Trần Nghĩa cho biết, anh dành nhiều thời gian và công sức để hóa thân vào vai Tùng trong “Chúng tôi của 8 năm sau” – một nhân vật hoàn toàn khác với anh ở ngoài đời.
Tùng trái ngược hẳn so với tính cách của tôi ngoài đời
Sự yêu thích của khán giả dành cho bộ phim “Chúng ta của 8 năm sau” trong thời gian qua có khiến bạn bất ngờ?
– Điều này không làm tôi quá ngạc nhiên bởi Chúng ta của 8 năm sau là một bộ phim của tuổi trẻ, kịch bản rất chân thực, gần gũi, dàn diễn viên trẻ trung, và tươi mới. Phim được dàn dựng bởi những đạo diễn, biên kịch uy tín của VFC, bởi vậy càng thêm phần thuyết phục.
Sau 3 năm mới trở lại với phim truyền hình, tôi vui vì mình đã chọn đúng dự án và được đạo diễn cùng ê-kíp tin tưởng.
Tuy phim được yêu thích nhưng nhân vật Tùng của bạn lại khiến nhiều người phẫn nộ bởi tính cách trăng hoa, dối trá. Trên các diễn đàn, hàng loạt ý kiến chỉ trích vai diễn của bạn. Đặc biệt, sau tập 12, khi Tùng bị bắt quả tang ngoại tình. Điều này có khiến bạn bị tác động về tâm lý?
– Tôi có bị tác động, nhưng theo chiều hướng tích cực. Thấy mọi người ghét và “ném đá” Tùng, tôi vui bởi mình đã làm ra chất nhân vật, không bị đóng khung hoặc nhầm lẫn với vai diễn trước đó.
Xem phim, nhiều khán giả nói với tôi họ không còn nhận ra thầy giáo Nghĩa chung tình, hiền lành. Thay vào đó là Tùng đáng ghét, khó ưa từ điệu bộ, đi đứng đến cách nói chuyện.
Tùng trái ngược hẳn so với tính cách của tôi ngoài đời, cũng không hề giống những nhân vật tôi đã từng đảm nhận trước đó. Bởi vậy, để đảm nhận vai diễn này, tôi đã phải đầu tư thời gian nghiên cứu kỹ về nhân vật và trau dồi rất nhiều.
Trần Nghĩa kết nối, chia sẻ với Hoàng Huyền (diễn viên đảm nhận vai cô giáo Nguyệt – PV) như thế nào để tạo nên những tương tác tự nhiên cho vai diễn?
– Trong lúc thể hiện nhân vật, tôi không coi Huyền là mục tiêu tán tỉnh, như cách các chàng trai vẫn làm ngoài đời.
Để các cảnh quay diễn ra tự nhiên nhất, tôi không trao đổi trước rằng mình sẽ làm gì mà luôn để cô ấy tự ứng biến theo cảm nhận. Ở phần 1, Tùng và Nguyệt không có những cảnh riêng với nhau nên tôi và Huyền hơi thiệt thòi một chút.
Cũng bởi vậy, mỗi khi xuất hiện cùng cả nhóm, tôi luôn tìm cách kết nối với Huyền bằng mắt nhiều nhất có thể, nhờ vậy hai người tìm thấy ở nhau sự đồng điệu trong diễn xuất.
Ngoài đời, Hoàng Huyền là cô gái trưởng thành, đương nhiên đôi lúc vẫn hơi nhõng nhẽo theo kiểu con gái. Cô ấy từng học tâm lý nên nắm bắt tâm lý mọi người rất nhanh, tính cách của Huyền và nhân vật trong phim thật ra khá tương đồng.
Nhiều ý kiến khán giả cho rằng, phim “Chúng ta của 8 năm sau” không nên thay đổi diễn viên ở giai đoạn 2 vì 4 gương mặt hiện tại đang làm rất tốt. Bạn có tiếc nuối khi mình hết vai ngay sau tập 15?
– Nếu nói không tiếc nuối thì chắc chắn là nói dối. Bản thân tôi hay 3 diễn viên còn lại đều có một chút bâng khuâng, mỗi khi cả nhóm gặp nhau hoặc bàn tán với nhau về phim, chúng tôi thường nói đùa rằng: “Ước gì được quay thêm vài tập nữa thì vui biết bao”.
