NSND Mạnh Tuấn tên thật là Nguyễn Đức Thỉnh, sinh năm 1929 tại Bắc Ninh, cùng quê với Xuân Hinh và cũng là cái nôi của quan họ, chèo cùng nhiều loại hình văn hóa dân gian Bắc Bộ.
Vua hề chèo đất Bắc và những cống hiến với nghệ thuật sân khấu
Ngay từ bé, NSND Mạnh Tuấn đã được tiếp xúc với âm nhạc, nghệ thuật qua việc đi xem những buổi diễn chèo, quan họ và diễn xướng dân gian ngoài đình, chùa, lễ hội.
Chính điều này đã làm nảy sinh trong lòng NSND Mạnh Tuấn niềm đam mê đặc biệt với chèo và quan họ, chầu văn.
Tuy nhiên, NSND Mạnh Tuấn lại không có điều kiện theo đuổi nghệ thuật từ nhỏ. Gia đình ông khá đông anh em, nghèo khó, mẹ lại mất sớm khi ông mới được 3 tháng t.uổi và cha đi bước nữa, khiến ông phải trong cảnh mẹ ghẻ con chồng.
Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, mới 8 t.uổi, NSND Mạnh Tuấn đã phải xa nhà đi ở đợ để nuôi thân. Nhưng vì mê chèo nên ông vẫn thường trốn chủ nhà đi xem, khi về ông không dám gọi cửa mà phải rúc vào đống rơm để ngủ.
Nhân cơ hội toàn quốc kháng chiến, bộ đội về làng, NSND Mạnh Tuấn xung phong làm liên lạc cho du kích địa phương. Trong quá trình làm việc, ông mạnh dạn xin đảm nhận vai trò văn nghệ, múa hát, diễn xướng và trở thành hạt nhân của đội văn công địch hậu.
Sau một thời gian tích lũy kinh nghiệm biểu diễn, từ năm 1952, NSND Mạnh Tuấn bắt đầu làm việc ở đoàn hát.
Vì ngoại hình gầy gò, giọng hát chưa có nhiều đặc sắc nên ban đầu, ông chỉ được phân công việc bảo quản đạo cụ cho đoàn, không được giao vai kép nền, kép chính trong vở diễn.
Nhưng vì đam mê nghệ thuật nên ông tự tìm tòi và học hỏi bằng mọi cách. Ông tự học đ.ánh trống và các làn điệu chèo quê hương mình, dòng m.áu chèo trong ông cứ thế lớn dần và được bồi đắp.
Ngoài ra, NSND Mạnh Tuấn cũng may mắn được các nghệ sĩ chèo nổi tiếng như Năm Ngũ, Tư Liên dìu dắt, phát triển tài năng và đam mê. Nhờ đó, ông có cơ hội đến với sân khấu, bắt đầu từ một vai phụ trong vở Tấm Điền.
Từ vai phụ đó, NSND Mạnh Tuấn bắt đầu được nhận thêm nhiều vai diễn khác nhau, dần dần trở thành kép chính và nổi tiếng.
Nhờ cái duyên sân khấu trời cho, sự cộng hưởng của Thanh và Sắc cùng việc tập luyện nghiêm túc đã giúp NSND Mạnh Tuấn đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật biểu diễn hài hước trên sân khấu chèo.
Có những vở diễn, ông đảm nhận cả ba vai cùng lúc như: cụ Mãng, thầy bói, sư cụ chạy đàn (trong vở Quan Âm Thị Kính).
Các vai diễn khác như cụ Sửu (vở Con trâu hai nhà), hề Thìn (vở Tấm Cám), anh Đường (vở M.áu chúng ta đã chảy), anh Phởn (vở Đường đi đôi ngả), anh Tích (vở Vẹn cả đôi đường), hề Ngự (vở Lọ nước thần)… dần đưa tên t.uổi NSND Mạnh Tuấn đến với công chúng.
NSND Mạnh Tuấn thu hút người xem bởi lối diễn dí dỏm, duyên dáng, đậm chất truyền thống, thấm đẫm tính văn hóa dân gian, đượm hồn làng quê Bắc Bộ, nhưng lại rất hiện đại qua sự biểu cảm, tiết tấu, ý thức điều độ.
