Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi điều chỉnh dự án sân bay 7.000 tỷ đồng này đã được thẩm định.
Báo cáo của Hội đồng Thẩm định về sân bay Sapa
Sau quá trình làm việc khẩn trương kéo dài 6 tháng, Hội đồng Thẩm định liên ngành vừa chính thức hoàn thành và gửi Báo cáo số 9832/BC đến UBND tỉnh Lào Cai về kết quả thẩm định Báo cáo Nghiên cứu tiền khả thi điều chỉnh Dự án Đầu tư xây dựng Cảng hàng không Sapa (sân bay Sapa) theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Theo thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan thường trực của Hội đồng Thẩm định liên ngành, toàn bộ 10/10 thành viên Hội đồng đã nhất trí thông qua Báo cáo Thẩm định, đạt tỷ lệ đồng thuận 100%.
Ảnh minh họa sân bay Sapa tương lai bằng AI ChatGPT
Trong đó, 5/10 thành viên đồng ý thông qua mà không có bất kỳ ý kiến bổ sung nào (chiếm 50%), còn lại 5/10 thành viên đồng ý thông qua nhưng kèm theo các góp ý nhằm hoàn thiện hơn nữa dự thảo (chiếm 50%).
Qua đó, Hội đồng xác nhận rằng Báo Cáo Nghiên cứu tiền khả thi điều chỉnh Dự án Đầu tư xây dựng Cảng hàng không Sapa hoàn toàn đủ điều kiện để được thông qua.
Sau khi tiếp thu đầy đủ, hoàn thiện theo những nội dung kiến nghị, thì Báo cáo Nghiên cứu tiền khả thi điều chỉnh Dự án đủ điều kiện để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư.
Tuy nhiên, Hội đồng cho rằng UBND tỉnh Lào Cai cần tiếp tục nghiên cứu các giải pháp tăng tính hấp dẫn của Dự án, như khung giá, phí, cơ chế bảo đảm đầu tư để đảm bảo tính khả thi của việc huy động nhà đầu tư và nguồn vốn tín dụng của Dự án.
Hội đồng Thẩm định liên ngành cũng đề nghị UBND tỉnh Lào Cai làm rõ và chịu trách nhiệm về việc đề xuất tăng vốn nhà nước trong tổng mức đầu tư Dự án sẽ bảo đảm thu hút được nhà đầu tư tham gia thông qua các cuộc làm việc, hội thảo lắng nghe nguyện vọng của các nhà đầu tư, tránh việc đến khi Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư, nhưng vẫn không có nhà đầu tư quan tâm.
Được biết, vốn nhà nước tham gia Dự án được điều chỉnh tăng từ 39,29% lên 49,16% tổng mức đầu tư.
Sân bay Sapa chưa hẹn ngày khởi công
Sân bay Sapa nằm trên địa bàn xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên với diện tích 370 ha, được quy hoạch trở thành cảng hàng không lưỡng dụng, vừa phục vụ quân sự, vừa chở khách. Sân bay Lào Cai sau khi hoàn thành giai đoạn 1 sẽ đáp ứng được nhu cầu đi lại cho 1,5 triệu hành khách/năm vào năm 2026.
Sân bay này sẽ có khả năng khai thác các loại máy bay như Airbus A320, A321 và tương đương trở xuống với 9 vị trí đỗ máy bay.
Theo chủ trương được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2021, dự án sân bay này được thực hiện theo hình thức đối tác công tư (hợp đồng PPP), tổng vốn đầu tư khoảng 7.000 tỷ đồng.
Hiện trạng khu đất xây dựng dự án xây dựng Cảng hàng không Sapa, Lào Cai. Ảnh: Báo Lao động
Dự án sân bay Sapa đã được “rậm rịch” từ tháng 3/2022, đến nay cơ bản hoàn thành công tác đền bù, tái định cư, giải phóng, san tạo mặt bằng giai đoạn 1. Trong thời gian qua, Sở Giao thông Vận tải Lào Cai đã thực hiện các thủ tục lựa chọn nhà đầu tư để khởi công dự án. Tuy nhiên, qua 2 lần mời thầu, thậm chí phải gia hạn thời gian 2 lần, nhưng vẫn chưa tìm được đối tác.
Trước đó, UBND tỉnh Lào Cai đã khảo sát mức độ quan tâm của các nhà đầu tư đối với Dự án thành phần 2 – Xây dựng cảng hàng không Sapa, với thời gian khảo sát kéo dài một tháng (từ ngày 3/11/2021 đến ngày 3/12/2021).
Hiện trạng khu đất xây dựng dự án xây dựng Cảng hàng không Sa Pa, Lào Cai. Ảnh: Báo Lao động
Kết quả khảo sát cho thấy chỉ có 2 nhà đầu tư bày tỏ sự quan tâm. Tuy nhiên, dù đã tiến hành mời thầu hai lần (vào tháng 8/2022 và tháng 12/2022), nhưng không có nhà đầu tư nào nộp hồ sơ dự thầu.
UBND tỉnh Lào Cai nhận định rằng việc đầu tư vào hạ tầng sân bay đòi hỏi nguồn vốn rất lớn, trong khi thời gian thu hồi vốn lại kéo dài. Thêm vào đó, tác động của đại dịch Covid-19 và những khó khăn trong ngành bất động sản đã khiến các nhà đầu tư không còn mặn mà với Dự án này.
Kết quả bình chọn của Tạp chí du lịch Times Out với các điểm đến hấp dẫn năm 2024 công bố thị xã Sa Pa (tỉnh Lào Cai, Việt Nam) là một trong 16 thị trấn nhỏ đẹp nhất thế giới. Nơi đây là thị trấn nghỉ dưỡng nổi tiếng từ những năm 1920.
Sau này, thị xã Sa Pa được thành lập trên cơ sở toàn bộ diện tích 681km2 và dân số 66.600 người của huyện Sa Pa (Lào Cai). Nằm trên dãy núi Hoàng Liên với độ cao trung bình 1500-1800m so với mực nước biển, đây là thị xã cao nhất Việt Nam.