Chúng tôi khao khát xây dựng một thương hiệu ô tô Việt Nam có thể cạnh tranh trên thị trường toàn cầu. Ngoài ra, chúng tôi cũng muốn phát triển một ngành công nghiệp có thể hỗ trợ các ngành công nghiệp khác ở Việt Nam”, ông Phạm Nhật Vượng từng chia sẻ.
Việt Nam đã làm được rồi đấy: VinFast – thương hiệu công nghiệp tốt
“Phải đặt câu hỏi, vì sao thế giới làm được mà Việt Nam mình lại không làm được?” là tâm thế của tỷ phú Phạm Nhật Vượng khi bắt tay làm VinFast. “Ví dụ như bây giờ mục tiêu là phải có được một thương hiệu công nghiệp tốt. Hyundai làm được, Toyota làm được, tại sao Việt Nam mình không làm được? Mỹ có Microsoft, có Apple… tại sao mình không có được? Cứ cho là mình không phải là số một, nhưng bét ra cũng vào top 5, top 10 đi. Những cái đó sẽ mang lại thương hiệu cho đất nước mình”, doanh nhân Phạm Nhật Vượng chia sẻ.
Đúng như Chủ tịch Vingroup tâm niệm “thế giới không chỉ biết đến một Việt Nam anh hùng mà phải biết đến một Việt Nam trí tuệ đẳng cấp”, VinFast hiện tại không chỉ chiến thắng tại “sân nhà” mà còn thành công chinh phục thị trường rộng lớn ngoài biên giới Việt Nam.
>> VinFast: Từ Zero đến Hero
Hình thành trong sự hoài nghi của số đông thiếu thiện chí, song, với lộ trình được hoạch định rõ ràng, có thứ tự bài bản, VinFast đang từng bước đưa ngành công nghiệp ô tô Việt Nam “có tên” trên bản đồ thế giới, thu hút ánh nhìn của những hãng xe tầm cỡ quốc tế.
20h ngày 15/8/2023 (giờ Việt Nam), VinFast đã rung chuông ra mắt trên Nasdaq Global Select Market
Ngày 15/8/2023, cổ phiếu VFS của VinFast Auto Ltd. đã chính thức giao dịch trên sàn Nasdaq, đánh dấu cột mốc lịch sử doanh nghiệp Việt Nam thành công niêm yết và tạo hiệu ứng lớn trên thị trường chứng khoán Mỹ.
Sau cú rung chuông của Tổng Giám đốc VinFast toàn cầu Lê Thị Thu Thuỷ, VFS giao dịch bùng nổ tăng 68,45% và kết phiên đầu tiên ở mức 37,06 USD/cp, tương ứng vốn hóa đạt hơn 85 tỷ USD, vượt hàng loạt tên tuổi như Li Auto, NiO, Rivian,…để trở thành nhà sản xuất xe điện lớn thứ 2 thế giới. Thậm chí, vốn hóa VinFast đã có lúc chạm mốc 191 tỷ USD, vươn lên vị trí thứ 3 trong các nhà sản xuất ô tô giá trị nhất thế giới và vào top 100 doanh nghiệp toàn cầu.
Cũng trong năm này, VinFast nỗ lực không ngừng củng cố và mở rộng thị phần. “Ươm mầm” tại 2 thị trường Việt Nam và Mỹ, tỷ phú Phạm Nhật Vượng nhanh chóng thu hoạch được những trái ngọt đầu tiên. Tính đến hết quý II/2024, VinFast đã thiết lập hệ thống showroom và cửa hàng đại lý tại 8 bang trên khắp nước Mỹ. Trong 2 quý đầu năm nay, VinFast đã bàn giao tổng cộng 2.152 xe đến tay khách Mỹ, tăng 153% so với cùng kỳ.
Ở thị trường nội địa, còn nhớ giai đoạn năm 2019 – 2020, khái niệm xe điện vẫn khá mơ hồ với nhiều người Việt Nam khi những thương hiệu ô tô lớn trung thành với những dòng xe dùng động cơ đốt trong truyền thống. Song, trong 1-2 năm trở lại đây, làn sóng xe điện trong nước bùng nổ không tưởng cùng loạt sản phẩm mới.
Tháng 10/2024, VinFast công bố đã bàn giao hơn 11.000 xe ô tô điện các loại cho khách hàng, nâng tổng số luỹ kế lên hơn 51.000 chiếc, chính thức trở thành thương hiệu ô tô bán chạy số một thị trường Việt Nam trong 10 tháng đầu năm.
