“Số tiền hơn 2 tỷ đồng còn lại được dùng để dự phòng cho các trường hợp phát sinh trong vụ cháy, ngoài ra không sử dụng cho mục đích khác. Việc Ban vận động thông tin không rõ ràng khiến dư luận hiểu nhầm”, ông Nguyễn Sỹ Trường – Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hà Nội thông tin. 

Liên quan công tác hỗ trợ các nạn nhân vụ cháy chung cư mini tại quận Thanh Xuân, ngày 5/11 Ban vận động (Ủy ban MTTQ quận Thanh Xuân) đã thông tin phương án và tiến hành chi trả cho đại diện các gia đình.

Theo đó, tổng số tiền Ban vận động tiếp nhận là hơn 132 tỷ đồng. Sau 2 đợt chi trả còn lại 2 tỷ 221 triệu đồng. Ban vận động thống nhất để xử lý các vấn đề phát sinh, thực hiện vệ sinh môi trường, phòng chống bệnh truyền nhiễm tại khu vực xảy ra sự cố theo quy định (theo khoản 7, điều 10, Nghị định 93/2021).

Sau khi thông tin của Ban vận động được công bố, dư luận đã có nhiều phản ứng. Hầu hết, các ý kiến đều cho rằng, cộng đồng chung tay ủng hộ để giúp gia đình nạn nhân vơi bớt khó khăn sau thảm họa. Ban vận động là trung gian, có trách nhiệm tiếp nhận tiền và phân chia hợp lý chứ không phải dành sử dụng mục đích khác. Hơn nữa, việc xử lý môi trường phải được lấy từ ngân sách địa phương chứ không thể trích từ số tiền ủng hộ các nạn nhân vụ cháy.

MTTQ TP. Hà Nội: Hơn 2 tỷ đồng tiền ủng hộ nạn nhân vụ cháy dùng để xử lý sự cố môi trường là hiểu lầm ảnh 1
Đại diện các gia đình nạn nhân vụ cháy làm thủ tục nhận hỗ trợ ngày 5/11.

Về vấn đề trên, trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Sỹ Trường – Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hà Nội, cho biết thông tin của Ban vận động quận Thanh Xuân đưa ra đã gây hiểu nhầm dư luận.

Theo ông Trường, số tiền hơn 2 tỷ đồng còn lại được dùng để dự phòng cho các trường hợp phát sinh trong vụ cháy. Ví như, các bệnh nhân tiến triển nặng hơn cần phải chi phí, chăm sóc. Hoặc có trường hợp ảnh hưởng trong vụ cháy sau này mới xác định được. Khi đó, Ban vận động sẽ dùng số tiền dự phòng này để chi trả.

Ông Trường cũng cho biết, đúng là trong thông cáo báo chí về việc chi hỗ trợ cho các nạn nhân, có đoạn: “Số tiền còn lại 2 tỷ 221 triệu đồng, căn cứ khoản 7, điều 10, Nghị định 93/2021, Ban vận động thống nhất để xử lý các vấn đề phát sinh, thực hiện vệ sinh môi trường, phòng chống bệnh truyền nhiễm tại khu vực xảy ra sự cố theo quy định”.

MTTQ TP. Hà Nội: Hơn 2 tỷ đồng tiền ủng hộ nạn nhân vụ cháy dùng để xử lý sự cố môi trường là hiểu lầm ảnh 2
Cán bộ UBND phường Khương Đình hỗ trợ gia đình các nạn nhân làm thủ tục nhận hỗ trợ.

Thực ra, Ban vận động đang trích dẫn quy định xử lý đối với số tiền chưa sử dụng hết nói chung theo quy định. Tuy nhiên, do không nói rõ nên dễ nhầm lẫn. “Tôi đọc xong thấy chắc chắn dư luận sẽ hiểu theo hướng dùng tiền ủng hộ để xử lý sự cố môi trường. Tôi khẳng định, số tiền cộng đồng ủng hộ các nạn nhân vụ cháy chỉ được chi trong việc hỗ trợ nạn nhân, ngoài ra không sử dụng cho mục đích khác”, ông Trường nói.

Như Tiền Phong đã thông tin, khuya ngày 12/9 đã xảy ra vụ cháy chung cư mini trong phố Khương Hạ (phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội). Vụ cháy đã làm 56 người chết, 37 người bị thương, nhiều tài sản bị thiêu rụi.

Ngay sau đó, Ủy ban MTTQ TP. Hà Nội đã kêu gọi cộng đồng ủng hộ các nạn nhân vụ cháy. Sau gần 1 tháng, tổng số tiền MTTQ tiếp nhận được là 132,2 tỉ đồng (bao gồm các khoản lãi phát sinh).

Ban vận động đã chi 2 đợt để hỗ trợ các nạn nhân vụ cháy. Trong đó đợt 1 là hơn 6,1 tỷ đồng, đợt 2 là 123 tỉ, 940 triệu đồng. Sau 2 đợt hỗ trợ số tiền còn lại là 2 tỉ 221 triệu đồng.

Trong đợt 2, có 144 nạn nhân được hỗ trợ theo các mức như sau:

1. Hỗ trợ cho người sống trong toà nhà đến thời điểm ngày 12/9/2023: 89 tỷ 600 triệu đồng:

+ Hỗ trợ chi phí sinh hoạt đảm bảo ổn định cuộc sống cho người còn sống: 88 người x 700 triệu đồng/người = 61 tỷ 600 triệu đồng

+ Hỗ trợ thờ cúng đối với người tử vong (Hỗ trợ cho thân nhân của người tử vong đứng ra thờ cúng): 56 người x 500 triệu đồng = 28 tỷ đồng

2. Hỗ trợ 37 nạn nhân bị thương: 15 tỷ 100 triệu đồng

+ Hỗ trợ người bị thương nhẹ, điều trị tại viện từ 3 đến 7 ngày:

3 người x 300 triệu đồng/người = 900 triệu đồng;

+ Hỗ trợ người bị thương nặng điều trị tại viện trên 7 ngày:

33 người x 400 triệu đồng/người = 13 tỷ 200 triệu đồng;

+ Hỗ trợ người bị thương nặng, hiểm nghèo:

1 người x 1 tỷ đồng/người = 1 tỷ đồng;

3. Hỗ trợ cho đối tượng là trẻ em: 19 tỷ 200 triệu đồng

+ Hỗ trợ sổ tiết kiệm cho 1 trẻ mồ côi cả cha và mẹ: 2 tỷ đồng;

+ Hỗ trợ sổ tiết kiệm cho trẻ mất cha hoặc mẹ: 4 cháu x 1tỷ đồng/cháu = 4 tỷ đồng;

+ Hỗ trợ sổ tiết kiệm cho trẻ dưới 16 tuổi (cha, mẹ còn sống):

22 cháu x 600 triệu đồng/cháu = 13 tỷ 200 triệu đồng;

* Tổng số tiền hỗ trợ đợt 2: 123 tỷ 940 triệu đồng

** Tổng cộng 2 đợt hỗ trợ: 130 tỷ 066 triệu đồng.