an Quản lý dự án đường sắt đô thị TPHCM đề xuất UBND TP xem xét chỉ đạo các đơn vị nghiên cứu việc áp dụng mô hình tổng công ty đường sắt đô thị như Tập đoàn Quảng Châu Metro của Trung Quốc.
Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị TPHCM (MAUR) vừa báo cáo UBND TPHCM về kết quả chuyến công tác của đơn vị tại Trung Quốc để trao đổi, học tập kinh nghiệm đầu tư, xây dựng, quản lý và vận hành đường sắt đô thị ở Quảng Châu.
Theo đó, đoàn công tác của MAUR kiến nghị UBND TPHCM chỉ đạo Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp cùng Ban Đổi mới quản lý doanh nghiệp, MAUR, công ty vận hành metro số 1 và các đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất việc áp dụng mô hình tổng công ty đường sắt đô thị do TP nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Tổng công ty có chức năng huy động vốn, quản lý đầu tư xây dựng, phát triển và vận hành dự án đường sắt đô thị, đồng thời kinh doanh đa ngành trên cơ sở khai thác hiệu quả các tài sản thuộc quản lý của tổng công ty để đảm bảo tự chủ ngân sách, duy trì dịch vụ vận chuyển hành khách chất lượng cao.
Theo MAUR, mô hình hoạt động tích hợp của Tập đoàn Quảng Châu Metro đang được nhiều công ty ở thành phố khác học tập. Ưu điểm là có thể làm chủ được toàn bộ vòng đời của dự án từ khi lập quy hoạch, đầu tư xây dựng đến kinh doanh và bảo trì.
Tàu metro số 1 chạy thử nghiệm đoạn trên cao (Ảnh: Hải Long).
MAUR đề xuất UBND TPHCM giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước thành phố (HFIC) và các cơ quan liên quan nghiên cứu đa dạng nguồn lực tài chính để đầu tư xây dựng hệ thống metro, đa dạng hóa nguồn thu từ quá trình vận hành, khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị.
Cơ quan này cũng đề xuất TPHCM giao Sở Quy hoạch Kiến trúc chủ trì rà soát, xây dựng kế hoạch tổng thể về khai thác các quỹ đất xung quanh nhà ga và dọc các tuyến metro, vành đai, vùng phụ cận trên địa bàn để phát triển mô hình TOD (phát triển đô thị lấy giao thông công cộng làm trung tâm)
Tập đoàn Quảng Châu Metro là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, tổng tài sản hơn 630 tỷ nhân dân tệ (khoảng 90 tỷ USD) và tổng doanh thu hơn 14 tỷ nhân dân tệ (khoảng 2 tỷ USD), đứng thứ 3 các công ty cùng ngành ở Trung Quốc.
Hoạt động đầu tư và tài chính của hệ thống metro tại TP Quảng Châu bắt đầu từ sử dụng vốn ngân sách (Trung ương đến địa phương) cho đến việc sử dụng vốn ngoài ngân sách thông qua huy động các khoản vay, hợp tác công tư PPP, kinh doanh bất động sản kết hợp trong quá trình phát triển TOD, phát hành trái phiếu, cổ phiếu.