Hoàng hôn và bình minh là khoảng thời gian nguy hiểm khi lái xe, cần bật đèn chiếu sáng, giảm sáng nội thất, chú ý xung quanh.
“Nhất chạng vạng, nhì rạng đông” là câu khẩu ngữ giới tài xế thường dùng để cảnh báo về hai khoảng thời gian khó quan sát nhất khi lái xe. Chạng vạng là lúc mặt trời gần khuất chân trời, chuyển tiếp từ chiều sang tối. Trong khi đó rạng đông là thời điểm mặt trời mới mọc, chuyển tiếp từ tối sang sáng.
Trong hai khoảng thời gian này, mắt khó điều tiết với ánh sáng hơn khi mặt đường phía trước tối, trong khi bầu trời sáng. Hoặc tài xế có thể bị chói mắt bởi ánh mặt trời nằm phía chân trời, càng khiến mắt càng khó điều tiết. Ngoài ra, chạng vạng hay rạng đông là lúc trí não con người dễ rơi vào trạng thái thư giãn, giảm mức độ tập trung theo nhịp sinh học, làm tăng khả năng tai nạn khi lưu thông trên đường. Dưới đây là những kỹ năng cần nhớ khi lái xe vào thời gian này.
Bật đèn chiếu sáng
Tài xế không cần phải chờ khi trời tối hẳn để bật đèn trên xe. Việc bật đèn vào chạng vạng và rạng đông có tác dụng chính là tăng mức độ nhận diện của phương tiện cho những tài xế khác. Bên cạnh đó, việc bật đèn xe cũng như lời nhắc nhở cho các phương tiện khác bật đèn theo, từ đó giúp các phương tiện dễ nhìn thấy nhau hơn khi trời nhá nhem tối.
Xe lưu thông trên cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận vào lúc nhá nhem tối. Ảnh: Hồ Tân
Nhiều xe hiện nay trang bị đèn chạy ban ngày (DRL – daytime running light) có tác dụng tăng độ nhận diện. Tài xế có thể bật đèn này để lưu thông nếu cần thiết, nhưng lưu ý rằng đèn DRL chỉ trang bị ở phía cụm đèn trước, do đó vẫn cần phải bật hệ thống đèn tổng để đèn hậu được kích hoạt. Ở trên một số xe, đèn DRL là tự động, tài xế không cần phải thực hiện các thao tác gì thêm để kích hoạt đèn này. Tốt nhất, với các mẫu xe có đèn tự động, tài xế nên luôn để đèn ở chế độ Auto, khi đó sẽ không cần lo lắng về việc xe được bật đèn hay chưa.
Giảm độ sáng đèn nội thất
Vào thời điểm nhá nhem tối, các nguồn sáng từ nội thất như đèn, màn hình lái, màn hình giải trí có thể khiến mắt khó điều tiết với môi trường xung quanh hơn. Chính vì thế việc giảm độ sáng các loại đèn trong xe sẽ giúp tài xế dễ quan sát hơn, và đỡ mỏi mắt hơn khi lưu thông.
Núm vặn chỉnh độ sáng đồng hồ lái của một mẫu xe Nhật. Ảnh: Hồ Tân
Một số xe trang bị sẵn núm vặn chỉnh độ sáng đồng hồ lái/táp-lô riêng, một số chỉnh qua menu trong màn hình thông tin giải trí, nên thực hiện việc điều chỉnh khi xe đang đứng yên, nhằm tránh mất tập trung khi lái xe.
Nếu có chức năng Auto, khi bật đèn chiếu sáng bên ngoài, đèn nội thất trên bảng táp-lô cũng sẽ tự động dìm xuống. Tài xế chú ý không nên bật đèn chiếu sáng trên trần xe nếu không cần thiết, vì việc này sẽ khiến khó quan sát phía sau, cũng như giảm sự tập trung vào con đường phía trước.
Xịt rửa kính lái
Các vết bẩn bám dày trên kính có thể làm tài xế dễ bị lóa mắt hơn từ các nguồn sáng trên đường, khiến khó quan sát và gây tai nạn. Nếu kính lái bám bẩn nhiều, cần kích hoạt chế độ xịt rửa cho đến khi kính sạch hoàn toàn.
Dùng kính mát phân cực hoặc tấm che nắng
Nếu mặt trời ở ngang tầm mắt gây chói, tài xế có thể dùng kính phân cực có tác dụng triệt tiêu tia chói, hoặc tấm chắn nắng để giảm chói. Lưu ý sử dụng kính mát vào thời điểm trời nhá nhem tối có thể khiến giảm tầm nhìn, do đó nên tháo ra khi không còn bị chói nắng do mặt trời.
Ngoài loại kính mát phân cực với tròng tối màu, một số loại kính hiện nay còn có tròng loại màu vàng, giúp cắt chói mà không giảm tầm quan sát của tài xế.
Bên cạnh các biện pháp an toàn trên, tài xế cần chú ý vào việc cầm lái vào lúc chạng vạng và rạng đông. Các xe cần giữ khoảng cách an toàn xa hơn, kiểm tra kỹ các điểm mù khi thực hiện chuyển hướng, và giảm tốc độ di chuyển nếu cần thiết. Bên cạnh đó, cần bố trí lịch trình di chuyển để đảm bảo sự tỉnh táo.