Thành công trên là dấu mốc quan trọng, mang ý nghĩa bước ngoặt với ngành công nghiệp ô tô nước nhà. Chỉ trong vòng 5 năm gia nhập thị trường, VinFast không những khẳng định vị thế vững chắc mà còn chính thức vượt qua các hãng xe ngoại quốc để chiếm lĩnh thị phần lớn nhất. Đặc biệt, VinFast cũng là hãng xe điện đầu tiên vượt các hãng xe xăng đối thủ chỉ sau 2 năm chuyển đổi sang thuần điện để trở thành thương hiệu dẫn dắt thị trường.
Với lượng đơn đặt hàng đang chờ bàn giao cao, cùng năng lực sản xuất quy mô lớn, mạng lưới kinh doanh và trạm sạc liên tục mở rộng trên toàn quốc, VinFast tin tưởng sẽ giữ vững vị thế hãng xe số một thị trường và ngày càng gia tăng khoảng cách với các thương hiệu khác.
>> Bước đi chiến lược của tỷ phú Phạm Nhật Vượng trong việc kiểm soát toàn bộ chuỗi giá trị xe điện tại Việt Nam
Xe điện Việt Nam, tiến ra thế giới
Không chỉ tạo hiệu ứng tại thị trường trong nước, VinFast được nhận định là nhân tố thúc đẩy cách mạng xe điện ở Đông Nam Á.
Trang ASEAN Today, có trụ sở ở Singapore, từng có bài đánh giá khẳng định, cùng với Tesla của Elon Musk, VinFast của ông Phạm Nhật Vượng là nhân tố quan trọng tạo đà phát triển ngành công nghiệp ô tô khu vực Đông Nam Á.
Tiếp nối những thành tựu ban đầu trong việc xây dựng vị thế tại Việt Nam và Mỹ, VinFast liên tục có những bước đi mới tạo nên dấu ấn ở khu vực Đông Nam Á nói riêng và châu Á nói chung trong năm 2024.
VinFast ra mắt Indonesia – nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á vào tháng 2/2024. Theo thống kê, VinFast đã xuất khẩu hàng nghìn xe điện tới Philippines và Indonesia trong năm 2024.
Tháng 7/2024, VinFast khởi công xây dựng nhà máy lắp ráp xe điện tại thành phố Subang, tỉnh Tây Java, Indonesia. Dự án có vốn đầu tư ban đầu 200 triệu USD, công suất dự kiến 50.000 xe/năm và dự kiến đi vào hoạt động từ quý IV/2025.
Không chỉ có sự hiện diện của VinFast, ngay trong tháng 12/2024, hãng taxi Xanh SM – một thành viên khác trong hệ sinh thái của Vingroup đã khai trương tại thị trường Indonesia. Hiện tại, hãng taxi này đang triển khai giai đoạn chạy thử nghiệm diện rộng để hoàn thiện quy trình vận hành cuối cùng.
Ngày 23/12, V-GREEN và Xanh SM Indonesia đã ký Biên bản ghi nhớ (MoU) với Lippo Karawaci, tập đoàn phát triển bất động sản hàng đầu Indonesia.
Theo thỏa thuận, ba bên sẽ hợp tác nghiên cứu và thảo luận để mở rộng hệ sinh thái xe điện, thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh tại Indonesia. Cụ thể, các nỗ lực chung bao gồm xây dựng và vận hành trạm sạc xe điện do V-GREEN quản lý, cũng như phát triển các điểm đỗ taxi Xanh SM Indonesia tại các dự án bất động sản của Lippo Karawaci.
Được biết, Lippo Karawaci là doanh nghiệp bất động sản lớn nhất Indonesia về tổng tài sản và doanh thu. Tính đến cuối năm 2023, Lippo Karawaci sở hữu 41 bệnh viện, 59 trung tâm thương mại tại 29 thành phố lớn trên khắp quần đảo Indonesia, cùng đội ngũ nhân sự hơn 17.130 người. Với sự hợp tác cùng Lippo Karawaci, việc xây dựng và vận hành trạm sạc xe điện của V-GREEN, cũng như các điểm đỗ taxi Xanh SM sẽ có thể được triển khai tại 29 thành phố lớn của Indonesia. Điều này hỗ trợ tích cực người tiêu dùng trong việc tiếp cận và sử dụng xe điện VinFast.
Phạm Nhật Vượng – doanh nhân với sứ mệnh vươn mình cùng dân tộc
Nhận xét về VinFast, chuyên gia Kinh tế Phạm Chi Lan nói: “Những gì VinFast đã làm trong thời gian qua đã vượt trội so với các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam hàng chục năm nay. VinFast có hơn 7 năm nhưng đã làm được những điều các hãng khác chưa làm được”.
