Dự án xây dựng tuyến Đường sắt đô thị số 1 (tuyến Bến Thành – Suối Tiên) được kỳ vọng là tuyến metro hiện đại đầu tiên tại TP. HCM. Tuy nhiên, sau 14 năm tuyến metro này vẫn chưa thể đưa vào vận hành dù đội vốn lên tới 43.000 tỷ đồng.

VNF

Qua 14 năm thực hiện dự án vẫn tiếp tục xin lùi thời hạn hoàn thành (dự kiến năm 2028 mới kết thúc dự án), đội vốn quá lớn từ 7.387 tỷ đồng lên 43.757 tỷ đồng.
Vốn đầu tư tăng “khủng”

Báo cáo giám sát mới nhất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy, dự án quan trọng cấp Quốc gia – Metro số 1, Bến Thành – Suối Tiên có quyết định đầu tư từ nhiều nhiệm kỳ trước đây nhưng tiến độ rất chậm, tăng tổng mức đầu tư lên gấp nhiều lần, thực hiện chưa đúng quy định, tác động tiêu cực đến đời sống xã hội, phá vỡ các kế hoạch, mục tiêu phát triển kinh tế xã hội không chỉ tại TP. HCM mà còn cả khu vực, cả nước.

Cụ thể, Dự án Xây dựng tuyến đường sắt đô thị tuyến Metro số 1, Bến Thành – Suối Tiên được phê duyệt năm 2008, qua 14 năm thực hiện vẫn tiếp tục xin lùi thời hạn hoàn thành và dự kiến tới năm 2028 mới kết thúc dự án, đội vốn quá lớn từ 7.387 tỷ đồng lên 43.757 tỷ đồng.

“Dự án gây thất thoát, lãng phí, xảy ra trong thời gian dài, nhưng chậm được các cấp có thẩm quyền khắc phục, xử lý. Là dự án ODA, việc chậm tiến độ, kém hiệu quả ngoài thất thoát, lãng phí, còn ảnh hưởng đến uy tín quốc gia”, một thành viên của Đoàn giám sát khẳng định.

Trước đó, TS Nguyễn Trí Hiếu -chuyên gia kinh tế cho rằng, việc đội vốn trong các dự án hạ tầng giao thông là điều thông thường, thế nhưng dự án vượt từ 50 đến 90% so với tổng mức đầu tư ban đầu thật khó chấp nhận.

Còn PGS. TS Bùi Thị An, nguyên Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIII cho biết, giao thông chính là trợ lực để nền kinh tế phát triển bền vững. Tuy nhiên, đáng tiếc là trong quá trình đầu tư, dự án trọng điểm lại ì ạch, triển khai vô cùng chậm, không chỉ 1-2 năm mà kéo dài đến chục năm. Đội vốn hàng nghìn tỷ đồng đang là dấu hỏi lớn mà cử tri rất quan tâm. Những vấn đề này có ảnh hưởng không chỉ riêng những người tham gia giao thông mà nó còn cản trở đến sự phát triển kinh tế của cả xã hội.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Theo UBND TP. HCM, đến nay dự án mới đạt 88,5% khối lượng nên cần phải điều chỉnh thời gian thực hiện để tiếp tục thi công, hoàn thành dự án. Vì vậy, UBND TP. HCM đề nghị Bộ Kế hoạch – đầu tư xem xét trình Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chấp thuận chủ trương cho phép thành phố tiến hành các thủ tục điều chỉnh thời gian hoàn thành thi công dự án vào cuối quý 4/2023. Thời gian hỗ trợ, vận hành và bảo dưỡng từ 2024 – 2028.

Về nguyên nhân kéo dài thời gian thực hiện dự án, TP. HCM cho biết. do dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp đã gây ra rất nhiều khó khăn trong quá trình triển khai thi công. Đồng thời, dự án tuyến Metro số 1 liên quan đến nhiều lĩnh vực, triển khai đầu tiên tại Việt Nam, thực hiện các quy định hợp đồng nước ngoài và trải qua nhiều giai đoạn điều chỉnh các quy định pháp luật Việt Nam.

