Buýt BRT chạy một đường riêng tại tuyến Bến xe Yên Nghĩa – Kim Mã (Hà Nội). Ảnh: Như Ý |
Quy hoạch đường sắt đô thị thay BRT
Để hoàn thành dự thảo Đề án điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội sau 12 năm thực hiện, UBND thành phố Hà Nội đang lấy ý kiến 30 quận huyện, thị xã và đại diện 8 tỉnh, thành phố có địa giới giáp ranh với Hà Nội về các mục tiêu phát triển không gian đô thị và hạ tầng giao thông vận tải.
Để đạt mục tiêu đến năm 2030- 2045, vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) đạt được từ 40 đến 60% nhu cầu đi lại của người dân, thành phố Hà Nội đưa ra mục tiêu phát triển các loại hình VTHKCC, trong đó trọng tâm là đường sắt đô thị (đường sắt nội đô).
Đánh giá về khả năng phục vụ của VTHKCC và sau 12 năm thực hiện quy hoạch mạng lưới đường sắt đô thị, đại diện UBND thành phố Hà Nội cho biết, loại hình xe buýt vẫn đang đóng vai trò vận chuyển chủ đạo với hơn 120 tuyến buýt (trong đó bao gồm cả tuyến buýt nhanh BRT số 01 Kim Mã – Hà Đông), năng lực đáp ứng được 19% nhu cầu của người dân (so với mục tiêu của quy hoạch là 30 đến 35% nhu cầu).
Với hệ thống đường sắt, theo quy hoạch có 10 tuyến với 413km, nhưng đến nay mới thực hiện 1 đoạn tuyến dài 14 km thuộc tuyến số 2A Cát Linh – Hà Đông (đạt 6,5% yêu cầu); Hệ thống đường sắt monorail (đường sắt đô thị 1 ray) quy hoạch 3 tuyến với chiều dài 44 km, hiện chưa thực hiện được tuyến nào.
Xe buýt nhanh BRT hoạt động trên trục đường Lê Văn Lương, tuyến Kim Mã đi Hà Đông. Ảnh: Anh Trọng |
Từ thực tế trên, đại diện UBND thành phố Hà Nội đang lấy ý kiến các quận huyện, các tỉnh thành lân cận để dự thảo Đề án điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội trình các cấp. Với mạng lưới đường sắt đô thị, đại diện UBND thành phố Hà Nội đưa ra phương án, ngoài 10 tuyến đã có quy hoạch, thành phố Hà Nội đề xuất xây dựng thêm 6 tuyến mới.
Cụ thể, ưu tiên xem xét bổ sung 3 tuyến, gồm tuyến đi theo đường Lê Văn Lương để thay thế tuyến BRT trong tương lai; tuyến tại đô thị Bắc sông Hồng theo hướng song song tuyến số 4 và kết nối với khu vực Long Biên, Gia Lâm; tuyến chạy dọc theo trục phía Nam kết nối đô thị trung tâm và các địa phương dọc trục phát triển phía Nam với sân bay thứ 2. Tiếp đó, nghiên cứu xem xét bổ sung thêm 3 tuyến mới, gồm tuyến chạy dọc theo Quốc lộ 18 (kết nối sân bay Nội Bài với Bắc Ninh); tuyến dọc theo Vành đai 1; tuyến chạy dọc theo đường Vành đai 2.
Do mới dừng ở đề xuất xem xét nghiên cứu nên UBND thành phố Hà Nội cho biết, đơn vị tư vấn chưa đưa ra quy mô, chi phí đầu tư và hình thức, lộ trình thực hiện.
“Quyết” tương lai cho BRT trong quý IV
Trước việc tuyến buýt BRT có nguy cơ bị “khai tử”, đại diện Sở GTVT Hà Nội vừa cho biết, theo quy hoạch hệ thống xe buýt nhanh BRT trên địa bàn Hà Nội từ năm 2011 đến 2030 tầm nhìn 2050 sẽ có 11 tuyến, chiều dài hoạt động 316 km. Đến nay sau 12 năm thực hiện, thành phố đã thực hiện được 1 tuyến là tuyến BRT số 01 lộ trình Kim Mã – Hà Đông với 14 km, đạt khoảng 4,4% nhu cầu.
