Sau gần 20 năm triển khai dự án nhà máy sản xuất và lắp ráp ô tô tại tỉnh miền núi phía Bắc, công trình đến nay vẫn bỏ hoang, lãng phí và gây ô nhiễm môi trường cho vùng đất nơi đây.
Dự án Nhà máy sản xuất ô tô Tralas, do Công ty CP Sản xuất và Chế tạo ô tô Tracimexco đầu tư tại xã Xuất Hóa, thị xã Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn được triển khai vào năm 2006. Dự án sẽ triển khai trên diện tích hơn 6,5ha đất ruộng, tổng vốn đầu tư vào khoảng 42 tỷ đồng và được kỳ vọng là nhà máy sản xuất ô tô hàng đầu Việt Nam. Vào thời điểm đó, tỉnh đã thu hồi gần 7ha đất ruộng của người dân để giao cho chủ đầu tư.
Đến năm 2010, dự án chính thức được xây dựng. Tuy nhiên, chỉ ít năm sau đó với lý do nhà máy có lắp ráp được 2 xe ô tô và không bán được sản phẩm nên “đắp chiếu” từ đó đến nay.
Bên trong khu vực triển khai dự án Nhà máy sản xuất ô tô Tralas. Ảnh: Toán Nguyễn
Theo chia sẻ của người dân nơi đây, dự án từng là niềm vui với người dân địa phương khi tạo công ăn việc làm và phát triển mảnh đất Xuất Hóa. Tuy nhiên dự án mãi vẫn chưa thể thành hiện thực khi nhà máy bị bỏ hoang, các hộ dân trước đây bị thu hồi đất làm dự án cũng không còn đất canh tác, việc kiếm kế sinh nhai cũng trở nên bấp bênh, khó khăn.
Trên nền đất sản xuất Nhà máy ô tô Tralas giờ là một xưởng gỗ. Ảnh: Văn Tùng
Được biết, Công ty Tracimexco được UBND tỉnh Bắc Kạn cấp Giấy chứng nhận đầu tư dự án Nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô Tralas ngày 14/6/2010. Theo văn bản số 246 ngày 21/8/2018 của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Kạn, nhà máy này đã ngừng hoạt động từ năm 2016 và phía doanh nghiệp đang thực hiện dự án chế biến lâm sản (sản xuất đũa gỗ xuất khẩu) trên diện tích đất triển khai nhà máy.
Tỉnh Bắc Kạn cũng đã từng tổ chức cuộc họp với các Sở, ngành của tỉnh để bàn về việc xử lý các sai phạm cũng như vấn đề về Nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô Tralas. Song, đến nay vẫn chưa có giải pháp để xử lý dứt điểm tình trạng hoạt động không hiệu quả và thậm chí bỏ hoang nhiều năm của đơn vị này.
Bắc Kạn là một tỉnh thuộc vùng Đông Bắc Bộ của Việt Nam với diện tích là 4.860km2 và dân số khoảng 326.719 người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tới 88%, chủ yếu là người Tày, người Dao, người Nùng và người Mông….
Món quà ý nghĩa nhất cho người thân yêu
Hiện nay, kinh tế tỉnh Bắc Kạn vẫn chưa có nhiều bứt phá, phần lớn là do địa hình không thuận lợi và các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục và y tế cũng chưa được đầu tư nhiều, nhất là về kết cấu hạ tầng và mạng lưới giao thông chưa hoàn thiện. Địa phương là một trong những tỉnh nghèo nhất Việt Nam với GDP năm 2022 là 0,65 tỷ USD, tức là khoảng 15,317 tỷ đồng, và GRDP bình quân đầu người là 1.989 USD.