Hiện tại, một số doanh nghiệp trong nước đã sản xuất thành công các linh kiện như: khung gầm, vỏ cabin và cửa xe, săm lốp, trục dẫn, hệ thống điện… Việc tăng cường nội địa hóa của VinFast không chỉ giảm chi phí sản xuất mà còn tạo ra hàng triệu việc làm, thúc đẩy đổi mới công nghệ và nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp.
“Chúng tôi khao khát xây dựng một thương hiệu ô tô Việt Nam có thể cạnh tranh trên thị trường toàn cầu. Ngoài ra, chúng tôi cũng muốn phát triển một ngành công nghiệp có thể hỗ trợ các ngành công nghiệp khác ở Việt Nam”, ông Phạm Nhật Vượng từng chia sẻ.
Đến nay, mọi thứ đang theo đúng lộ trình đưa hoài bão của vị doanh nhân Việt thành hình. Song hành với sự thành công của VinFast là miếng bánh tỷ USD cho ngành công nghiệp phụ trợ ô tô tại Việt Nam. Bắt tay với VinFast là cơ hội để doanh nghiệp cung ứng Việt Nam tăng trưởng đột phá.
Bước ngoặt của các doanh nghiệp Việt khi tham gia chuỗi cung ứng với VinFast
Tại buổi tọa đàm về nội địa hóa ô tô VinFast, ông Trần Quốc Minh Đăng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Ý Chí Việt nhấn mạnh bước ngoặt lớn vào năm 2020 khi trở thành nhà cung cấp linh kiện cho VinFast. Hiện nay, doanh nghiệp đã cung cấp hơn 80 linh kiện và trên 60 khung nhựa cho các xe VF e34, VF 9 và xe buýt điện.
Việc bắt tay với VinFast là cơ hội để nhà cung cấp nhựa ngoại thất này khẳng định mình trong bối cảnh ngành công nghiệp ô tô nhiều năm bị coi là “tới ốc vít cũng không làm được”.
“Chúng tôi tự hào khi đã cung cấp được các linh kiện nhựa đòi hỏi độ khó và độ chính xác cao với hệ thống ADAS cho xe điện VinFast. Thành tựu hôm nay của chúng tôi là thành quả từ hơn 10 năm nỗ lực phát triển, củng cố tự tin, đẩy mạnh nội địa hóa”, ông Trần Quốc Minh Đăng chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Công ty Ứng dụng Công nghệ và CNC VINA – đối tác dập thân vỏ cửa xe cho biết CNC VINA đã vinh dự đồng hành cùng VinFast từ năm 2017, bao gồm nhiều công đoạn như sản xuất xe máy, ô tô và động cơ giai đoạn đầu… Trong quá trình đó, VinFast đã tạo động lực cho CNC VINA.
Từ cơ sở sản xuất với quy mô nhỏ chỉ 30 triệu USD, CNC VINA đã tăng trưởng gấp 12 lần trong 8 năm qua, với quy mô tài sản hiện đạt 500 triệu USD.
Nhà máy VinFast Hải Phòng
Đồng thời, một số doanh nghiệp trên sàn bước đầu đã nhận lại những lợi ích ban đầu như mặt giá trị thị trường khi hợp tác làm ăn với người giàu nhất Việt Nam như Tập đoàn 911, CTCP Pin Ắc quy miền Nam.
CTCP Pin Ắc quy miền Nam (PAC) đang sản xuất 100% ắc quy chì acid cho xe điện VinFast. Với sự bùng nổ về nhu cầu xe điện, cổ phiếu doanh nghiệp bán phụ tùng không thể thiếu cho VinFast đã tăng gấp đôi so với thời điểm đầu năm.
Tập đoàn 911 (NO1) ghi nhận cổ phiếu tăng mạnh lên mức 13.300 đồng/cp (+105% so với hồi cuối tháng 8/2024) sau thông tin sẽ lập thương hiệu “911 Taxi”. Ngày 26/10, NO1 ký biên bản ghi nhớ hợp tác với CTCP Di chuyển Xanh và Thông minh GSM về việc thuê, mua 2.200 chiếc ô tô điện VinFast. Đến tháng 11/2024, Tập đoàn 911 đã thông qua việc ký kết đồng mua bán xe ô tô và dịch vụ cho thuê pin với Công ty TNHH kinh doanh thương mại và dịch vụ VinFast. Giá trị hợp đồng 500 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự kiến trong quý II/2025.