Có thể nói, lối diễn của NSND Mạnh Tuấn là điển hình của sự hòa quyện tinh tế giữa nhạc và lời, diễn và hát, múa. Mọi cử chỉ, hành động, biểu cảm và lời thoại trên sân khấu đều được ông thực hiện theo giai điệu, nhịp phách, lên xuống chừng mực, rất duyên dáng, tinh tế mà lại có hồn, giàu xúc cảm. Ông có thể kết hợp linh hoạt giữa hát và diễn, múa một cách nhịp nhàng.
Nhờ đó, NSND Mạnh Tuấn đạt được rất nhiều thành tích như Huy chương vàng Hội diễn Sân khấu, Huy chương kháng chiến chống Pháp hạng Nhất, Huy chương chiến thắng hạng Nhất. Ông cũng là một trong những thế hệ nghệ sĩ nhân dân được phong danh hiệu sớm nhất. Công chúng ưu ái gọi ông là Vua hề chèo đất Bắc.
Ngoài sân khấu, NSND Mạnh Tuấn còn thành công trên màn ảnh, với nhiều vai diễn đặc sắc, ghi dấu ấn trong lòng công chúng. Nổi bật nhất phải kể đến vai Thống Biệu trong phim truyền hình Đất và người.
Người thầy đáng kính của nhiều nghệ sĩ lớn
Không chỉ thành công trên sân khấu, màn ảnh, NSND Mạnh Tuấn còn là một người thầy rất tâm huyết, từng đào tạo nhiều thế hệ học trò. Ông có ba học trò nổi danh nhất là NSƯT Xuân Hinh, NSND Quốc Anh, NSND Quốc Trượng.
Trong đó, Xuân Hinh là người học trò được NSND Mạnh Tuấn dìu dắt và chỉ bảo tận tình nhất, khi truyền đạt hết đam mê, kiến thức và dòng m.áu hề chèo cho anh. Anh tâm sự:
“Con người ta ai cũng có cha có mẹ, có người thầy của mình trong đời. Với tôi, NSND Mạnh Tuấn là người thầy quan trọng nhất trong sự nghiệp theo đuổi nghệ thuật của mình.
Thầy Mạnh Tuấn là người truyền và dạy cho tôi những vai hề chèo từ thưở đầu tiên, để tôi biết hát, biết diễn, biết ngôn ngữ, văn hóa để bước lên sân khấu. Thầy là người tôi luôn nể trọng và cúi đầu kính cẩn”.
Có thể thấy, lối diễn của Xuân Hinh ngày nay chịu nhiều ảnh hưởng từ NSND Mạnh Tuấn, từ cách phát âm, nhả chữ, đi lại trên sân khấu đến cách hát chầu văn, ả đào.
Chính NSND Mạnh Tuấn cũng truyền cho Xuân Hinh tình yêu với văn hóa dân gian, truyền thống để anh ý thức việc bảo tồn, lưu truyền nó. Diễn xướng lên đồng đạo Mẫu là một trong những loại hình văn hóa dân gian Xuân Hinh học được từ thầy mình và đang lưu truyền.
Không chỉ Xuân Hinh và Quốc Trượng, NSND Mạnh Tuấn còn đào tạo được một học trò xuất sắc khác là NSND Quốc Anh, đồng thời cũng là con rể ông. NSND Quốc Anh từng nói:
“Tôi nổi tiếng với những vai hề, chủ yếu là quan lại phong kiến như quan huyện, lý trưởng, xã trưởng hay những gã nông dân tha hóa là nhờ bố vợ tôi – NSND Mạnh Tuấn.
Nếu như Xuân Hinh sinh ra để làm hề thì tôi lại hoàn toàn khác. Nhưng chính bố vợ tôi đã chỉ ra cái mũi cao khi diễn thành như mỏ diều hâu, mắt sáng long lanh híp lại thành tên đểu và cái miệng thì có thể nhành tới mang tai. Thế là tôi chuyên trị hề chèo và thành công”.
Ngoài ra, NSND Mạnh Tuấn còn đào tạo nhiều học trò nổi tiếng khác như Vượng Râu, Xuân Nghĩa. Nghệ sĩ Vượng Râu nói:
“Đã có một số ý kiến cho rằng cách tấu hài của tôi na ná giống Xuân Hinh. Đó là vì chúng tôi đều học hề chèo từ một người – cố NSND Mạnh Tuấn nên đài từ và giọng giống nhau chứ không phải bắt chước”.