Việc xử lý các nội dung tồn đọng chính để hoàn thành, kết thúc đàm phán phụ lục hợp đồng số 19 (hợp đồng tư vấn chung) giữa chủ đầu tư với Liên danh NJPT kéo dài do thay đổi về trình tự, quy định pháp lý trong quá trình lập, thẩm định và phê duyệt dự toán phát sinh.

Công tác nghiệm thu, thử nghiệm phải theo các tiêu chuẩn nước ngoài, trong khi chưa có các tiêu chuẩn tương đương ở Việt Nam. Công tác chuẩn bị đánh giá chứng nhận an toàn hệ thống cho việc vận hành gặp nhiều thay đổi về quy định pháp lý và các hướng dẫn từ cơ quan nhà nước có thẩm quyền, UBND TP.HCM cho biết thêm.

Về nguyên nhân đội vốn, trả lời báo giới, Ban Quản lý đường sắt đô thị TP (MAUR – chủ đầu tư dự án) cho biết, là do sự biến động giá của nguyên và nhiên liệu; tăng lương tối thiểu; tăng khối lượng xây dựng dự án; tăng đầu tư cho đầu máy, toa xe, trang thiết bị nhà ga; thay đổi tỷ giá; tăng tỷ lệ tính toán các chi phí dự phòng, rủi ro trượt giá và lạm phát nhiều năm qua; tăng chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư…

Cũng theo thừa nhận của Ban Quản lý đường sắt đô thị TP, thực tế tại các tuyến Metro trên chưa tính toán sát thực tế, không tham khảo, đối chiếu so sánh với suất đầu tư của các dự án quốc tế khác. Để dẫn tới tình trạng này do chủ đầu tư, các tư vấn lập dự án và tư vấn thẩm tra trong nước chưa có kinh nghiệm.

Tháng 12/2017, Bộ KHĐT đã từng báo cáo Thủ tướng, khẳng định việc đội vốn tuyến Metro số 1 có trách nhiệm của TP. HCM và 3 bộ Tài chính, GTVT và KH&ĐT.

Cá thể hóa trách nhiệm cá nhân tại dự án tuyến Metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) vẫn chưa có lời giải?

Nguyên ĐBQH PGS.TS Bùi Thị An cho rằng, chuyện các dự án này chậm tiến độ là do các nhiệm kỳ trước lãnh đạo không làm tròn chức trách, nhiệm vụ. Nếu vẫn chưa tìm được ai chịu trách nhiệm và xử lý công khai, thì tình trạng này sẽ còn tiếp tục kéo dài, năm này qua năm khác, ảnh hưởng nghiêm trọng đến lòng tin của người dân.

Tương tự, nguyên ĐBQH khóa XIV Nguyễn Hữu Cầu cũng đã từng hỏi Bộ trưởng Bộ GTVT, các dự án của ngành giao thông vận tải có nhiều tồn tại, trong đó có vấn đề chậm tiến độ, vấn đề đội vốn rồi vấn đề chất lượng kém. Bộ trưởng xem chúng ta có quy đến cùng không hay chỉ là tập thể?

Và trên thực tế, tại các kỳ họp của Quốc hội, vấn đề trách nhiệm cá nhân tại các dự án yếu kém cũng chưa được đưa ra tại các kỳ chất vấn, chuyên gia có gần 40 năm nghiên cứu về lĩnh vực giao thông tại Việt Nam, TS. Nguyễn Xuân Thủy cho biết.

Bài học của tuyến Metro số 1 đang cho thấy, dù là dự án lớn được kỳ vọng cho phát triển TP. HCM nhưng không những làm giảm hiệu quả đầu tư, ảnh hưởng vay ODA và cam kết vốn của nhà tài trợ, mà còn làm xói mòn niềm tin của người dân.

Từ câu chuyện Metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên cho đến hàng loạt dự án đường sắt độ thị đang chậm trễ, đội vốn lớn trên cả nước đang là vấn đề bức xúc. Tuy vậy, việc cá thể hóa trách nhiệm các nhân đến nay vẫn chưa có lời giải…