Với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) mới nhất, thời điểm công nhận quyền sử dụng đất với đất không giấy tờ, đang được cá nhân, hộ gia đình sử dụng ổn định sẽ kéo dài thêm 10 năm so với quy định cũ.
Chính phủ vừa có báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội một số nội dung dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Theo đó, Chính phủ thống nhất với phương án tại dự thảo luật do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, chỉnh lý.
Cụ thể, cá nhân, hộ gia đình sử dụng đất, không có giấy tờ về quyền sử dụng đất, không vi phạm pháp luật đất đai và không thuộc trường hợp giao đất trái thẩm quyền trước ngày 1-7-2014 sẽ được xem xét cấp sổ đỏ.
Kéo dài thêm 10 năm so với quy định cũ
Thực tế quy định Luật Đất đai hiện nay, thời hạn mốc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu với trường hợp này là đất được sử dụng ổn định trước ngày 1-7-2004.
Như vậy, ở lần chỉnh sửa này, thời điểm công nhận quyền sử dụng đất với đất không giấy tờ, đang được cá nhân, hộ gia đình sử dụng ổn định kéo dài thêm 10 năm so với quy định cũ.
Cũng tại báo cáo này, Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét Quỹ Phát triển đất (điều 114). Theo đó, Quỹ Phát triển đất không phải là chính sách mới, mà đã được quy định từ Luật Đất đai năm 2003, 2013.
Đây là quỹ nhận vốn từ nguồn tiền sử dụng đất, thuê đất, tiền thu từ đấu giá quyền sử dụng đất và huy động các nguồn khác theo quy định để ứng vốn và chi hỗ trợ trong lĩnh vực bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; tạo quỹ đất và phát triển quỹ đất phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Thực tế, thời gian qua, Quỹ Phát triển đất là nguồn tài chính quan trọng để Nhà nước chủ động thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, xây dựng các khu tái định cư; phát triển quỹ đất để tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, đảm bảo việc tiếp cận đất đai kịp thời, minh bạch, khách quan, hạn chế tiêu cực và tăng thu ngân sách.
Chính phủ khẳng định nếu bỏ Quỹ Phát triển đất sẽ dẫn đến thiếu linh hoạt, chủ động trong tạo quỹ đất, xây dựng các khu tái định cư, các dự án sẽ phải kéo dài khâu giải phóng mặt bằng, làm chậm tiến độ trong giải ngân vốn đầu tư công, không khả thi trong đấu giá quyền sử dụng đất.
“Việc phải có Quỹ Phát triển đất là góp phần thực hiện thể chế đầy đủ quan điểm của nghị quyết số 18 của trung ương”, theo Chính phủ quy định này cũng nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với Luật Nhà ở vừa được Quốc hội thông qua.
Giữ nguyên Quỹ Phát triển đất, có cơ chế trường hợp ứng vốn
Vì vậy, cùng với việc giữ nguyên quy định này, Chính phủ cũng đề nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ngân sách nhà nước nhằm đảm bảo nguồn vốn cho Quỹ Phát triển đất hoạt động từ nguồn ngân sách nhà nước.
Bao gồm việc có cơ chế để Quỹ Phát triển đất bảo toàn vốn đối với trường hợp đã ứng vốn cho tổ chức được giao.
Hiện nay Luật Ngân sách nhà nước quy định không hỗ trợ ngân sách cho các quỹ tài chính ngoài ngân sách.
Luật cũng quy định tiền sử dụng đất phải nộp vào ngân sách nhà nước mà không khấu trừ chi phí đã phải ứng trước để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, xây dựng hạ tầng để tạo quỹ đất đấu giá.
Điều này làm tê liệt hoạt động của Quỹ Phát triển đất do không được cấp vốn và không có cơ chế hoàn vốn để bảo toàn vốn, đảm bảo tính khả thi của các quy định liên quan đến Quỹ Phát triển đất tại Luật Nhà ở vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6.
Luật Đất đai sửa đổi dự kiến được Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp bất thường lần thứ 5 trong tháng 1 này. Trước khi trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến dự thảo Luật Đất đai sửa đổi.