Với thời gian học ngắn và thi dễ hơn so với các loại bằng lái xe ô tô khác nên bằng lái xe ô tô hạng B1 được rất nhiều người lựa chọn, đặc biệt là các chị em phụ nữ. Vậy bằng lái xe B1 có thời hạn bao lâu?
Theo Điều 59 và Điều 60 Luật Giao thông đường bộ năm 2008, người từ đủ 18 tuổi trở lên có thể đăng ký học và thi bằng lái xe hạng B1. Khi vượt qua kỳ thi sát hạch, học viên sẽ được cấp giấy phép lái xe hạng B1 để có thể điều khiển ô tô tham giao thông.
Điều 17 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT
2. Giấy phép lái xe hạng B1 có thời hạn đến khi người lái xe đủ 55 tuổi đối với nữ và đủ 60 tuổi đối với nam; trường hợp người lái xe trên 45 tuổi đối với nữ và trên 50 tuổi đối với nam thì giấy phép lái xe được cấp có thời hạn 10 năm, kể từ ngày cấp.
Theo quy định này, thời hạn sử dụng bằng lái xe B1 được xác định dựa trên độ tuổi của người lái xe khi cấp bằng:
– Người lái xe từ 45 tuổi trở xuống (nữ) hoặc dưới 50 tuổi trở xuống (nam): Bằng lái xe hạng B1 có hạn sử dụng đến khi lái xe đủ 55 tuổi (nữ) hoặc đủ 60 tuổi (nam).
– Người lái xe trên 45 tuổi (nữ) hoặc trên 50 tuổi (nam): Bằng lái xe hạng B1 có hạn sử dụng 10 năm kể từ ngày cấp.
Thời hạn sử dụng của bằng lái xe cũng được ghi trực tiếp lên bằng lái xe của mỗi người để tài xế có thể tiện theo dõi.
2. Bằng lái xe hạng B1 hết hạn, có phải thi lại?
Theo quy định tại Điều 36 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT, khi giấy phép lái xe hết hạn, tài xế có thể làm thủ tục cấp lại giấy phép lái xe. Tùy thuộc vào thời gian quá hạn mà người tài xế có thể phải thi sát hạch lại bằng lái xe B1 hoặc không. Cụ thể:
– Bằng lái xe B1 hết hạn dưới 03 tháng: Tài xế được cấp lại bằng lái xe mà không cần thi sát hạch.
– Bằng lái xe B1 hết hạn từ 03 tháng đến dưới 01 năm: Tài xế được cấp lại bằng lái xe hạng B1 sau khi vượt qua bài thi sát hạch lại lý thuyết.
– Bằng lái xe B1 hết hạn từ 01 năm trở lên: Tài xế được cấp lại bằng lái xe hạng B1 sau khi vượt qua bài sát hạch lại lý thuyết và thực hành.
Bằng lái xe hạng B1 được cấp lại trong trường hợp này có thời hạn 10 năm để từ ngày được cấp.
3. Bằng lái xe B1 cho phép điều khiển xe gì?
Để biết chính xác bằng B1 lái xe gì cần căn cứ vào khoản 5 và 6 Điều 16 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT với nội dung quy định như sau:
5. Hạng B1 số tự động cấp cho người không hành nghề lái xe để điều khiển các loại xe sau đây:
a) Ô tô số tự động chở người đến 9 chỗ ngồi, kể cả chỗ ngồi cho người lái xe;
b) Ô tô tải, kể cả ô tô tải chuyên dùng số tự động có trọng tải thiết kế dưới 3.500 kg;
c) Ô tô dùng cho người khuyết tật.
6. Hạng B1 cấp cho người không hành nghề lái xe để điều khiển các loại xe sau đây:
a) Ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi, kể cả chỗ ngồi cho người lái xe;
b) Ô tô tải, kể cả ô tô tải chuyên dùng có trọng tải thiết kế dưới 3.500 kg;
c) Máy kéo kéo một rơ moóc có trọng tải thiết kế dưới 3.500 kg.
Theo quy định này, giấy phép lái xe hạng B1 bao gồm 02 loại: hạng B1 tự động số và hạng B1 số sàn. Mỗi loại bằng lái xe được phéo điều khiển các loại phương tiện sau:
– Hạng B1 tự động số được lái các xe:
- Ô tô số tự động chở người đến 9 chỗ ngồi (tính cả chỗ ngồi của người lái xe).
- Ô tô tải (tính cả ô tô tải chuyên dùng) số tự động có trọng tải dưới 3.500 kg.
- Ô tô dùng cho người khuyết tật.
– Hạng B1 số sàn được lái các xe:
- Ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi (tính cả chỗ ngồi của người lái xe).
- Ô tô tải (tính cả ô tô tải chuyên dùng) có trọng tải dưới 3.500 kg.
- Máy kéo kéo một rơ moóc có trọng tải dưới 3.500 kg.