Với trường hợp mua phải xe cũ dính nhiều lỗi phạt nguội mà kiểm tra trên App không ra, cũng là một kinh nghiệm cần đặc biệt lưu ý đối với những người có dự định mua ô tô đã qua sử dụng.
Nguyễn Kiên, một người kinh doanh ô tô cũ có tiếng tại Hà Nội, mới đây chia sẻ bài viết cảnh báo về việc kiểm tra phạt nguội khi mua xe đã qua sử dụng.
Điều đáng nói là mặc dù đã tra cứu nhưng thực tế số lỗi vi phạm của phương tiện còn nhiều hơn. Nội dung này nhanh chóng thu hút sự quan tâm từ cộng đồng.
Theo anh Kiên, trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, showroom của anh có nhập lại một chiếc Ford Explorer mang biển số 51 ở TPHCM
Qua kiểm tra trên ứng dụng điện thoại và một số website thì phương tiện này có 1 lỗi phạt nguội ở Ninh Thuận và một số lỗi ở Bà Rịa – Vũng Tàu.
Nhưng khi kiểm tra tại trung tâm đăng kiểm, anh “tá hỏa” khi nhận thông báo xe có thêm nhiều lỗi khác ở Bình Thuận và Bà Rịa – Vũng Tàu.
Do showroom cam kết xử lý phạt nguội trước khi bàn giao cho chủ mới nên anh này phải chi toàn bộ chi phí nộp phạt, lên tới 40 triệu đồng.
Người kinh doanh xe cũ này khuyến cáo người mua ô tô đã qua sử dụng cần tra cứu kỹ xem phương tiện định mua đã xử lý hết các lỗi phạt chưa.
“Từ trường hợp trên thì tôi cho rằng kiểm tra lỗi phạt nguội thông qua các trung tâm đăng kiểm mới là chắc chắn chứ tra cứu trên website thứ ba hay một số ứng dụng sẽ không thể đảm bảo được”, anh Kiên nói.
Ngoài ra, khách hàng cần ra điều kiện ràng buộc với chủ xe trước đây hoặc gara về trách nhiệm trong việc xử lý và chi trả các khoản phạt này.
“Quan trọng hơn là tìm được nơi uy tín, có trách nhiệm để đặt niềm tin, bởi khi đã mua bán xong thì phần thiệt lúc nào cũng rơi về phía chủ xe mới”, anh Kiên cho biết thêm.
Theo Khoản 1, Điều 73 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012, cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính phải chấp hành quyết định xử phạt trong 10 ngày kể từ ngày nhận được thông báo; trường hợp ghi thời hạn thi hành nhiều hơn 10 ngày thì sẽ theo thời gian đó.
Trong trường hợp chậm nộp phạt nguội quá thời hạn nêu trên thì sẽ bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt và cứ mỗi ngày chậm nộp phạt thì cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp thêm 0,05% trên tổng số tiền phạt chưa nộp, theo Khoản 1, Điều 78 Luật xử lý vi phạm hành chính.
Thời hạn gửi thông báo cảnh báo đăng kiểm ô tô là 20 ngày (tính theo ngày thường) theo quy định tại Thông tư 15/2022/TT-BCA.
Sau 20 ngày kể từ ngày cơ quan Công an gửi thông báo phạt nguội mà người vi phạm không đến giải quyết thì phương tiện sẽ bị đưa vào phần mềm cảnh báo đăng kiểm của Cục Đăng kiểm Việt Nam, từ đó từ chối kiểm định.
Chủ xe ô tô phải làm gì khi bị phạt nguội oan?
Vấn nạn dùng chiêu trò làm sai lệch biển số, hoặc thậm chí dùng biển số giả để lách phạt nguội đã khiến nhiều chủ xe gặp phiền toái vì bỗng nhiên rơi vào cảnh “quýt làm cam chịu”.
Khi đi đăng kiểm, nhiều chủ xe ngỡ ngàng nhận thông báo xe bị từ chối đăng kiểm do có lỗi phạt nguội chưa được xử lý.
Khi xem hình ảnh vi phạm luật giao thông, một số chủ xe lập tức phát hiện mình bị phạt nguội oan vì biển số thì đúng, nhưng xe trong ảnh không cùng chủng loại với xe của mình.
Tuy nhiên, có những chủ xe không được “may mắn” như vậy, khi cả biển số, chủng loại và thậm chí cả màu sơn của xe trong hình ảnh vi phạm luật giao thông trùng khớp với xe của họ.
Với trường hợp thứ nhất, chủ xe chỉ cần xuất trình đầy đủ giấy tờ hợp pháp với cơ quan chức năng là có thể chứng minh chiếc xe trong hình ảnh vi phạm luật giao thông không phải xe của mình, từ đó được xóa lỗi phạt nguội trên hệ thống của cảnh sát giao thông.
Với trường hợp thứ hai, việc minh oan phức tạp hơn, vì “tình ngay, lý gian”. Thông thường, chủ xe phải cố gắng tìm ra điểm khác biệt giữa chiếc xe vi phạm với xe của mình.
Ngoài ra, nếu thường xuyên chủ động tra cứu thông tin phạt nguội để sớm phát hiện việc mình bị phạt nguội oan do hành vi gian lận biển số của chủ xe khác, thì chủ xe có thể kịp thời thu thập bằng chứng, ví dụ như trích xuất hình ảnh camera, để chứng minh trong khoảng thời gian vi phạm, xe của mình không đi trên tuyến đường này hoặc không ra khỏi nhà, trước khi các dữ liệu có giá trị minh oan bị xóa, hoặc khó truy xuất vì đã qua lâu.
Trước đây, nhiều chủ xe bị phạt nguội oan đã phải tốn không ít thời gian, công sức và cả tiền bạc để minh oan cho bản thân nếu hành vi vi phạm luật giao thông được ghi nhận ở tỉnh khác, cách xa nơi họ sinh sống.
Tuy nhiên, từ ngày 21/5, khi Thông tư 15/2022/TT-BCA (Thông tư 15) của Bộ Công an chính thức có hiệu lực, việc xử lý phạt nguội có thể được thực hiện thông qua Công an cấp phường/xã hoặc Công an cấp quận/huyện nơi chủ xe vi phạm cư trú.
Đối với hành vi che lấp hoặc làm thay đổi biển số, Nghị định 123/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 đã tăng gấp 6 lần mức phạt so với quy định trước đó tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP.
Cụ thể, mức phạt tiền 4-6 triệu đồng được áp dụng với hành vi điều khiển xe không gắn đủ biển số hoặc gắn biển số không đúng vị trí; gắn biển số không rõ chữ, số; gắn biển số bị bẻ cong, bị che lấp, bị hỏng; sơn, dán thêm làm thay đổi chữ, số hoặc thay đổi màu sắc của chữ, số, nền biển (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc). Mức phạt theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP là từ 800.000 đến 1 triệu đồng.
Tuy nhiên, mức phạt mới được cho là vẫn chưa đủ “sức nặng” nếu so với một số lỗi vi phạm luật giao thông, như lỗi chạy xe quá tốc độ có thể bị phạt tới 12 triệu đồng, đồng thời tước giấy phép lái xe từ 2 đến 4 tháng.
Đó là chưa kể nếu vi phạm luật giao thông nhiều lần thì mức phạt có thể lên tới vài chục triệu đồng.
Do đó, nhiều chủ xe vẫn cố tình dán băng dính làm sai lệch biển số, hoặc thậm chí sử dụng biển số giả khi tham gia giao thông nhằm qua mặt CSGT.