heo Luật sư, căn cứ vào các quy định pháp luật Việt Nam thì việc Hải “bánh” được giảm án nhiều lần và được tha tù trước thời hạn khi chấp hành được 21 năm tù là hoàn toàn phù hợp với các quy định pháp luật. Với thời hạn 21 năm chấp hành án thì đây cũng là thời hạn đủ để một người chịu án chung thân có thể được trở về với đời sống xã hội nếu đủ điều kiện để giảm thời hạn chấp hành hình phạt theo quy định của Luật Thi hành án hình sự.
Vừa qua, Nguyễn Tuấn Hải (còn gọi là Hải “bánh”) đã hết thời hạn chấp hành án và ra tù vào sáng ngày 27/01/2022. Như vậy, Hải “bánh” đã ra tù sau 21 năm thụ án tại trại giam.
Theo một cán bộ trại giam, thời gian thụ án, Hải rất ân hận về những tội mà bản thân đã gây ra và nhiều năm liền cải tạo tốt. Quá trình cải tạo, Hải “bánh” được giảm án liên tục trong các năm từ 2015 đến năm 2021 và đến thời điểm hiện nay, Hải “bánh” đã hết thời gian chấp hành án phạt tù.
Trước đó, vào những năm 1990 – 2000, thời Trương Văn Cam (tức Năm Cam) và bà trùm Vũ Thị Hoàng Dung (tức Dung Hà) khét tiếng giang hồ ở TP. HCM về các hoạt động phi pháp cờ bạc, vay nặng lãi, bảo kê nhà hàng, vũ trường,…
Lúc này, Hải “bánh” là “đệ tử ruột” của ông trùm Năm Cam. Khi mối quan hệ giữa ông trùm Năm Cam và Dung Hà đối đầu nhau, bà trùm Dung Hà đã bị bắn chết. Sau đó, Năm Cam và các đồng phạm bị bắt giữ. Hải ‘”bánh” được xác định là một mắt xích của vụ án và là một trong những người tham gia giúp Năm Cam giải quyết mâu thuẫn với Vũ Hoàng Dung (Dung Hà).
Năm 2003, TAND TP. HCM mở phiên tòa xét xử Năm Cam và đồng phạm. Tại phiên toà, Năm Cam và 5 bị cáo khác bị toà tuyên án tử hình. Riêng Hải “bánh” bị toà tuyên chung thân về tội “Giết người” với vai trò đồng phạm, giúp sức cho kẻ chủ mưu Trương Văn Cam.
Theo Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp cho biết, việc anh Nguyễn Tuấn Hải (tức Hải ‘bánh”) bị tuyên án chung thân nhưng được tha tù sau 21 năm thụ án không phải là chuyện hi hữu, dưới góc độ pháp lý thì chuyện này hoàn toàn có thể xảy ra. Trong trường hợp không được đặc xá, giảm án, tha tù trước thời hạn thì Hải “bánh” sẽ phải chấp hành hình phạt tù chung thân, nghĩa là sẽ ở tù đến hết đời. Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam có quy định về đặc xá, giảm án, tha tù trước thời hạn. Theo đó người phải chấp hành hình phạt tù (kể cả tù chung thân) nếu chấp hành tốt trong quá trình cải tạo thì vẫn có cơ hội được giảm án, được trở về với gia đình.
Thời điểm Hải “bánh” bị xét xử, bị thi hành án với mức án tù chung thân là thời điểm đang có hiệu lực pháp luật của Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009. Theo Điều 58 Bộ luật Hình sự quy định về giảm mức hình phạt đã tuyên thì người bị kết án cải tạo không giam giữ, nếu đã chấp hành hình phạt được một thời gian nhất định và có nhiều tiến bộ, thì theo đề nghị của cơ quan, tổ chức hoặc chính quyền địa phương được giao trách nhiệm trực tiếp giám sát, giáo dục, Tòa án có thể quyết định giảm thời hạn chấp hành hình phạt.
Người bị kết án phạt tù, nếu đã chấp hành hình phạt được một thời gian nhất định và có nhiều tiến bộ, thì theo đề nghị của cơ quan thi hành án phạt tù, Toà án có thể quyết định giảm thời hạn chấp hành hình phạt. Thời gian đã chấp hành hình phạt để được xét giảm lần đầu là một phần ba thời hạn đối với hình phạt cải tạo không giam giữ, hình phạt tù từ ba mươi năm trở xuống, mười hai năm đối với tù chung thân.
Một người có thể được giảm nhiều lần, nhưng phải bảo đảm chấp hành được một phần hai mức hình phạt đã tuyên. Người bị kết án tù chung thân, lần đầu được giảm xuống ba mươi năm tù và dù được giảm nhiều lần cũng phải bảo đảm thời hạn thực tế chấp hành hình phạt là hai mươi năm.
Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 cũng quy định tại Điều 63 như sau: “Người bị kết án cải tạo không giam giữ, phạt tù có thời hạn hoặc phạt tù chung thân, nếu đã chấp hành hình phạt được một thời gian nhất định, có nhiều tiến bộ và đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự, thì theo đề nghị của cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền, Tòa án có thể quyết định giảm thời hạn chấp hành hình phạt”.