Với định hướng phát triển buýt BRT, Sở GTVT Hà Nội cho rằng, mạng lưới vận tải hành khách công cộng gồm đường sắt đô thị và xe buýt trong đó có buýt BRT vẫn được xác định là trụ cột của VTHKCC.
“Tuy nhiên, thời gian tới, mạng lưới xe buýt cần tiếp tục rà soát, hợp lý hóa mạng lưới tuyến để tăng cường hiệu quả hoạt động, đảm bảo kết nối giữa các loại hình giao thông trong đô thị”, lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội thông tin.
Riêng đối với sự phát triển của buýt BRT, lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết, đã giao Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Hà Nội (HPTC) chủ trì, phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội Hà Nội, Tổng Cty vận tải tổ chức khảo sát và phỏng vấn hành khách, đánh giá toàn diện hiệu quả hoạt động của tuyến buýt nhanh duy nhất số 01 sau gần 6 năm đi vào hoạt động.
Theo báo cáo đánh giá của Trung tâm HPTC, tuyến buýt nhanh BRT là một trong các tuyến buýt hoạt động hiệu quả, trong các năm từ 2017 – 2022, đều đạt sản lượng, doanh thu cao nhất toàn mạng lưới buýt và cần thiết duy trì hoạt động của tuyến để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.
“Hiện nay, dư luận xã hội vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau về tính hiệu quả và sự phù hợp của loại hình này đối với Hà Nội. Về quan điểm của Sở GTVT Hà Nội, trước mắt cần tiếp tục duy trì hoạt động loại hình BRT, cùng với đó kết hợp các giải pháp về tổ chức giao thông phù hợp để thu hút người dân tham gia. Việc tiếp tục tục triển khai loại hình BRT trong thời gian tới sẽ được xem xét đánh giá kỹ lưỡng”, lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết.
Với tương lai của BRT, đại diện lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết, Sở đang khẩn trương triển khai việc rà soát đánh giá tổng thể mạng lưới VTHKCC bằng xe buýt trong đó có xem xét đánh giá đối với mạng lưới xe buýt nhanh BRT hiện nay. Dự kiến trong Quý IV/2023, Sở GTVT sẽ hoàn thành báo cáo nội dung này với UBND thành phố.
Tuyến xe buýt nhanh BRT số 01 Kim Mã – Hà Đông được thành phố Hà Nội đưa vào sử dụng tháng 12/2016 với tổng mức đầu tư trên 55 triệu USD (khoảng 1.100 tỷ đồng). Dự án xây dựng làn đường dành riêng rộng 2,5 mét ở bên trái sát dải phân cách giữa cho xe buýt hoạt động (buýt thường dừng đón, trả khách ở làn phải sát vỉa hè). Tuyến có chiều dài 14 km, sử dụng 55 xe buýt loại 80 chỗ với giá 5,03 tỷ đồng/xe.
Dự án được thực hiện bằng vốn vay của Ngân hàng Thế giới với mục tiêu cải thiện tình trạng ùn tắc, ô nhiễm; làm nền tảng phát triển hạ tầng giao thông công cộng; thúc đẩy người dân chuyển từ xe cá nhân sang phương tiện công cộng.
Tuy nhiên, theo đánh giá các chuyên gia, tuy được đầu tư với kinh phí đắt đỏ nhưng sau gần 6 năm vận hành, tuyến BRT chưa đáp ứng được kỳ vọng ở cả ba tiêu chí và đang gây bất cập, lãng phí hạ tầng giao thông khi buýt chuyên chở được ít nhưng chiếm nhiều diện tích đường. Còn cơ quan chức năng thì cho rằng, buýt BRT hoạt động chưa đạt mục tiêu vì lưu lượng xe cá nhân lớn và cần thêm thời gian để chứng minh thêm năng lực.