Theo quy định, từ ngày 1/1/2025, bằng lái xe A1 chạy được xe mô tô hai bánh có dung tích xi-lanh đến 125 cm3 hoặc có công suất động cơ điện đến 11 kW.
Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ 2024 có hiệu lực từ ngày 01/01/2025. Trong đó có quy định sử dụng bằng lái xe A1 cụ thể như sau:
Theo Điểm a Khoản 1 Điều 57 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 quy định về bằng lái xe A1 bao gồm các hạng A1 cấp cho người lái xe mô tô hai bánh có dung tích xi-lanh đến 125 cm3 hoặc có công suất động cơ điện đến 11 kW.
Theo quy định nêu trên, từ ngày 1/1/2025, bằng lái xe A1 chạy được xe mô tô hai bánh có dung tích xi-lanh đến 125 cm3 hoặc có công suất động cơ điện đến 11 kW.
Cũng theo Điểm a, Khoản 2 Điều 89 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 quy định chuyển tiếp về giấy phép lái xe A1 trước ngày 1/1/2025 như sau:
Giấy phép lái xe được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành nếu chưa thực hiện đổi, cấp lại theo quy định của Luật này được tiếp tục điều khiển xe mô tô hai bánh có dung tích xi-lanh từ 50 cm3 đến dưới 175 cm3 hoặc có công suất động cơ điện từ 04 kW đến dưới 14 kW;
Theo đó, bằng lái xe A1 được cấp trước ngày 1/1/2025, vẫn được tiếp tục điều khiển xe mô tô hai bánh có dung tích xi-lanh từ 50 cm3 đến dưới 175 cm3 hoặc có công suất động cơ điện từ 04 kW đến dưới 14 kW nếu chưa thực hiện đổi, cấp lại theo quy định của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024.
Từ 1/1/2025, bằng lái xe A1 chạy được xe gì? (Ảnh minh họa).
Giấy phép lái xe bao gồm các hạng nào từ 1/1/2025?
Căn cứ khoản 1 Điều 57 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 quy định Giấy phép lái xe bao gồm các hạng sau đây:
– Hạng A1 cấp cho người lái xe mô tô hai bánh có dung tích xi-lanh đến 125 cm3 hoặc có công suất động cơ điện đến 11 kW;
– Hạng A cấp cho người lái xe mô tô hai bánh có dung tích xi-lanh trên 125 cm3 hoặc có công suất động cơ điện trên 11 kW và các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng A1;
– Hạng B1 cấp cho người lái xe mô tô ba bánh và các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng A1;
(Ảnh minh họa)
– Hạng B cấp cho người lái xe ô tô chở người đến 08 chỗ (không kể chỗ của người lái xe); xe ô tô tải và ô tô chuyên dùng có khối lượng toàn bộ theo thiết kế đến 3.500 kg; các loại xe ô tô quy định cho giấy phép lái xe hạng B kéo rơ moóc có khối lượng toàn bộ theo thiết kế đến 750 kg;
– Hạng C1 cấp cho người lái xe ô tô tải và ô tô chuyên dùng có khối lượng toàn bộ theo thiết kế trên 3.500 kg đến 7.500 kg; các loại xe ô tô tải quy định cho giấy phép lái xe hạng C1 kéo rơ moóc có khối lượng toàn bộ theo thiết kế đến 750 kg; các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B;
– Hạng C cấp cho người lái xe ô tô tải và ô tô chuyên dùng có khối lượng toàn bộ theo thiết kế trên 7.500 kg; các loại xe ô tô tải quy định cho giấy phép lái xe hạng C kéo rơ moóc có khối lượng toàn bộ theo thiết kế đến 750 kg; các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B và hạng C1;
– Hạng D1 cấp cho người lái xe ô tô chở người trên 08 chỗ (không kể chỗ của người lái xe) đến 16 chỗ (không kể chỗ của người lái xe); các loại xe ô tô chở người quy định cho giấy phép lái xe hạng D1 kéo rơ moóc có khối lượng toàn bộ theo thiết kế đến 750 kg; các loại xe quy định cho giấy phép lái xe các hạng B, C1, C;
– Hạng D2 cấp cho người lái xe ô tô chở người (kể cả xe buýt) trên 16 chỗ (không kể chỗ của người lái xe) đến 29 chỗ (không kể chỗ của người lái xe); các loại xe ô tô chở người quy định cho giấy phép lái xe hạng D2 kéo rơ moóc có khối lượng toàn bộ theo thiết kế đến 750 kg; các loại xe quy định cho giấy phép lái xe các hạng B, C1, C, D1;