Xe điện thay đổi cuộc chơi, nhiều hãng Taxi truyền thống khởi sắc khi đồng hành cùng VinFast
Bên cạnh nhóm cung ứng nguyên liệu, phụ tùng, sự thâm nhập của ô tô điện VinFast đang tạo ra sự xoay chuyển lớn – sức bật cho các doanh nghiệp trong ngành dịch vụ vận tải.
Tại buổi gặp gỡ giữa VinFast – GSM và hơn 50 doanh nghiệp vận tải hành khách tại Việt Nam, ông Hồ Chương, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Vận tải Quốc tế Sơn Nam kể lại câu chuyện mới đây, công ty đã ký hợp đồng mua xe ô tô chạy xăng của Toyota nhưng sau đó sẵn sàng hủy, mất tiền cọc để chuyển đổi sang dùng xe điện VinFast.
Là doanh nhân hiểu rõ sự thay đổi sau khi chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện, ông Nguyễn Ngọc Đồng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đồng Thúy (đơn vị vận hành hãng Lado Taxi) chia sẻ mọi thứ đã dần tốt lên, thậm chí là khởi sắc sau khi đặt niềm tin vào VinFast.
Từng phải loay hoay tìm hướng đi sau thời gian khó khăn vì dịch bệnh, giờ đây, Lado gắn với dàn taxi điện chất lượng được người dân, du khách tìm tới nhiều hơn. Doanh thu của Lado ngày càng tăng lên, cùng với đó là thu nhập của tài xế.
“Doanh thu của mỗi chiếc VF e34 mỗi ngày không dưới 1,8 triệu đồng. Tài xế khi gặp nhau không hỏi doanh thu bao nhiêu nữa, họ giơ bàn tay lên, nói về việc tiền lương của mình được bao nhiêu”, vị lãnh đạo Lado Taxi chia sẻ.
Lado Taxi hiện đã chuyển đổi hơn 800 xe sang xe điện và cam kết tỷ lệ sẽ đạt sẽ 100% với khoảng 1.100 xe. “Tôi vẫn nói vui với các doanh nghiệp là cứ chuyển đổi đi, lỗ tôi chịu vì tôi quá tự tin vào khả năng tiết kiệm chi phí của xe điện VinFast”, ông Đồng nói.
Sự ra đời những chiếc ô tô điện thông minh “made in Vietnam” đưa Việt Nam định danh vào bản đồ công nghiệp ô tô thế giới và mang đến đến những lợi ích kinh tế, sức khoẻ (góp phần bảo vệ môi trường), tinh thần to lớn cho người Việt.
VinFast, Xanh SM giải quyết bài toán kinh tế, an sinh xã hội cho địa phương
Song song với việc đẩy nhanh quá trình phát triển của nhiều doanh nghiệp, VinFast đem tới hàng trăm nghìn việc làm cho người dân.
Mỗi xưởng sản xuất của VinFast đặt tại các địa phương lại kéo theo nhu cầu tuyển dụng lượng lớn lao động. Gần nhất, tháng 12/2024, ngay sau lễ khởi động dự án nhà máy ô tô điện tại Khu kinh tế Vũng Áng, VinFast đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Tĩnh tổ chức tuyển dụng nhằm cung ứng nguồn nhân lực cho nhà máy.
Buổi tuyển dụng thu hút đông đảo người lao động. Theo kế hoạch, nhà máy VinFast Hà Tĩnh sẽ khánh thành giai đoạn 1 vào tháng 7/2025, chỉ sau 8 tháng khởi động dự án, tạo nên một kỷ lục thế giới mới trong ngành công nghiệp sản xuất ô tô. Khi đi vào hoạt động, nhà máy sẽ tạo ra gần 6.000 việc làm cho lao động địa phương, có thể tăng lên mức 15.000.
Bên cạnh những lao động tham gia vào chuỗi cung ứng sản xuất VinFast, hàng chục nghìn người sử dụng xe điện của hãng mang về mức thu nhập ổn định. Tính tới tháng 9/2024, Xanh SM có hơn 80.000 xe đang lưu hành hàng ngày trên đường. Số lượng khách hàng đã sử dụng dịch vụ của Xanh SM lên tới gần 150 triệu lượt, góp phần giảm phát thải khoảng hơn 100 nghìn tấn CO2 ra môi trường.
Nguồn: Mordor Intelligence
“Sự phát triển của Xanh SM hơn 1 năm bằng cả thập kỷ các hãng xe công nghệ khác” – đó là cách giới chuyên gia và cả người dùng nói về Xanh SM.