Cuối năm nay, hàng loạt dự án giao thông quan trọng ở TPHCM dự kiến được hoàn thành, tuy nhiên nhiều dự án, hạng mục phải dời kế hoạch.
Cuối năm 2024 đánh dấu một thời điểm quan trọng khi hàng loạt dự án giao thông lớn tại TPHCM dự kiến thông xe, đặc biệt là các dự án tại cửa ngõ thành phố, nơi hàng chục nghìn phương tiện lưu thông mỗi ngày.
Tuy nhiên, không phải tất cả các công trình đều hoàn thành đúng tiến độ. Một số dự án phải lùi thời gian thông xe sang đầu năm 2025 do nhiều lý do khác nhau. Đáng chú ý, dự án nút giao An Phú gặp khó khăn về mặt bằng dù một số gói thầu đã được đẩy nhanh tiến độ.
Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí vào cuối tháng 11, dự án nút giao An Phú đã dần thành hình, nhiều hạng mục vẫn đang được thi công.
Dự án nút giao An Phú được kỳ vọng sẽ thông xe trước một nhánh hầm chui HC1 vào cuối tháng 12 để giảm tải giao thông. Tuy nhiên, hạng mục này mới đạt gần 70% tiến độ, khiến kế hoạch thông xe phải dời sang năm 2025.
Khó khăn lớn nhất là vấn đề mặt bằng tại khu vực đường dẫn và cầu vượt hướng về đường Lương Định Của, với diện tích hơn 20.000m². Đây cũng là phần mặt bằng thuộc dự án đường Lương Định Của do Ban giao thông làm chủ đầu tư trong hơn 9 năm qua.
Phần mặt bằng này thuộc dự án khu đô thị phát triển An Phú do Công ty cổ phần Đầu tư Thủ Thiêm làm chủ đầu tư và hiện vẫn chưa có thời điểm bàn giao cụ thể. Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM, cho biết Ban giao thông đã nhiều lần kiến nghị TP Thủ Đức sớm giải quyết vấn đề mặt bằng.
“Ban giao thông sẽ báo cáo lại với lãnh đạo TP.HCM và cơ quan thẩm quyền về việc phải giãn tiến độ dự án. Toàn dự án dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2025 chứ không phải 30/4”, ông Phúc cho hay.
Tương tự, dự án xây mới cầu Tân Kỳ Tân Quý (quận Bình Tân) hiện đạt khoảng 85% khối lượng công việc, dự kiến phần cầu chính sẽ hoàn thành và thông xe vào tháng 1/2025 thay vì tháng 12/2024 như kế hoạch trước đó.
Ban Giao thông cho biết dự án phải dời kế hoạch thông xe do vướng mắc trong việc thống nhất hình thức di dời hệ thống lưới điện trung hạ thế và trạm biến áp tại hai đầu cầu.
Theo ghi nhận, hạng mục cầu bộ hành cầu Tân Kỳ Tân Quý đã hoàn thiện phần thô. Hoạt động thi công vẫn diễn ra nhộn nhịp.
Phần mặt cầu, vỉa hè, lan can cầu đang dần được thi công hoàn thiện. Cầu này dài 83m, rộng 16m, đoạn đường dẫn dài 225m. Công trình có vốn đầu tư hơn 312 tỷ đồng, sau đó được nâng lên 668 tỷ đồng do tính cả lãi vay trong thời gian xây dựng, chờ thu phí.
Cuối năm 2018, dự án đã thực hiện khoảng 70% khối lượng nhưng đình trệ do vướng mặt bằng. Ngày 14/3/2024, dự án được tái khởi động và thi công trở lại.
Tương tự, dự án mở rộng đường Dương Quảng Hàm (quận Gò Vấp) cũng đang gặp khó khăn về mặt bằng và lưới điện, dẫn đến việc thi công cầm chừng. Người dân thường xuyên tưới nước cho mặt đường để tránh bụi.
Hiện hàng trăm cây cột điện vẫn còn ngổn ngang ngay giữa công trình và hai bên đường chưa được di dời.
Dự án mở rộng đường Dương Quảng Hàm dài khoảng 2,5km, rộng 32m, quy mô 6 làn xe, với tổng mức đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng. Dự kiến, tuyến này hoàn thành mở rộng vào cuối năm nay, tuy nhiên phải dời kế hoạch sang năm 2025 vì chưa di dời hệ thống điện.
Thời gian thi công kéo dài khiến việc sinh hoạt, đi lại của những hộ dân sống trên tuyến đường Dương Quảng Hàm trở nên bất tiện vì không có đường ra vào.
Tương tự, dự án đường nối Trần Quốc Hoàn – Cộng Hòa (quận Tân Bình) đóng vai trò giảm tải áp lực cho khu vực cửa ngõ Tân Sơn Nhất cũng lùi thời gian hoàn thành đến cuối tháng 2/2025, thay vì cuối năm nay.
Nguyên nhân do vướng mắc mặt bằng tại gói thầu số 13. Theo Ban Giao thông TPHCM, gói thầu này còn vướng 67 hộ dân và khu vực Xí nghiệp dệt may 7 đang án ngữ trên tuyến và dự kiến hoàn thành trước 28/2/2025.
Vị trí một số dự án phải lùi kế hoạch hoàn thành (Đồ họa: Thư Trần).