– Hạng D cấp cho người lái xe ô tô chở người (kể cả xe buýt) trên 29 chỗ (không kể chỗ của người lái xe); xe ô tô chở người giường nằm; các loại xe ô tô chở người quy định cho giấy phép lái xe hạng D kéo rơ moóc có khối lượng toàn bộ theo thiết kế đến 750 kg; các loại xe quy định cho giấy phép lái xe các hạng B, C1, C, D1, D2;
– Hạng BE cấp cho người lái các loại xe ô tô quy định cho giấy phép lái xe hạng B kéo rơ moóc có khối lượng toàn bộ theo thiết kế trên 750 kg;
– Hạng C1E cấp cho người lái các loại xe ô tô quy định cho giấy phép lái xe hạng C1 kéo rơ moóc có khối lượng toàn bộ theo thiết kế trên 750 kg;
– Hạng CE cấp cho người lái các loại xe ô tô quy định cho giấy phép lái xe hạng C kéo rơ moóc có khối lượng toàn bộ theo thiết kế trên 750 kg; xe ô tô đầu kéo kéo sơ mi rơ moóc;
– Hạng D1E cấp cho người lái các loại xe ô tô quy định cho giấy phép lái xe hạng D1 kéo rơ moóc có khối lượng toàn bộ theo thiết kế trên 750 kg;
– Hạng D2E cấp cho người lái các loại xe ô tô quy định cho giấy phép lái xe hạng D2 kéo rơ moóc có khối lượng toàn bộ theo thiết kế trên 750 kg;
– Hạng DE cấp cho người lái các loại xe ô tô quy định cho giấy phép lái xe hạng D kéo rơ moóc có khối lượng toàn bộ theo thiết kế trên 750 kg; xe ô tô chở khách nối toa.
Hồ sơ thi bằng lái xe A1
04 ảnh thẻ 3×4 được chụp với thời gian gần 3 tháng trở lại. Quy định về đầu tóc phải gọn gàng và không để mái, nam giới thì chải tóc ngược lên và nữ giới nên búi, buộc tóc gọn gàng. Quần áo phải chỉnh chu, tốt nhất là mặc áo sơ mi trắng.
01 bản photocopy căn cước công dân/hộ chiếu/passport không cần công chứng.
01 mẫu đơn đăng ký cuộc thi sát hạch bằng lái xe máy A1 (theo mẫu).
01 giấy khám sức khỏe dựa theo quy định của bộ GTVT (mẫu chuẩn và mới nhất).
Lệ phí đăng ký thi bằng lái xe bao gồm: lệ phí sân thi, phí thi lý thuyết – thực hành và tiền in bằng lái xe khi đã đậu.
Thi bằng lái xe A1
Bước 1: Học viên đến địa điểm sân thi theo như thông báo từ trung tâm.
Bước 2: Xem thông tin cá nhân trong danh sách thi dán trên bảng thông báo. Lưu ý số thứ tự trong danh sách là số báo danh. Cần phải nhớ số báo danh.
Bước 3: Vào phòng chờ để nghe thông báo và gọi số báo danh đến ai thì người đó vào thi lý thuyết. Hiện nay phần thi lý thuyết đã được chuyển sang làm trên máy tính và số câu hỏi tăng lên là 25 câu. Thí sinh làm đúng 21/25 và không sai câu điểm liệt nào sẽ được coi là đậu phần thi lý thuyết.
(Ảnh minh họa)
Bước 4: Thi đỗ phần thi lý thuyết học viên ra sân thi thực hành. Như phần thi lý thuyết đọc đến số báo danh học viên nào thì học viên ra thi.
Đối với phần thi thực hành: Trong bài thi thực hành (chạy sa hình) học viên phải lái xe chạy theo hình số 8, đường thẳng, đường quanh co và đường nhấp nhô.
Thí sinh phải đạt 80/100 điểm thì mới đủ điều kiện đỗ. Có một số lỗi chỉ cần phạm phải sẽ bị hủy thi ngay lập tức.
Cụ thể về thang điểm thi thực hành lấy bằng lái xe máy A1:
– Xe bị chết máy -5 điểm/lần.
– 1 bánh chạm vạch -5 điểm/lần.
– Chống chân -5 điểm/lần.
– Đi cả 2 bánh ra ngoài -25 điểm.
– Đi sai bài thi – 25 điểm.
Ngoài ra, bài thi thực hành cũng bị giới hạn về thời gian, người thi chỉ có 10 phút để hoàn thành bài thi của mình.
Thi bằng lái xe A1 sau bao lâu có bằng?
Sau khi hoàn thành bài thi và được thông báo là đã đạt cả 2 phần thi lý thuyết và thực hành người tham gia sẽ ra về và đợi ngày được cấp bằng. Thông thường, cần chờ khoảng 1 tuần đến 15 ngày tính từ ngày hoàn thành bài thi sát hạch (không tính ngày thứ 7 và Chủ nhật, ngày lễ). Đây là khoảng thời gian để Sở GTVT chuẩn bị và cấp bằng lái xe A1.