp điều khiển, người dùng phải trải qua khóa đào tạo của Airlios. Trong khi đó, với hình thức tự hành, người dùng lựa chọn điểm đến và môtô bay sẽ tự vận hành, lịch trình bay cụ thể sẽ được mã hóa, đăng ký, thực hiện và giám sát để đảm bảo an toàn.
Với phiên bản tiêu chuẩn, môtô bay của Airlios có chiều dài 1,9 m, chiều cao 1,15 m và sải cánh 2 m. Trọng lượng tĩnh 220 kg và trọng lượng cất cánh tối đa là 320 kg, tải trọng đạt 100 kg. Mô tô bay chỉ có một chỗ ngồi. Quãng đường bay tối đa là 33 km, tốc độ tối đa 100 km/giờ và thời lượng bay tối đa (với tải trọng 100 kg) là 20 phút. Độ cao bay dưới 120 m.