Đồng hồ công-tơ mét (Odomete, hay còn được gọi là ODO), là loại thiết bị ghi nhận lại quãng đường mà xe đã di chuyển.
Khi mua ô tô cũ, nhiều người rất quan tâm chỉ số này vì cho rằng đây là điều phản ánh chất lượng của xe. Từ đó, đưa ra đánh giá về độ hao mòn và mức độ cũ hay mới của ô tô.
Tuy nhiên, theo nhiều người am hiểu về xe, chỉ số ODO chỉ nên là con số dùng để tham khảo và không nên là yếu tố quyết định chất lượng của xe, vì con số này hoàn toàn có thể bị gian lận để tăng giá trị chiếc xe.
Tua ngược đồng hồ công-tơ mét là hành vi lừa đảo khách mua xe cũ. (Ảnh minh họa: Autocar).
Vì sao đồng hồ công-tơ mét không hoàn toàn đáng tin?
Odometer của ô tô có thể bị sai lệch hoặc tua ngược do nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng chủ yếu là do kỹ thuật và con người.
Yếu tố kỹ thuật
Yếu tố kỹ thuật là những nguyên nhân do sự hao mòn, hỏng hóc, lỗi phần cứng hoặc phần mềm của đồng hồ công-tơ mét hoặc các bộ phận liên quan. Một số yếu tố kỹ thuật thường gặp là:
Pin CMOS đã cũ: Pin CMOS là pin dùng để cung cấp điện cho bộ nhớ BIOS của máy tính trên xe, nơi lưu trữ các thông số cài đặt của xe, bao gồm cả đồng hồ công-tơ-mét. Khi pin CMOS cũ, điện áp sẽ giảm dần, dẫn đến việc mất dữ liệu hoặc sai sót trong quá trình ghi nhận và hiển thị các thông số của xe. Điều này có thể khiến đồng hồ công-tơ-mét bị sai lệch hoặc tua ngược
Đồng hồ sử dụng lâu thường gặp các hỏng hóc như mòn bánh răng, long khớp nối hoặc tua bin cánh quạt của đồng hồ bị kẹt rác…Các bộ phận của đồng hồ công-tơ mét bị hỏng hóc hoặc kẹt rác sẽ làm giảm độ chính xác và ổn định của thiết bị. Điều này có thể khiến đồng hồ công-tơ mét bị sai lệch hoặc tua ngược.
Yếu tố con người
Tua ngược đồng hồ công – tơ mét để tăng giá trị chiếc xe: Một chiếc xe chạy ít chưa chắc đã tốt nhưng một chiếc xe “cày” nhiều chắc chắn sẽ không tốt. Chính vì lẽ đó, nhiều chủ xe hay điểm bán xe cũ luôn muốn số ODO ở mức vừa phải, để vừa tăng được giá bán lại vừa có thể dễ dàng bán ra thị trường.
Vì vậy, nhiều người đã chọn cách gian lận số km hiển thị trên odometer bằng cách can thiệp và tua ngược những con số đó về nhỏ hơn giá trị thực mà chiếc xe đã từng chạy.
Lắp đặt đồng hồ công-tơ mét có thao tác sai: Đây là một nguyên nhân khá phổ biến, khi người dùng tự lắp đặt hoặc thay thế đồng hồ công-tơ mét mà không tuân theo các quy trình kỹ thuật.
Ví dụ lắp đặt sai vị trí, sai góc, sai kích thước, sai loại hoặc không kết nối chính xác các dây cáp truyền động. Điều này sẽ ảnh hưởng đến khả năng nhận và xử lý tín hiệu của đồng hồ công-tơ mét, khiến nó bị sai lệch hoặc tua ngược.