Thế nhưng, suy cho cùng, có một chút nuối tiếc như vậy thì khán giả sẽ mong chờ các dự án tiếp theo của chúng tôi hơn. Phần 2 bộ phim Chúng ta của 8 năm sau do dàn diễn viên có kinh nghiệm của VFC đảm nhiệm, tôi tin phim sẽ rất đáng xem và mong khán giả tiếp tục ủng hộ tác phẩm.
Tôi cũng thích mẫu phụ nữ như cô giáo Nguyệt
Ngoài đời, Trần Nghĩa có thích mẫu người phụ nữ như cô giáo Nguyệt và có từng rơi vào hoàn cảnh éo le như Tùng trong “Chúng ta của 8 năm sau”?
– Tôi cũng thích những người phụ nữ nhẹ nhàng, tinh tế và thông minh, làm cô giáo như Nguyệt thì càng tốt vì đó là một công việc tuyệt vời.
Ngoài đời, tôi không sống như Tùng nên chưa bao giờ gặp hoàn cảnh như vậy, thậm chí đến bây giờ, tôi vẫn không nghĩ mình có thể lẻo mép và tán gái luôn miệng như thế khi hóa thân vào nhân vật.
Cũng may là chỉ diễn 15 tập thôi chứ 40 tập mà lúc nào cũng lẻo mép vậy, tôi sợ mình bị nhập cả ngoài đời thực lúc nào không biết (cười).
Trong cuộc sống, những người quen biết tôi đều bảo rằng tôi hơi bảo thủ. Bảo thủ ở đây nghĩa là khi tôi đã có trong đầu một suy nghĩ, một niềm tin, hay một tình cảm, tôi rất khó để lay chuyển. Tôi đã yêu ai thì chỉ hướng về người đó.
Nhiều đồng nghiệp cũng nhận xét Trần Nghĩa rất trầm tính và già dặn so với tuổi. Điều này có đúng?
– Có lẽ vậy. Tôi đã đi qua lứa tuổi 20 hồn nhiên, ngây thơ, nhìn mọi thứ đều tươi sáng và tích cực. Bình thường tôi đã rất trầm, khi từng trải hơn, trải qua những vật lộn, biến động của cuộc sống, tôi càng trầm lặng.
Tuy nhiên, tôi chỉ trầm lặng trong những suy nghĩ của mình, còn trong cuộc sống, tôi không phải là người khép kín. Tôi chơi được với tất cả mọi người, cả những người già dặn hơn lẫn những người kém tuổi.
Khi trò chuyện với những người trẻ, tôi “nhiễm” năng lượng, sự sôi động và nhiệt huyết của họ. Trong khi đó, những người nhiều tuổi lại ảnh hưởng tới tôi bởi những tư duy hoặc suy nghĩ nhất định. Tôi nghĩ sự đa dạng đó là điều tích cực.
Vậy còn cách yêu của bạn hiện tại như thế nào? Một người đàn ông rất trầm, lại tự nhận mình sống nội tâm, chắc hẳn cô gái bên bạn cũng phải đặc biệt?
– Cách yêu của tôi không khác mọi người, tôi nghĩ vậy. Khi bước vào một câu chuyện tình cảm, điều cần nhất là đặt hết tình cảm của mình vào trong đó. Tình cảm là thứ mà những người yêu nhau dễ dàng hiểu và cảm nhận được, không cần tô vẽ hay bôi trát.
Với một người theo đuổi nghiệp diễn như tôi, người bên cạnh phải thực sự hiểu thông cảm và bỏ qua được. Họ sẽ không tránh khỏi những lúc tủi thân, những khi vì đi làm phim mà tôi phải đi vắng cả tháng, hoặc chỉ về nhà lúc đêm muộn.
Thế nhưng, khi đã hiểu, đó sẽ là một tình yêu rất lâu dài và bền chặt. Lý do bởi quan điểm của tôi vô cùng rõ ràng: Công việc là công việc, không liên quan tới cuộc sống bên ngoài.
Tôi rất hạn chế tiếp xúc, gần gũi bạn diễn, dù ở bất kỳ đâu. Trong đầu tôi không bao giờ có suy nghĩ rằng đồng nghiệp thì có thể cầm tay hay ôm ấp thoải mái.
Tôi tự đặt ra ranh giới như thế, để mọi người không hiểu lầm tình cảm, thái độ của mình. Tôi nghĩ đó cũng là cách để người bên cạnh tôi thoải mái và yên tâm.
Cảm ơn những chia sẻ của anh!