Thời gian đã chấp hành hình phạt để được xét giảm lần đầu là một phần ba thời hạn đối với hình phạt cải tạo không giam giữ, hình phạt tù có thời hạn, 12 năm đối với tù chung thân. Người bị kết án tù chung thân, lần đầu được giảm xuống 30 năm tù và dù được giảm nhiều lần cũng phải bảo đảm thời hạn thực tế chấp hành hình phạt là 20 năm.
“Như vậy, theo quy định của pháp luật Việt Nam với người bị kết án tù chung thân thì cánh cửa cuộc đời của họ chưa hẳn đã là đóng lại. Thẩm chí với người bị kết án tử hình thì vẫn có thể có cơ hội được sống nếu họ được Chủ tịch nước ân giảm hoặc được đặc xá, đại xá”, Luật sư Cường cho biết.
Với chính sách khoan hồng, nhân đạo của pháp luật thì người bị kết án tù chung thân nếu tích cực cải tạo trong thời gian chấp hành án, được nơi cải tạo ghi nhận thì vẫn có cơ hội được giảm thời gian chấp hành hình phạt tù. Theo đó, sau khi chấp hành được 12 năm mà đủ điều kiện để xét giảm án theo quy định của pháp luật thì sẽ được giảm xuống tù có thời hạn là 30 năm. Tiếp đó mỗi năm thường sẽ có 3 đợt giảm án là đợt 30/4, đợt 02/9 và đợt Tết âm lịch.
Nếu quá trình cải tạo tiếp theo vẫn đủ điều kiện để được xem xét giảm án thì sẽ được giảm nhiều lần nhưng tối thiểu phải chấp hành đủ 20 năm tù theo quy định tại Điều 58 Bộ luật Hình sự năm 1999 và Điều 63 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Theo Luật sư Cường, căn cứ vào các quy định pháp luật nêu trên thì Nguyễn Tuấn Hải được giảm án nhiều lần và được tha tù trước thời hạn khi chấp hành được 21 năm tù là hoàn toàn phù hợp với các quy định pháp luật. Với thời hạn 21 năm chấp hành án thì đó là thời hạn đủ để một người chịu án chung thân có thể được trở về với đời sống xã hội nếu đủ điều kiện để giảm thời hạn chấp hành hình phạt theo quy định của Luật Thi hành án hình sự.
Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp.
Ngoài ra, Điều 64 Bộ luật Hình sự năm 2015 còn quy định về giảm thời hạn chấp hành hình phạt trong trường hợp đặc biệt, cụ thể như sau: “Người bị kết án có lý do đáng được khoan hồng thêm như đã lập công, đã quá già yếu hoặc mắc bệnh hiểm nghèo, thì Tòa án có thể xét giảm vào thời gian sớm hơn hoặc với mức cao hơn so với thời gian và mức quy định tại Điều 63 của Bộ luật này”.
Như vậy, dưới góc độ pháp lý thì còn có một số trường hợp bị kết án tù chung thân nhưng do lập công trong quá trình cải tạo (như cứu người, ngăn chặn hành vi tội phạm đặc biệt nghiêm trọng) hoặc quá già yếu hoặc mắc bệnh hiểm nghèo thì có thể được giảm án, được tha tù trước thời hạn mà thời hạn chấp hành án không bắt buộc phải đến 20 năm.
Trường hợp người được tha tù trước thời hạn có điều kiện cố ý vi phạm nghĩa vụ 02 lần trở lên hoặc bị xử phạt vi phạm hành chính 02 lần trở lên trong thời gian thử thách, thì Tòa án có thể hủy bỏ quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện đối với người đó và buộc họ phải chấp hành phần hình phạt tù còn lại chưa chấp hành.
Nếu người đó thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời gian thử thách thì Tòa án buộc người đó chấp hành hình phạt của bản án mới và tổng hợp với phần hình phạt tù chưa chấp hành của bản án trước theo quy định tại Điều 56 của Bộ luật này.
Người được tha tù trước thời hạn có điều kiện đã chấp hành được ít nhất là một phần hai thời gian thử thách và có nhiều tiến bộ thì theo đề nghị của cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền, Tòa án có thể quyết định rút ngắn thời gian thử thách.
Như vậy, pháp luật quy định rất nhiều trường hợp người chấp hành hình phạt tù có thể được trở về trước thời hạn, thể hiện sự khoan hồng nhân đạo của pháp luật.
Luật sư Cường chia sẻ thêm: “Với anh Nguyễn Tuấn Hải, đã cách ly với đời sống xã hội hơn 20 năm, cuộc sống ngày nay rất khác so với hơn 20 năm trước. Khi anh Hải phải chấp hành hình phạt tù thì khi đó chưa có mạng xã hội, thậm chí công nghệ thông tin cũng chưa phát triển mạnh mẽ như bây giờ. Bởi vậy để tiếp cận với thời đại kĩ thuật số, thời đại công nghệ thông tin, phải mất một khoảng thời gian thì mới có thể thích ứng và bắt nhịp với cuộc sống. Những người phải chấp hành hình phạt tù dài hạn, khi trở về với đời sống xã hội như vậy thì họ rất cần có sự quan tâm giúp đỡ của gia đình, bạn bè, chính quyền địa phương để có thể sớm hòa nhập cộng đồng. Nhà nước cũng có chính sách đối với người chấp hành hình phạt tù khi họ trở về với đời sống xã hội để tái hòa nhập cộng đồng. Theo đó, họ được tạo cơ hội về công ăn việc làm, được hỗ trợ các điều kiện để phát triển đời sống kinh tế xã hội”.