Nhà đất tôi đang thế chấp sổ đỏ ở ngân hàng, nay tôi muốn làm di chúc để lại cho con. Vậy phải làm thế nào?
Bạn đọc P.N.H. (TP.HCM) gửi câu hỏi tư vấn.
* Luật sư NGUYỄN PHONG PHÚ (Đoàn luật sư TP.HCM) tư vấn về làm di chúc với tài sản đang thế chấp ngân hàng:

Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về di chúc và thế chấp tài sản như sau:
Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết.
Di chúc phải lập bằng văn bản; nếu không thể lập được di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng.
Di chúc bằng văn bản bao gồm: di chúc bằng văn bản không có người làm chứng, di chúc bằng văn bản có người làm chứng; di chúc bằng văn bản có công chứng; di chúc bằng văn bản có chứng thực.
Thế chấp tài sản là việc bên thế chấp dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và không giao tài sản cho bên nhận thế chấp. Thế chấp tài sản phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba kể từ thời điểm đăng ký.
Người làm chứng trong di chúc có thể khiếu nại đòi tài sản cho người thừa kế không?
Tôi đang ở nước ngoài, có thể làm di chúc cho con ở đâu?
Di chúc do ai xác nhận mới đủ cơ sở pháp lý?
Theo quy định tại khoản 8 điều 320 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì bên thế chấp không được bán, trao đổi, tặng cho tài sản thế chấp, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 và khoản 5 điều 321 bộ luật này (khoản 4 và 5 điều 321 quy định về việc được bán, thay thế, trao đổi tài sản thế chấp là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh; kho hàng và sự đồng ý của bên nhận thế chấp nếu về việc bán trao đổi, tặng cho tài sản thế chấp không phải là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh hoặc theo quy định pháp luật).
Như vậy đối với tài sản thế chấp, pháp luật không quy định cấm cá nhân thể hiện ý chí chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết nên tùy trường hợp, tình huống cụ thể mà anh có thể chọn hình thức di chúc phù hợp.
Cần lưu ý, do tài sản đang thế chấp, theo quy định tại khoản 1 điều 615, thì người hưởng thừa kế phải có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Có nghĩa là nghĩa vụ liên quan đến tài sản thế chấp phải được thực hiện trước khi tài sản được chuyển giao cho người hưởng thừa kế.