Thế nào là chạy quá tốc độ quy định?
Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2020 quy định, người điều khiển phương tiện sẽ bị xử phạt lỗi chạy quá tốc độ nếu trên một đoạn đường có biển cắm hạn chế tốc độ. Mỗi tuyến đường sẽ giới hạn tốc độ cho từng loại phương tiện khác nhau.
Ở Việt Nam, thông thường trên đường cao tốc, ô tô không được chạy quá tốc độ 100 hoặc 120km/h. Đối với những đường quốc lộ, tốc độ tối đa dành cho xe ô tô là 80km/h, trừ một số trường hợp đặc biệt quy định riêng.
Chạy quá tốc độ bao nhiêu km/h không bị phạt?
Trong mọi trường hợp, người điều khiển phương tiện cần tuân thủ luật giao thông đường bộ về quy định tốc độ khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp không bị phạt lỗi vi phạm tốc độ dù đã vượt quá quy định cho phép.
Theo đó, quy định tại Điểm c Khoản 2 Điều 6 Nghị định 100, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông vượt tốc độ cho phép dưới 5km/h sẽ không được coi là vi phạm. Do vậy, khi cảnh sát giao thông dừng xe khi người điều khiển vượt quá tốc độ dưới 5km/h chỉ có quyền nhắc nhở chứ không thể xử phạt vi phạm hành chính.
Quy định không phạt lỗi khi người điều khiển chạy quá tốc độ dưới 5km/h, nhưng để đảm bảo an toàn thì người điều khiển phương tiện cần tuân thủ luật giao thông và chạy đúng tốc độ cho phép theo biển báo chỉ dẫn ở cung đường đó.
Các mức phạt điều khiển xe chạy quá tốc độ
Theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP và Nghị định 123/2021/NĐ-CP, từ năm 2022, mức xử phạt vi phạm chạy quá tốc độ quy định cụ thể như sau:
Tốc độ vi phạm | Mức phạt ô tô, Xe khách, xe tải | Mức phạt xe máy, mô tô, xe gắn máy (xe máy điện) | Hình phạt bổ sung |
---|---|---|---|
05 km/h – dưới 10 km/h | 800 nghìn đồng đến 1 triệu đồng | 200 – 300 nghìn đồng | |
10 km/h – 20 km/h | 3 – 5 triệu đồng | 3 – 5 triệu đồng | Tước GPLX 01 – 03 tháng |
Trên 20 km/h – 35 km/h | 6 – 8 triệu đồng | 6 – 8 triệu đồng | Tước GPLX từ 02 – 04 tháng |
Trên 35 km/h | 10 – 12 triệu đồng | 10 – 12 triệu đồng | Tước GPLX từ 02 – 04 tháng |